- Ông là Nhà giáo nhân dân (NGND), GS Nguyễn Lân. Kỷ niệm 10 năm ngày mất - sáng 10/12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo "NGND, GS Nguyễn Lân cuộc đời và sự nghiệp".

Qua lăng kính của các thế hệ học trò nay là NGND.GS Nguyễn Đình Chú, Nhà văn Ma Văn Kháng, GS Phạm Tất Dong, GS Hồ Ngọc Đại, GS Đinh Xuân Lâm...như làm "sống lại" một nhân cách người thầy mẫu mực, một tấm gương dạy làm người đang rất thời sự trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

{keywords}
NGND Nguyễn Lân chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Gia đình cung cấp)

NGND Nguyễn Lân sinh năm 1906, mất năm 2003. Vẻ đẹp của ông được NGND.GS Nguyễn Đình Chú đúc kết là vẻ đẹp của nhân cách lớn, luôn sống với đất nước, với nhân dân, với lẽ phải - ghét sự xa hoa, ưa thanh bạch nhưng giàu nghị lực.

"Ông là nhà giáo có công đào tạo cho đất nước nhiều nhân tài, nhiều cán bộ ưu tú. Không ít nhà cách mạng, tướng lĩnh cao cấp, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, giáo sư, nhà khoa học có tên tuổi của nước ta nửa sau thế kỷ XX, sống trong nước và nước ngoài từng là học sinh của ông" - lời GS Nguyễn Đình Chú.

Không những thế, GS Nguyễn Lân còn là người đặt nền móng đầu tiên cho nền khoa học Giáo dục Việt Nam chính thức ra đời năm 1954 với các công trình: Lịch sử giáo dục học thế giới (NXB Giáo dục 1958), Giáo trình Giáo dục học (NXB Giáo dục 1961, viết chung), Giảng dạy trên lớp (NXB Giáo dục 1961), Công tác chủ nhiệm lớp (NXB Giáo dục 1962)...

Theo lời kể của GS Nguyễn Đình Chú, vào tuổi đại lão GS Nguyễn Lân vẫn dành thời gian, tâm trí vào việc biên soạn từ điển. GS đã cho ra mắt độc giả nhiều cuốn từ điển trong đó có Từ điển chính tả phổ thông, Thuật ngữ tâm lý giáo dục, Từ điển Pháp - Việt, Từ điển thành ngữ, Tục ngữ Pháp - Việt...

Với cuộc đời gắn bó, miệt mài với sách vở, học thuật - GS Nguyễn Đình Chú ví von gọi "GS Nguyễn Lân là Nhà biên soạn từ điển vô địch".

Nhà văn Ma Văn Kháng (Hội Nhà văn Việt Nam) thì xúc động: "Tôi là một kẻ được hưởng cái vinh dự của cuộc đời - được hưởng cái sung sướng của một thời trẻ dại - được làm học trò của thầy Nguyễn Lân".

{keywords}
Ông bà Nguyễn Lân và các con cháu (Ảnh: Gia đình cung cấp)

{keywords}
Ông bà Nguyễn Lân và các con (Ảnh: Gia đình cung cấp)

"Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng ấn tượng về những bài thầy Nguyễn Lân dạy vẫn chưa hề phai mờ trong ký ức tôi. Quả thật, tôi chưa thấy ai có thể dạy hay như thầy. Đặc biệt là môn Tâm lý - Giáo dục học, một môn học mới lạ, còn chưa thoát khỏi nhưng khái niệm khô khan" - Nhà văn Ma Văn Kháng nhớ lại.

GS Phạm Tất Dong tiếp lời, năm 1962 học xong khoa Toán - tôi được chuyển sang khoa Tâm lý - Giáo dục của Trường ĐH Sư phạm. Tại đây, thầy Nguyễn Lân đã gây cho tôi một ấn tượng hết sức sâu đậm. Ngay từ giờ học đầu tiên môn Lịch sử Giáo dục học tôi chăm chú nghe thầy giảng bài. Thầy say sưa trình bày thổi vào tôi một nhiệt tình sư phạm kỳ lạ.

"Tôi nghĩ, đây là một nhà giáo đáng để ta cắp sách theo học suốt đời" - lời GS Dong. Ấn tượng về thầy là một nhân cách sư phạm hoàn hảo. Bởi thầy luôn mẫu mực trong cách ăn mặc, nói năng và trình bày tri thức trước đám học trò...

Đến giờ, Nhà văn Ma Văn Kháng luôn đau đáu với một câu hỏi cũng là một đề nghị: "Nước ta cho đến nay, có thể kể tên hàng loạt các tên tuổi đáng ghi nhận là danh nhân, là nguyên khí quốc gia, nhưng không thấy xuất bản sách về các cụ?". Theo nhà văn đây là đòi hỏi chính đáng của bạn đọc đừng nên để mất đi.

"Từ lâu rồi, thế giới đã có loạt sách về các danh nhân, những Galilê, Niutơn, Anhxtanh...Bây giờ cần một chủ trương, một tổ chức, một hành động - không thì phí hoài và thiệt thòi cho lớp hậu sinh" - đề xuất của Nhà văn Ma Văn Kháng.

Được là học trò và cũng là hàng xóm với GS Nguyễn Lân tại khu tập thể Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - GS Nguyễn Đình Chú mong muốn Việt Nam có nhiều gia đình trí thức như gia đình cố GS Nguyễn Lân với 8 người con tất cả đều là trí thức có tài năng, hoặc có nhiều gia đinh như gia đình cố GS Đặng Thai Mai...

Trước Cách mạng tháng Tám, GS Nguyễn Lân dạy học tại các trường Hồng Bàng và Thăng Long (1923-1935), các trường Quốc học Huế, Đồng Khánh, Bách Công (1935-1945).

Sau Cách mạng tháng Tám, ông lần lượt đảm nhiệm các công việc: Giám đốc học hành chính Trung Bộ (1945-1946), dạy tại trường Chu Văn An, Hà Nội (1946)...., dạy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và làm Chủ nhiệm khoa Tâm lý-Giáo dục học (1956-1971), về hưu năm 1971.

Tham gia hoạt động xã hội như Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng Xã hội Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam.

Đã xuất bản trước Cách mạng tháng Tám 4 tiểu thuyết và 2 sách nghiên cứu. Xuất bản sau Cách mạng tháng Tám 31 sách, trong đó có 10 cuốn Từ điển (gồm cả viết chung).

Đã nhận được phần thưởng, thư khen và bằng khen của Hồ Chủ tịch, được tặng thưởng 3 Huân chương Kháng chiến, 2 Huân chương lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Đại đoàn kết.

Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Giải thưởng Nhà nước về các công trình khoa học.

  • Kiều Oanh