- Trước giờ trực tuyến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, độc giả Thăng Long đến tòa soạn gửi bài viết mong được gửi đến Bộ trưởng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Thưa bộ trưởng, những khó khăn đã được Bộ trưởng điểm qua tại nhiều hội nghị sau khi nhà nước và nhân dân đã đầu tư rất nhiều tiền trong thời gian qua là.

Trong những năm tới vấn đề lương cho giáo viên không thể giải quyết được sao cho đủ để cán bộ có thể sống vì nghề. Mặt bằng lương của cán bộ nhà nước không cho phép ta có chế độ riêng cho giáo viên ngoại ngữ.

Giáo viên ngoại ngữ bỏ nghề khi đã được đào tạo thành thạo ngoại ngữ, tin học ở bậc cao. (Lúc đó làm nghề khác lương cao hơn)

Tại các nơi đào tạo giáo viên của Việt Nam hiện nay, chất lượng giáo viên không thể nâng lên chuẩn quốc tế với cách đào tạo và cấp bằng không có chất lượng như hiện tại. Kết quả thu được là kém trong khi một lượng tiền lớn đã bỏ ra cho hoạt động này trong thời gian qua.

Cách dạy học dập khuôn từ nước bản địa nói tiếng Anh, nơi mà trẻ em giao tiếp ở nhà và ngoài đường tốt rồi mới đến trường học ngữ pháp. Trẻ em Châu Á chỉ đến lớp mới được tiếp xúc với môi trường tiếng Anh.

Thiết bị dạy học mua về đắp chiếu tràn lan trên nhiều địa phương cả nước, phung phí tiền của của nhân dân kể cả khi đã có công văn chấn chỉnh từ Bộ giáo dục. Bộ có thể công khai tổng kết số tiền đã tiêu cho việc trang bị thiết bị dạy học ngoại ngữ trên cả nước sẽ thấy quy mô vi phạm không kém các tập đoàn yếu kém.

Tuyệt đại đa số thiết bị trong danh sách hướng dẫn mua sắm của Bộ đều chỉ sử dụng cho giảng dạy. Trong khi đó riêng việc giảng dạy mà không dùng thiết bị thì giáo viên cũng đã không đủ thời gian trên lớp nên lâu nay giáo viên nản lòng không dùng thiết bị, cho đắp chiếu hàng loạt, năm nào cũng thấy thanh tra các cấp phê bình. Tiêu chí chọn mua sắm thiết bị được quyết định bởi % nhà thầu trích lại cho người quyết định mua sắm ở địa phương mà không dựa vào tiêu chí chất lượng hay tính hữu dụng của thiết bị.

Giải pháp phi thực tế được những người ngồi bàn giấy, thậm chí là hiệu trưởng các trường đại học đưa ra gồm:

Phát biểu sáo rỗng là “vấn đề quan trọng nhất là con người, là đào tạo giáo viên đạt chuẩn” của các ngài hiệu trưởng trường đại học, nơi mà nhận được kinh phí đào tạo để “giáo viên đạt chuẩn”. Bộ có thể kiểm tra lại số giáo viên này bằng một công cụ công bằng của quốc tế sẽ thấy ngay kết quả “chuẩn” của ta là như thế nào.

Sẽ thấy ngay rằng những phương án mà các trường đại học và các cơ sở, viện nghiên cứu của Bộ đưa ra vừa qua là không thực tế, không thể giải quyết được do những khó khăn Bộ trưởng nêu ở trên. Trong khi đó, với nhu cầu nhân lực như hiện nay Việt Nam cũng không thể chờ vài chục năm nữa để rút kinh nghiệm.

Cũng vậy, việc đưa kinh phí về địa phương đầu tư cho giáo viên đi du lịch nước ngoài chỉ là muối bỏ biển khi mà thạc sỹ tiếng Anh học 6 năm liên tiếp tại trường đại học Viêt nam còn chưa đạt chuẩn quôc tế, bồi dưỡng giáo viên 3 tháng trong nước cũng như tại nước ngoài thì đạt chuẩn gì đây? Bộ có thể sử dụng một cơ quan khảo thí quốc tế để kiểm tra trình độ của học sinh và sinh viên mới tốt nghiệp sẽ thấy ngay kết quả, việc này không đắt đỏ gì mấy.

Đầu tư mua sắm thiết bị cũng không giải quyết được vấn đề bởi với cách lên lớp cũ và theo bố trí chương trình của Bộ thì hầu như học sinh không có thời gian luyện tập vậy làm sao có thời gian sử dụng thiết bị được nữa.

Tài liệu dạy học dập khuôn bắt chước nước ngoài, thậm chí thuê cả nước ngoài viết sách giống như sách nước ngoài cả về hình thức thì sao không dùng luôn sách nước ngoài với giá tương đương nhưng chất lượng dù sao cũng hơn hẳn và phải chăng sẽ logic hơn nếu đã sử dung phương pháp truyền thống của phương Tây để lên lớp thì nên dùng tài liệu của họ.( Giáo viên được bồi dưỡng bằng phương pháp lên lớp của phương Tây từ lâu nay)

Với các văn bản và cách chỉ đạo như hiện nay thì chỉ có các nhóm lợi ích đang nhận kinh phí từ nhà nước và từ nhân dân là có lợi. Bộ trưởng có thể kiểm tra lại.

Cá nhân tôi thì lo, lo lắm, vẫn cách làm đó từ bao năm nay, vẫn tư duy đó từ bao năm nay thì chỉ có một cuộc Cách Mạng thực sự từ Bộ giáo dục xuống các địa phương mới giải quyết được, nguồn nhân lực Việt Nam mới thay đổi căn bản và toàn diện được.

Bộ trưởng có làm được không? Bộ trưởng có thể nêu ra một giải pháp thực sự thực tiễn được hay không?

Ý kiến đóng góp của tôi là xin hãy rà soát toàn bộ văn bản, công văn hướng dẫn của Bộ giáo dục về ngoại ngữ sao cho thời gian lên lớp chính tập trung cho mỗi học sinh luyện tập chứ không phải là chỉ để giáo viên diễn trên lớp như bao năm nay. Chả phải ta vẫn nêu phương pháp dạy học là lấy người học làm trung tâm sao, tại sao nói vậy mà các công văn hướng dẫn các mặt vẫn chỉ toàn là nói về giáo viên, cho giáo viên, từ phương pháp, tài liệu, thiết bị, đào tạo lại …. Thay đổi căn bản sẽ là gì đây? Toàn diện là gì đây?

  • Thăng Long