"Đã từ lâu nay con trai lớn của ba cứ lầm lỳ, chẳng nói chẳng rằng, đi học về là con lủi thủi lên phòng ngồi một mình, đến giờ ăn, ba mẹ lại gọi con xuống, nhưng mặt mày con lúc nào cũng ỉu xìu mà có lẽ ba mẹ không hiểu vì sao. "

Đây là bài dự thi cuộc thi "
Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Nguyễn Lê Hoàng, Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai.

Trước đây, con là một cậu bé nhí nhảnh, yêu đời. Đi học thì thôi, còn ở nhà con luôn hát hò, cười nói vui vẻ, khám phá đủ thứ. Nhưng chỉ một lần có nhóm bạn của con đến nhà mình chơi, các bạn vui đùa, vì vui quá nên con đã cười ngặt nghẽo.

Đúng lúc đó mẹ Lan đi làm về, đang bực bội công việc ở cơ quan, mẹ đã mắng con gái sa sả: "Con nít gì cũng phải có ý có tứ chứ, cười lớn như thế thì là vô duyên đấy con ạ, là mất nết nữa. Bữa nay mẹ cấm con không được cười thành tiếng nghe chưa."


Chưa hả giận, mẹ Lan còn đuổi hết nhóm bạn của con ra khỏi nhà. Tụi nó sợ quá bấm tay nhau hứa sẽ không bao giờ đến nhà mình nữa. Từ ngày đó con luôn buồn chán, không thích chơi đùa với các bạn hơn tháng nay. Một bạn hỏi con vì sao? Con trả lời vì mẹ tớ cấm không được khóc lóc, la hét, cả nói, cả cười to.

Thậm chí, mẹ còn dọa nạt và dùng hình phạt quỳ gối quay mặt vào tường mỗi khi con rơi nước mắt do đau đớn hay tức giận điều gì đó. Con không khóc khi bị ấm ức, mà không phản ứng gì cả khi vui mừng.

Con thấy nhiều bạn trẻ như con bị ba mẹ la mắng, nào là “Con trai mà khóc nhè, thật đáng xấu hổ”, “Con gái mà cười to thế là vô duyên”…Cấm chúng con không được khóc, được cười là cách giáo dục không khoa học, làm tăng áp lực và gánh nặng tâm lý cho lứa tuổi mà mẹ hay bảo “không là trẻ con cũng chưa phải người lớn” như con. Vì thế, nếu chúng con bị ba mẹ thường xuyên cấm biểu đạt khi phấn khởi hay khó chịu như căng thẳng, tức giận, lâu ngày con sẽ dẫn đến trơ lỳ, cáu bẳn mà ba mẹ hay nói là con thật “không vâng lời". Thậm chí, dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách lúc chúng con trưởng thành.

Ba mẹ ơi! ba mẹ hãy giúp chúng con giải tỏa càng sớm càng tốt. Cho con được bày tỏ lòng mình, cho con được tự do, được sống một khoảng trời riêng dành cho thế giới của con. Con mong ba mẹ hãy thấu hiểu những cảm xúc tự nhiên của tuổi thơ đang muốn là chính mình. Khi con vui, hãy cho con được cười đùa thỏa chí. Ngược lại, khi con buồn phiền, bất mãn hãy cho con được khóc thoải mái hoặc được biểu hiện thành sự tức giận, không nên để con kìm nén trong lòng. Nếu con dám khóc, dám la hét, dám giận dữ, dám nói ra…là một ưu điểm mà sao ba mẹ không hiểu điều đó.

Con nghĩ sẽ có lợi cho đời sống tâm hồn hơn là con cứ im lặng rồi kìm nén cảm xúc của mình. Nếu không được giải tỏa, con sẽ phát triển lệch lạc, đời sống tinh thần của con ngày càng nghèo nàn, thậm chí có thể sinh ra sự quá khích, chống đối, phá phách…

Con mong những ba mẹ trên thế gian này nên bình tĩnh chấp nhận và động viên, khích lệ chia sẻ những niềm vui nỗi buồn của chúng con để các con bộc lộ những nhu cầu tình cảm tự nhiên của mình, tạo thành một thói quen tốt. Con muốn nói chúng con được khóc, chúng con được cười là một niềm hạnh phúc tuyệt vời của người lớn, vì thế sao ba mẹ lại cứ cấm chúng con hoài.

Chúng con muốn nói câu này: Hãy thường xuyên hiểu chúng con ba mẹ ơi, tuổi dậy thì với những tháng năm xáo động, khi chúng con có điều gì khó khăn, ba mẹ hãy quan tâm khuyến khích chúng con thổ lộ, hay cứ để phản ứng một cách chân thật nhất. Ba mẹ hãy dùng chính ngôn ngữ thương yêu nhất và đặt vào vị thế của chúng con trong từng tình huống cụ thể để giúp các con giải tỏa sự căng thẳng trong tâm hồn. Ba mẹ phải luôn ủng hộ trên cơ sở tin tưởng mà làm tiêu tan những băn khoăn, lo lắng của chúng con mỗi ngày.

Đừng tạo thêm áp lực ở con nữa ba mẹ nhé. Cho con làm những việc mà con thích. Cho con thể hiện ưu điểm về năng khiếu, sở thích của mình. Ba mẹ cũng đừng làm lộ những bí mật của khoảng trời riêng trong con, thế giới riêng của con. Khi con muốn khóc, muốn cười nói một mình thì hãy đồng ý để con cảm nhận được nhẹ lòng, bớt đi những ấm ức, lo âu. Tất cả điều đó, có nghĩa ba mẹ mới thực sự là thần tượng, là người bạn, người đồng hành cùng con đi suốt cuộc đời.

Cuộc thi Viết về Quyền trẻ em Việt Nam

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".
Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi
Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội
Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội
Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn
Hạn nộp bài dự thi: 15/5/2011
Giải thưởng: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011