- Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thẳng thắn: “PISA vẫn chỉ là cách làm mang nặng tính thành tích. Đừng vội mừng vì xếp hạng học sinh Việt Nam cao hơn Mỹ. Người dân chỉ thấy sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp quá nhiều thôi”.

Lần đầu tiên Việt Nam tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển thế giới (OECD) và mang về kết quả cao, gây bất ngờ cho chính ngành giáo dục.

Đã từ lâu, và không chỉ ở Việt Nam, chỉ số PISA này luôn được mổ xẻ và soi chiếu từ nhiều góc nhìn. Với Việt Nam, điều này không là ngoại lệ.

Ngày 5/12, một ngày sau khi Việt Nam công bố kết quả, một số nhà quản lý giáo dục lão thành đã nhìn nhận sâu hơn.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Đừng vội mừng!"

Kết quả PISA chỉ chứng tỏ học sinh chúng ta giỏi về những lĩnh vực cơ bản như toán, khoa học,…những điều mà các em được dạy quá nhiều trong trường học.

{keywords}
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Ảnh: Văn Chung).

Nếu PISA là khách quan, trung thực thì chúng ta có thể yên tâm phần nào khi giáo dục phổ thông đã cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản cho các em.

Tuy nhiên PISA vẫn mang nặng tính thành tích. Nhìn vào kết quả này cũng đừng vội mừng. Người dân và xã hội còn đó nỗi lo lớn lao là rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường vẫn thất nghiệp, không đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và góp phần phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.

Chúng ta còn thiếu nhiều việc trang bị kĩ năng mềm cho người học-những điều nhà tuyển dụng cần có.

GS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa phổ thông sau 2015 (Bộ GD-ĐT): "Nước phát triển phân luồng học sinh tốt"

Có một hiện tượng khi đánh giá PISA chính là học sinh Đức thua Phần Lan và một số quốc gia ở Bắc Âu. Tuy nhiên khi tìm nguyên nhân vì sao thì nước Đức họ phân hóa phân luồng học sinh từ rất sớm.

{keywords}
GS Đinh Quang Báo (Ảnh: Văn Chung).

PISA tiến hành đánh giá học sinh 15 tuổi. Ở Đức các em đã rẽ nhánh sớm hơn rồi.

Không giống Việt Nam và một số nước, học sinh được học liền một mạch đến lớp 9 (lúc 15 tuổi). Điều đó có thể lí giải vì sao tri thức đại cương của học sinh Việt Nam trọn vẹn hơn, tốt hơn.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, Nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: "Phổ thông ép học nhiều!"

Tôi không bất ngờ với kết quả PISA. Đặt trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam khi chúng ta vừa thoát khỏi nhóm có thu nhập thấp không lâu thì giáo dục phổ thông đã có bước tiến rất tốt.

{keywords}
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến (Ảnh: Văn Chung).

Bấy lâu ta đánh giá giáo dục chủ yếu cảm tính, bị tác động dư luận khiến tâm lí chính những người trong ngành giáo dục hoang mang. Việc đưa phép đo quốc tế vào kiểm định chất lượng học sinh chứng minh chất lượng giáo dục Việt Nam không đến nỗi như chúng ta nghĩ. Giáo dục Việt Nam vẫn có thành tựu cần đánh giá đúng mức. Với kết quả này là động lực để giáo dục tiếp tục phấn đấu để tốt hơn.

Song đúng là giáo dục Việt Nam có vấn đề. Bậc phổ thông ta ép học sinh học nhiều nhưng lên đại học lại buổng lỏng dẫn tới các em đuối sức. Và khi ra trường sinh viên năng lực không đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Dạy cho người học kĩ năng sống, tự giải quyết vấn đề trong cuộc sống là điều mà sắp tới ngành giáo dục sẽ triển khai. Chúng ta hi vọng những bước đi này sẽ đạt hiệu quả thiết thực.

Ông Vũ Tuấn Anh, GĐ điều hành Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lí (VIM): "Tự sướng"ở PISA là đủ...

Cần nhìn nhận đánh giá PISA mức độ uy tín như thế nào? Họ khảo sát năng lực học sinh ra sao? Mẫu và phương pháp tiến hành như thế nào?

{keywords}
Ông Vũ Tuấn Anh (Ảnh: NVCC)

Với kết quả PISA vừa công bố điều đó đơn giản là xác định học sinh Việt Nam giỏi ở một số lĩnh vực nhất định. Thế thôi. Không nên từ PISA mà phóng đại nền giáo dục chúng ta tốt được.

Cái người cha mẹ, phụ huynh quan tâm là muốn con cái có nghề nghiệp, công việc. Họ không quan tâm nhiều tới bảng điểm của học sinh hoặc đây chỉ là một phần của vấn đề.

Nói đến chất lượng nguồn nhân lực Việt, tôi vẫn trăn trở và mong muốn Bộ GD-ĐT cần bắt tay chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội. Mối quan hệ của hai bộ có thể ví như người bán phở (Bộ GD-ĐT) và khách hàng (Bộ LĐ-TB-XH).

Người bán phở nói phở tôi ngon, khách hàng bảo nấu dở tệ nên ăn sao được.Thực tế là vậy nhưng tôi chưa thấy Bộ LĐ-TB-XH có ý kiến gì.

Tôi cũng mong các ĐH-CĐ sẽ sớm được trở về vị trí xứng đáng với năng lực thực tế của họ. Điều này do cộng đồng doanh nghiệp quyết định vì họ trả tiền để tuyển dụng người tốt nghiệp các ĐH-CĐ.

Các trường phải giảm quy mô tuyển sinh, tuyển sinh không được thì phải hạ cấp, có lên phải có xuống chứ. Nếu tiếp tục không tuyển được thì phải sáp nhập. Bao ngân hàng lớn cũng phải tính tới chuyện này đó thôi. Và nếu tiếp tục không làm được thì cần phải xóa sổ họ.

Như vậy mới mong chất lượng nguồn lao động sớm cải thiện.

  • Văn Chung (ghi)

Bà Diane Ravitch – chuyên gia phân tích chính sách giáo dục kiêm giáo sư nghiên cứu về văn hóa, giáo dục và phát triển con người tại ĐH New York. Bà từng là trợ lý Bộ trưởng Giáo dục Mỹ:

“Hãy cứ để cho người khác đạt điểm cao hơn. Tôi thích đặt cược vào sự sáng tạo, tinh thần dám làm của người Mỹ, đặt cược vào tính cách, sự kiên trì, tham vọng, sự chăm chỉ và những ước mơ lớn của người Mỹ. Những thứ này chưa từng được kiểm định hay đo lường được bởi những bài kiểm tra tiêu chuẩn như PISA”.

(Nguyễn Thảo - dịch)