Câu chuyện “kỳ lạ” này xảy ra ở Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, khi 145 sinh viên đang học tập tại trường với hành trang là giấy báo điểm giả.

{keywords}

Giấy chứng nhận kết quả thi giả lấy danh nghĩa đã dự thi vào Học viện Khoa học Quân sự năm 2012, và giấy báo nhập học của UTM.

2/3 là sinh viên “giả”

ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (UTM) thành lập năm 2007, đến nay trường có gần 300 sinh viên (SV). Tuy nhiên, trong số SV đang học tại trường có quá nửa là SV nhập học với giấy báo điểm giả.

Theo các tài liệu mà Vietnamnet có được, ngày 24/10/2012 Hội đồng tuyển sinh trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị đã có cuộc họp về tình hình thực tế công tác tuyển sinh năm 2011. Cuộc họp do ông Nguyễn Văn Thường, Hiệu trưởng chủ trì với 5 thành viên khác là lãnh đạo phòng đào tạo, Tổ thanh tra tuyển sinh năm 2011...

Biên bản cuộc họp này ghi rõ, sau khi kiểm tra 254 hồ sơ tuyển sinh năm 2009 (khóa I); năm 2010 (khóa 2) và năm 2011 (khóa 3) đã phát hiện chuyện kỳ lạ: 2/3 sinh viên đang học tại trường không đủ tiêu chuẩn trở thành sinh viên, thậm chí đa phần trong số này là sinh viên giả. 

Cụ thể: Có 5 SV đạt tổng điểm 12,5 điểm (không đạt mức điểm sàn vào đại học); 3 SV khối B, C, D không đúng khối xét tuyển (trường tuyển khối A); 5 SV không có phiếu báo điểm và 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu điểm dự thi. Có 1 SV nộp giấy báo điểm của năm 2005 (trong khi đó trường thành lập năm 2007) nhưng vẫn được vào học. Nghiêm trọng nhất, có tới 145 SV trúng tuyển với giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi.

Trong tổng số hồ sơ kiểm tra chỉ có 83 SV là đạt yêu cầu, chiếm 32,6%.

Trước kết quả thanh tra gây choáng váng này, ông Nguyễn Văn Thường - Hiệu trưởng nhà trường lúc đó - đã đưa ra giải pháp cho từng trường hợp: 5 SV có điểm đầu vào 12,5 điểm sẽ công bố chuyển sang Cao đẳng và ưu tiên liên thông lên Đại học theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Cho thôi học 3 SV sai khối B, C, D và 1 SV có phiếu điểm năm 2005. Đối với 145 SV có giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi: yêu cầu 5 SV nộp phiếu báo điểm, yêu cầu 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu điểm dự thi quay về trường xin xác nhận thông tin. Nếu gian lận sẽ cho thôi học theo quy chế.

Con đường biến giả thành thật

Sau khi sự việc sinh viên giả bị phát hiện, ông Nguyễn Văn Thường và bà Lê Thị Việt Hoa đã có đơn xin nghỉ việc. 

Tại cuộc họp giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và lãnh đạo nhà trường, ông Nguyễn Văn Thường - Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 2011-2012 khẳng định: “Không có chỉ đạo việc tuyển sinh dưới điểm sàn. Việc giấy báo điểm giả trước đây tổ thư ký và phòng đào tạo không báo cáo. Vì vậy, đề nghị cơ quan bảo vệ Pháp luật làm rõ sự việc”.

Còn bà Lê Thị Việt Hoa đã nhận khuyết điểm buông lỏng quản lý trong lĩnh vực tuyển sinh. 

Trong văn bản giải trình với Hội đồng quản trị Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị về những sai phạm đầu vào tuyển sinh trên, bà Lê Thị Việt Hoa, lúc đó là trưởng phòng Đào tạo của trường, đưa lý do: 

“Năm 2010 vì trường còn mới với nhiều biến động về nhân sự nên việc tuyển sinh không được thuận lợi… Vì chuyển từ công lập ra, về dưới trường các quan hệ còn ít nên khi thấy những giấy báo của các trường quân đội, công an các nhân viên trong phòng không biết tra như thế nào nên cứ để vào học”. 

Năm 2011, khi đã hết hạn tuyển nguyện vọng 2 trường mới chỉ tuyển được khoảng hơn 50 SV. “Khi đó, thầy Lê Vĩnh Thọ, hiệu phó của trường có nói với tôi là trường giờ cần SV, nếu không có SV thì sẽ bị đóng cửa trường nên có giới thiệu một người tên là Bồng đến và đưa những giấy báo vào trường. Thầy bảo, những giấy này là giấy photo màu và làm của những trường An ninh, Quân sự nên không đưa điểm lên mạng. Cho SV vào học để trường đông rồi người ta nhìn mới thấy đây là ngôi trường, sau sẽ đông lên…” - bà Hoa tiếp tục giải trình.

