- Giáo dục nước ta không ngừng nhấn mạnh dạy đạo đức. Nói chúng ta lơ là dạy đạo đức chưa hẳn đúng.

Liên tiếp nhiều khẩu hiệu về dạy và học đạo đức được trưng lên liên tục, rộng khắp.

Chỉ có điều, đạo đức giới trẻ cứ suy giảm, đến nay đã lan tới các cháu còn ngồi trên ghế nhà trường.

"Tiên học lễ - hậu học văn"

Đây là sản phẩm của Nho Giáo, cứ tưởng nó sẽ chung số phận với Nho Giáo.

Nhưng không, nó bất ngờ chiếm vị trí tột đỉnh dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, gay từ thời điểm cách nay ba-bốn mươi năm - trở thành khẩu hiệu mang tính triết lý của toàn ngành giáo dục hiện đại.

Nhờ thể hiện dưới dạng câu đối, với hai vế cân xứng nhau về ý (Đức - Tài) và về luật bằng-trắc - lợi thế của khẩu hiệu này là đọc lên êm tai, dễ thuộc, dễ hiểu...

Tuy nhiên, đạo đức học sinh - mà nó có nhiệm vụ giám sát - xuống cấp, khiến địa vị của nó không những mất độc tôn mà còn lung lay dữ.

Cuộc thảo luận trên VietNamNet về có hay không tác dụng thật sự của "tiên học lễ", đã lôi kéo rất đông người.

Có ý kiến nói khẩu hiệu đã lỗi thời; thế kỷ XXI không ai dạy "lễ" theo nghĩa gốc của từ này; nhưng nội hàm mới của "lễ" lại chưa bao giờ được xác định. Thầy đã không hiểu dạy "lễ" là dạy cái gì, làm sao trò có thể học "lễ"? Do vậy, muốn học lễ cũng "bói không ra thầy"...

Tóm lại: khái niệm Lễ rất mù mờ. Và đây là đặc điểm chung của các khẩu hiệu giáo dục.

{keywords}
Trẻ em đang chơi trò "ô ăn quan" trong một ngày lễ dành cho gia đình. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Nét chữ - Nết người"

Đây là khẩu hiệu do chính Việt Nam sáng tạo. Cũng dưới dạng câu đối, cũng liên quan "tài" và "đức"; cũng được đề cao không kém ai.

Ví dụ, các cuộc thi chữ đẹp đã được đôn lên thành phong trào toàn quốc, có khi buộc toàn lớp, toàn trường phải hưởng ứng.

Nhưng cuộc thảo luận gần đây - vẫn trên VietNamNet, với số người tham gia kỷ lục - đã có ý kiến coi việc học sinh bị bắt buộc luyện chữ là việc làm lỗi thời, hoặc nghi ngờ sự liên quan giữa "nét chữ" với "nết người", coi đó là sự gán ghép đầy cảm tính. Và cũng không kém mù mờ.

"Hồng phải thắm - chuyên phải sâu"

Đó là nội dung các cuộc chỉnh huấn dành cho trí thức, sinh viên. cách nay đã trên 50 năm. Cũng dạng câu đối, cũng hai vế: đức, tài... Nay cũng "bói không ra" ai thèm nhắc lại.

Dạy chữ - Dạy người

Liệu đã là khẩu hiệu cuối cùng?

Các nhà giáo dục quyền uy đang đòi hỏi phải coi trọng "dạy người" ngang với "dạy chữ".

Vẫn là khẩu hiệu dạng câu đối, vẫn liên quan tài và đức.

Nhưng lần này, khái niệm "dạy người" bị mổ xẻ.

Nếu coi 20 triệu học sinh là... người, thì các thầy cô đang "dạy người" đấy thôi?

Và việc đầu tiên là dạy cho họ biết chữ (dạy chữ). Sao phải nêu thành khẩu hiệu triết lý?

Té ra, một cách chính xác phải nói "dạy làm người" để khỏi bị bắt bẻ.

