- Dự thảo phương án tuyển sinh riêng 2014 với nhiều điểm mới khi giao tự chủ cho các trường trong tuyển sinh. Đón nhận thông tin này, nhiều trường tỏ ra khá e dè và sợ rủi ro.
Dễ vào “ốc đảo”
Theo dự thảo này, từ 2014 các trường được tuyển sinh riêng nhưng kết quả thi chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển theo cùng đề án, không được sử dụng kết quả của kỳ thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức để xét tuyển.
Hiện nay có 17 trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng trình Bộ GD-ĐT đều là những trường ngoài công lập.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác thi tuyển sinh ĐH 2013 tại Trường ĐH Giao thông vận tải (Ảnh: Văn Chung) |
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Sở dĩ các trường công lập chưa mặn mà với tuyển sinh riêng vì họ không lo thiếu nguồn tuyển trong khi nếu tự chủ sẽ rất rủi ro về đề thi”.
Trưởng Phòng GD-ĐT Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng thẳng thắn: “Phương án Bộ GD-ĐT đưa ra là phù hợp với Luật GD ĐH hiện hành. Trước mắt trường vẫn sẽ tuyển sinh theo 3 chung. Việc thi tuyển theo hình thức hiện hành vẫn đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh của học viện”.
“Dự thảo mới nhằm giúp các trường ngoài công lập có khó khăn tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên cả thí sinh và nhà trường đều phải cân nhắc khi tuyển sinh riêng. Nếu không xác định và chuẩn bị kĩ cả thí sinh và nhà trường sẽ bị cô lập trong “ốc đảo” vì kết quả thi không dùng xét tuyển vào các trường khác” – ông Dũng phân tích.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Vũ Văn Hóa nhận định: “Những trường đề ra phương án tuyển sinh riêng là những trường ĐH, CĐ ngoài công lập yếu kém mới đòi thi riêng”. Dẫu vậy ông Hóa cho biết trường sẽ cố gắng thực hiện tuyển sinh riêng trong thời gian sớm nhất.
Bổ sung ý kiến của ông Dũng, ông Hóa cho rằng việc tổ chức thi riêng có thể gây tốn kém, rủi ro lớn cho cả trường và thí sinh.
PGS Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Mỏ Địa chất phân vân về các phương án kỹ thuật mà bộ đưa ra bởi không khác gì thi đại học hơn 10 năm trước quay trở lại học thêm, tiêu cực. Mặc dù, Bộ yêu cầu các trường cam kết không để xảy ra tiêu cực, nhưng tiêu cực chủ yếu xuất phát từ khâu ra đề, chỉ có dừng việc tự ra đề thì mới chặn được tiêu cực. Các trường xác định điểm sàn phụ thuộc vào độ khó của đ”.
Xoay xở phương án
Phó GĐ Học viện Công nghệ Bưu chính&Viễn thông Lê Hữu Lập cho biết: “Dự kiến từ 2014-2015 trường sẽ xây dựng phương án tuyển sinh riêng và công bố rộng rãi để thí sinh, phụ huynh quan tâm có sự chuẩn bị. Đến 2017 trường sẽ tiến hành thi tuyển sinh riêng theo dự thảo đã công bố”.
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2013 (Ảnh: Văn Chung) |
“Việc thi tuyển sinh riêng theo ông Lập “không khó khăn cho trường. Cái khó nhất là phải chuẩn bị tâm lí cho thí sinh, phụ huynh thôi. Trường sẽ cân nhắc các môn thi năng khiếu với kiến thức nhẹ nhàng, phù hợp với từng chuyên ngành. Thi tuyển sinh riêng sẽ bớt thí sinh ảo”.
Trưởng phòng Lê Trọng Thắng cho rằng: Nếu các trường xây dựng phương án lấy kết quả sơ tuyển phổ thông thi tốt nghiệp và tổ chức thi tại trường cho thí sinh sẽ khắc phục được thí sinh “ảo”, hạn chế may rủi.
Việc bộ cho các trường tổ chức thi riêng, theo ông Thắng các trường vẫn có thể sử dụng kết quả chung nhưng cần phải có sự minh bạch, công khai. Ví dụ: trường ĐH Mỏ Địa chất lấy mức điểm chuẩn từ 15 trở lên, ĐH Bách khoa Hà Nội lấy mức điểm chuẩn từ 20 trở lên. Trường ĐH Mỏ Địa chất có thể lấy kết quả thí sinh của ĐH Bách khoa như thế vừa đảm bảo chất lượng vừa tránh được tiêu cực.
Hiện mới chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển sinh theo phương án mới nhưng ở quy mô rất nhỏ. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, dự kiến đến năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai đại trà phương thức thi này. Còn năm 2014 này, để thí sinh yên tâm với hình thức thi mới này, các thí sinh thi thí điểm vẫn có thể tham gia thi “3 chung”.
- Văn Chung