- Ngày 31/3, tại Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam diễn ra tọa đàm: ”Vật lý cơ học của Việt Nam có đi trước thế giới?”.
Cuộc tọa đàm nhằm làm rõ những phát hiện của ông Nguyễn Văn Thường, Hội Vật lý Việt Nam xung quanh lý thuyết cơ học đang dạy cho học sinh phổ thông, đại học, cao học mà ông cho rằng, có những điểm chưa chuẩn xác, là nguyên nhân đưa ra những tính toán sai lầm, làm sập đổ nhà cửa, cầu cống.
Sau hàng chục năm, từ công việc hằng ngày rồi bằng thực nghiệm, ông Thường phát hiện ra, các lực chỉ độc lập với nhau khi chúng vuông góc với nhau.
Từ phát hiện này ông nâng lên thành Nguyên lý độc lập Việt Nam, được in vào sách Cơ học 1 (Bộ GD - ĐT) dạy cho học sinh trung học phổ thông từ năm 2009.
Phát hiện này theo ông, ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống.
Ví dụ, từ trước đến nay trong xây dựng cầu cống, lắp đặt cần cẩu, bằng lý thuyết cũ người ta chỉ tính đến lực kéo và nén nhưng Nguyên lý độc lập của ông Thường còn tính đến cả lực uốn- một lực quan trọng nếu không tính đúng, tính đủ sẽ gây sập đổ cầu cống, nhà cửa, lật cần cẩu.
Phát hiện này đang gây tranh cãi trong giới khoa học, trong các nhà làm sách. Dưới đây là ý kiến của tác giả và các nhà khoa học trong buổi tọa đàm:
Ông Thường đang làm thực nghiệm tại buổi tọa đàm |
Ông Nguyễn Văn Thường- Hội Vật lý Việt Nam: Việt Nam đang đi trước thế giới hàng trăm năm về cơ học
Tôi muốn bắt đầu bằng việc, nếu GS Ngô Bảo Châu không chứng minh được bổ đề toán học Langlans thì có thể hàng trăm năm nữa thế giới mới chứng minh được bổ đề toán học này.
Phát hiện của tôi là với phép phân tích lực, từ trước đến nay chỉ phân tích lực theo hình bình hành, như thế chỉ giải được 2 nghiệm trên 1 mặt phẳng nhưng nếu chuyển sang phân tích lực theo hệ lực vuông góc nhiều tầng, nhiều lớp thì bất cứ bài toán nào cũng giải được 2,3,4...thậm chí “n” nghiệm trên một mặt phẳng.
Từ nghiên cứu của tôi buộc hàng nghìn bài toán phải giải lại với kết quả ngược nhau 1800.
Nếu chúng ta không công bố đề tài này thì thế giới còn có thể chìm đắm trong sự sai lầm chết người.
Trong khi các giáo trình của ta đang dạy rằng, lực kéo nén tiến đến vô cùng và không có uốn thì thực tế, theo nghiên cứu của tôi, lực uốn vẫn xảy ra.
Các vụ sập đổ nhà cửa, cầu cống, lật cần cẩu mà tôi quan sát đều do lực uốn gây ra. Rất nhiều công trình khi xảy ra tai nạn người ta không rõ nguyên nhân vì đã tính toán rất chuẩn theo lý thuyết nhưng dựa vào lý thuyết của tôi thì lý giải được ngay: đó là do lực uốn chúng ta đã bỏ qua, không tính đến.
Ngược lại, những công trình còn đứng vững là do ta áp dụng hệ số an toàn cao (bằng 2,5- có nghĩa đáng xây một cây cầu thì đã thành xây 2 cầu nên không sụp đổ nhưng lại tốn kém). Nếu áp dụng lý thuyết của tôi thì cầu cống vừa an toàn, vừa tiết kiệm tới 20% nguyên vật liệu.
Tôi rất mừng là mới đây sách THPT đã đưa những phát hiện này vào giảng dạy nhưng ở bậc đại học và cao học thì chưa. Tôi chỉ có mong muốn duy nhất là nghiên cứu này nếu đúng phải được công nhận, được áp dụng để giảm các tai nạn thương tâm.