Hỏi Google về "dạy người" chỉ được nửa triệu kết quả; nếu hỏi "dạy làm người" được tới 1,2 triệu kết quả.

Rút ra: 1) khẩu hiệu mới đang được dùng thay cho "dạy lễ" ; 2) "dạy làm người" được dùng phổ cập hơn, mặc dù nó phá vỡ dạng câu đối của khẩu hiệu. Đáng tiếc.

Dạy làm người, nghe hoành tráng và toàn diện hơn "dạy Lễ" nhưng vẫn không kém mù mờ - so với dạy Lễ.

Nghĩa là không thể xác định được nội hàm cụ thể của khái niệm. Có người bảo: Chỉ cần dạy thấu đáo chữ Lễ là đủ để "làm người". Có người lại đòi hỏi sản phấm của nền giáo dục mới phải là những con người độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng... Đối chọi nhau cứ như so cổ hủ với tiên tiến vậy!

Cắt nghĩa không khó. Chả là, xã hội loài người tồn tại triệu năm đã trải qua nhiều trình độ.

Và mỗi xã hội có tiêu chuẩn riêng về "làm người", thể hiện ở triết lý giáo dục. Buổi giao thời, có cả những triết lý đối nghịch nhau, cùng tồn tại.

Do vậy, nội dung cần dạy để "làm người" cũng thay đổi tùy trình độ xã hội. Chỉ cần xét vài-ba tiêu chuẩn "làm người" mà một nền giáo dục đang theo đuổi, ta suy ngay được triết lý nào đang chi phối nền giáo dục đó.

Thay triết lý, lập tức một nền giáo dục sẽ có những thay đổi lớn: từ mục tiêu, chương trình, sách vở, cho đến cách dạy, cách học, cách thi...  

Xin thôi "dạy làm người", thay bằng dạy ứng xử

Trong khoảng thời gian dài bằng cả kiếp người, biết bao khẩu hiệu được đề ra để chống suy thoái đạo đức, mà rành rành vẫn không chống nổi. Té ra, đó là những khẩu hiệu mọc ra từ cùng một triết lý. Giáo dục nước ta muốn đoạn tuyệt với Nho Giáo, nhưng Nho Giáo vẫn chưa chịu ký vào đơn ly hôn.

Liệu đã đến lúc hãy sớm thôi "dạy làm người", thay bằng dạy ứng xử?.

Không thể dạy đạo đức, nhân cách, hoặc gì gì... bằng lời, bằng thuyết lý (anh phải thế này, anh nên thế khác). Đạo đức, nhân cách (nếu có) vẫn là cái dấu kín trong đầu, chỉ duy nhất thể hiện bằng ứng xử.

Ứng xử là hành vi, khiến người xung quanh (thầy, bạn) quan sát được, đánh giá được, uốn nắn dược. Ứng xử có thể dạy rất sớm (bà mẹ dạy đứa trẻ sơ sinh bú đúng giờ). Không những ứng xử người với người, mà có cả ứng xử với bản thân, với môi trường, với hoàn cảnh... Ứng xử có thể phân loại để dạy theo chủ đề: làm quen, thuyết phục, an ủi, chia sẻ...

Cái đích cuối cùng của ứng xử là chung sống với mọi người: với ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, tập thể... kể cả với người bất đồng chính kiến, bất đồng tôn giáo; sao cho được mọi người hoan nghênh, tin, chấp nhận mình.

Ứng xử có cách dạy riêng (lý thuyết, thực hành): dùng tình huống và đóng vai.

Ví dụ, nếu gặp tình huống "thế này" thì bạn ứng xử "thế nào"... Hoặc: Cả tổ đóng vai cử tri, bạn hãy thuyết phục trong 5 phút để các cử tri bầu bạn làm tổ trưởng...

Ồ, xin lỗi. Đây không phải chỗ bàn sâu về dạy ứng xử.

  • GS Nguyễn Ngọc Lanh