Bị phản ứng, đòi tự tử
Đã gần 20 năm dạy tiếng Anh tại một trường THPT tại Đông Hưng, Thái Bình nhưng hiện cô giáo Nguyễn Thu Hà hàng tuần vẫn phải đều đặn đến lên trung tâm dạy tiếng Anh ở TP Thái Bình học thêm...tiếng Anh.
Cô Hà cũng như nhiều giáo viên thuộc thế hệ 6X bị hạn chế nhiều ở kỹ năng nghe nói. Nhiều khi lên lớp cô bị trò vặn lại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TPO) |
Thực tế ở nhiều địa phương, các thầy cô già từng học tiếng Nga khi về trường công tác được đi tập huấn thêm rồi chuyển giang sang tiếng Anh. Việc đề án ngoại ngữ tập trung rèn luyện kĩ năng nghe nói khiến giáo viên lúng túng, xoay xở không kịp.
Cô Lan (50 tuổi), giáo viên THPT tại một huyện khó khăn của Vĩnh Phúc cho biết: "Trước chúng tôi chủ yếu dạy chạy học chay nên tác phong và giáo án đã quen. Nay tuổi cao việc nâng kỹ năng nghe nói không đơn giản".
Một số giáo viên dạy tiếng Anh THCS ở vùng núi phía Bắc cho biết với việc đề án Ngoại ngữ quốc gia tăng cường luyện nghe nói, đặc biệt có phần dạy bằng băng đĩa tiếng Anh khác hoàn toàn chuyện dạy chạy học chay như trước.
Trước phản ứng của học trò khi cách phát âm của cô không chuẩn với giọng trong băng đĩa khiến giáo viên phải mua đĩa về nghe luyện hoặc phải rồng rắn về các trung tâm luyện tiếng Anh.
Mới đây, trong hội thảo liên quan đến đề án này, PGS.TS Phan Văn Hòa (hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) cho biết: “Những giáo viên lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn phải chịu sức ép lớn từ địa phương. Có sở dọa nếu giáo viên không đạt trình độ B1 sẽ đuổi, từ đó gây áp lực, tạo tâm lý nặng nề cho giáo viên, nhất là những giáo viên lớn tuổi công tác 20-30 năm.
Có người tìm đến tôi khóc lóc đòi tự tử nếu bị sa thải”
Theo ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đây là một đề án lớn, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều địa phương, bộ ngành và tác động đến 80.000 giáo viên, 20 triệu học sinh, sinh viên trong 10 năm.
Một lãnh đạo sở GD-ĐT phía Bắc cho biết muốn đáp ứng tốt đề án thì phải có giáo viên nhưng hiện nay biên chế khó được thêm. Nhiều trường phải thuê giáo viên của các trung tâm về dạy hoặc phải chấp nhận sử dụng giáo viên lớn tuổi dù biết khả năng của các cô nghe nói khó đáp ứng.
Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng việc bồi dưỡng giáo viên là biên chế của trường nên khi triệu tập sẽ ảnh hưởng đến công tác. Giáo viên lớn tuổi mà yêu cầu phải đi bồi dưỡng cả tuần, cả tháng thì không ổn.
Không những vậy, một giáo viên trẻ ở Vĩnh Phúc thẳng thắn cho biết: Với học sinh THPT hiện vẫn thi chủ yếu trên dạng bài viết, không kiểm tra kĩ năng nghe nói nên chỉ cần tập trung dạy cho các em thi đỗ ĐH..
Ở các bậc học phổ thông, nhiều ý kiến cho biết việc đề án triển khai còn gấp gáp, sách giáo khoa phục vụ công tác dạy và học còn chậm đến các trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban Đề án khẳng định quan trọng nhất trong đánh giá năng lực của GV là năng lực sư phạm và năng lực ngoại ngữ. Nên có khó khăn phải tích cực tháo gỡ, tìm ra giải pháp để hoàn thiện dần.
- Văn Chung