GS. Vũ Quang- Chuyên viên Viện Khoa học giáo dục, Bộ GDĐT: Tôi ghi nhận nghiên cứu của ông Thường
Tôi gặp ông Nguyễn Văn Thường vào năm 1988 rất tình cờ.
Năm đó ông Thường có phát hiện ra những sai sót trong sách giáo khoa và đã lên gặp lãnh đạo của Bộ Giáo dục (lúc này Bộ Đại học và Bộ Giáo dục chưa hợp nhất).
Lãnh đạo Bộ có gửi công văn nhận định cho Viện Khoa học Giáo dục, rồi viện lại chuyển cho bộ môn Vật lý, chúng tôi xem thực nghiệm của ông Thường thì đồng ý ngay.
Đích thân tôi đã dẫn ông Thường đến nhà cụ Ngụy Như Kon Tum, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp. Cụ nói: ”Hay quá!” và đích thân cụ đạp xe đến chỗ GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam để giới thiệu.
Ngay lập tức ông Hiệu tổ chức luôn 2 cuộc hội thảo để đánh giá hiệu quả kinh tế của đề tài.
Về ý kiến của riêng tôi, thí nghiệm của ông Thường có tính chất thuyết phục, phù hợp điều chúng tôi suy nghĩ trước đó.
Đúng là liên kết cứng và động hoàn toàn khác nhau. Về các công thức tính của ông Thường nên để các nhà cơ học phát biểu thêm.
Ông Tô Giang- chuyên viên Viện Khoa học VN, Bộ GDĐT: Thế giới đã biết điều này
Sách giáo khoa vật lý của ta cách đây hơn 20 năm dựa trên sách giáo khoa của Liên Xô (cũ) là chủ yếu.
Về phần cơ học lớp 10 có một vài điểm sai, ví như phép phân tích lực là phép làm ngược lại của tổng hợp lực hay quan niệm liên kết chặt không khác gì liên kết bằng bản lề trong các kết cấu gồm các thanh cứng.
Ông Thường phát hiện ra những sai sót này đã đến tận nhà tôi làm thí nghiệm và tôi cũng công nhận đúng.
Khi làm sách giáo khoa lớp 10 năm 1990 và tài liệu giáo khoa thí điểm ban khoa học kỹ thuật năm 1994 tôi đã tham khảo thêm được một số sách của Pháp, Mỹ nên tôi đã loại bỏ ví dụ về liên kết chặt.
Theo tôi thì thế giới đã biết vấn đề này mặc dù họ không có phát hiện như ông Thường nhưng họ đã tránh các lỗi sai bằng phép chiếu lực lên hai trục dọc tọa độ.
Nói gì thì nói, tôi phục ông Thường ở chỗ, ông đã làm thực nghiệm để tìm ra cái sai trong quan niệm cũ về liên kết và phân tích lực, điều đó rất đáng ghi nhận.
PGS.TS Phạm Bích San – Giám đốc Văn phòng tư vấn phản biện các vấn đề xã hội- Liên hiệp hội: Nên viết thành công trình khoa học
Đây là vấn đề khoa học được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam rất quan tâm song chúng tôi chưa đủ chuyên môn thẩm định nên chưa khẳng định được.
Chúng tôi mong muốn nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Muốn vậy tác giả nên viết thành công trình khoa học, đăng trên tạp chí uy tín thế giới, có hội đồng thẩm định độc lập.
Nếu nghiên cứu của ông Thường được khẳng định tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại lợi ích cực kỳ lớn, đặc biệt là tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu trong xây dựng cũng như đảm bảo an toàn cho hàng loạt công trình.
Ông Thường đã đăng ký bản quyền tác giả với tác phẩm:”Những phát hiện mới về cơ học và vật lý có liên quan đến một số giáo trình cơ bản tại Hà Nội- Việt Nam 1965-2000” số 348/2005/QTG. Ông cho biết, nghiên cứu của mình có từ năm 1965 nên nếu Anh, Pháp, Mỹ...phát hiện trước năm 1965 thì công trình đó là của họ còn từ 1965 trở về sau thì phải của người VN.
- Thúy Nga