Bà Hoa cũng thừa nhận “Khi tra điểm ra không thấy có nên đã để cho các giấy báo điểm photo màu đó vào nhập học và học tại trường. Việc tôi lờ đi cho số SV vào học là đã làm sai trong quản lý. Nhưng lý do ở đây là do thầy Lê Vĩnh Thọ là Hiệu phó – lại là người của nhà đầu tư chỉ đạo như vậy nên tôi làm theo, tôi không thể lường trước được sự việc lại xảy ra nghiêm trọng như vậy vì khi đó những giấy báo điểm cứ gửi qua Bưu điện hoặc thầy Thọ đưa vào, hoặc có người bảo là người của thầy Thọ nên tôi cho nhập theo chỉ đạo của thầy”.

Hội đồng Quản trị nhà trường có Quyết định cho ông Thường và bà Hoa thôi giữ chức từ ngày 05/11/2012.

Trao đổi với báo chí ngày 23/11, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết: “Bộ đã nhận được thông tin từ cơ quan công an về dấu hiệu sai phạm trong hoạt động của Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị Hà Nội và Bộ đã có văn bản gửi nhà trường yêu cầu báo cáo cụ thể”.

Được biết, ngày 28/06/2013, UTM đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh khóa đầu tiên của trường. Ngày 25/10/2013, Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT phê duyệt cấp 44 phôi bằng Cử nhân tốt nghiệp cho SV khóa I (năm 2009) của trường. Tuy nhiên, với những tài liệu mới được tiết lộ, rất có thể khóa học này có những trường hợp đầu vào sử dụng giấy tờ giả (năm học 2009 này trường tuyển được 61 SV). 

Năm 2012, trường tuyển thực được 70 SV và năm 2013 được 11 SV.

Chi Mai

Trường không hiệu trưởng 

Những việc làm này xảy ra ở một ngôi trường thiếu trầm trọng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Sau khi ông Nguyễn Văn Thường xin nghỉ việc, ngày 14/12/2012, Hội đồng quản trị nhà trường đã bổ nhiệm GS.TSKH Đỗ Doãn Hải giữ chức Phó Hiệu trưởng. Điều đáng chú ý ở đây là ông Hải đã trên 80 tuổi, không đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng theo quy định (theo quy định  của Chính phủ Phó hiệu trưởng khi được bổ nhiệm không quá 70 tuổi).

Và đến nay trường vẫn chưa có hiệu trưởng mới. Trong mục giới thiệu lãnh đạo nhà trường chỉ bao gồm Chủ tịch HĐQT Vũ Anh Tâm và Phó hiệu trưởng Đỗ Doãn Hải.

Trong phần tự giới thiệu về nhà trường trên website , UTM đưa những thông tin như: “Trường có hơn 80 giảng viên toàn những giáo viên nhà giáo ưu tú, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ” và “đội ngũ giảng viên gồm 6 Giáo sư, 4 Phó Giáo sư, 7 Tiến sĩ (không phải là Giáo sư và Phó Giáo sư) và 4 Thạc sĩ. Trong số các giảng viên cơ hữu có một nhà khoa học được Giải thưởng Lê-Nin của Liên Xô cũ (nay là Liên bang Nga) và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996 về khoa học kỹ thuật, ba nhà khoa học được Giải thưởng nhà nước năm 2005 về khoa học kỹ thuật, trong đó có một người còn được Giải thưởng VIFOTEC ba lần (giải Nhất, giải Nhì và giải Ba)…”.

Tuy nhiên, theo “Danh sách phát lương giảng viên cơ hữu” của trường mà chúng tôi có được (ký ngày 31/05/13) số người lĩnh lương chỉ dừng ở con số 7.

Về cơ sở vật chất, trường thông tin trên trang web là đã được UBND TP Hà Nội giao 20 ha ở phường Dương Nội để xây 1 khu đô thị đại học theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng hiện nay chưa xây dựng.

Trước đây, trường có cơ sở đào tạo là tại 290 Tây Sơn - Đống Đa - Hà Nội. Hiện nay, trường thuê ở một tòa nhà nằm trong khu dân cư thuộc quận Từ Liêm, Hà Nội với diện tích khoảng 400 m2.