- Một xã với hơn 16.000 dân lại không có nổi một trường mầm non., dù HS đi học tới 14 lớp. Chuyện tưởng như đùa nhưng có thật ở Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Gần 10 năm “học nhờ ở gửi”, biết bao bất cập không đáng có đã xảy ra.

 Khi trường là nhà văn hóa

  
Cô Bùi Thị Lợi, hiệu phó phụ trách chuyên môn
Cô Bùi Thị Lợi, hiệu phó phụ trách chuyên môn bày tỏ “bây giờ, chỉ còn mỗi nơi đây là không có trường mầm non, thiếu cơ sở vật chất nên các lớp buộc phải chia ra từng điểm lẻ nằm rải khắp xã”.

Tổng số lượng trẻ của trường là xấp xỉ 1.000, được chia ra 14 lớp, Ủy ban xã cho mượn một khu nhà thì gộp được chung 3 lớp còn lại 11 lớp phải phân tán học nhờ nhà văn hóa của các xóm.

Một số điểm lớp ở các nhà văn hóa như Khe Xài, Vạn Lộc… đều có một điểm chung là gần như không có thiết bị đồ chơi ngoài trời, nhà vệ sinh, phòng ăn…

Theo phản ảnh của các giáo viên đang dạy ở các điểm trường thì học nhờ như vậy khiến cho cả cô lẫn trò đều gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, việc đơn giản nhất như  trang trí lớp học đã là cả một vấn đề.

Góc học tập, góc tự nhiên, đồ dùng học tập bày biện ra, khi nhà văn hóa có việc phải họp, dù cho giáo viên thu gom, cất gọn, nhưng vẫn có một vài thứ không cánh mà bay.

Hầu như tất cả các lớp mầm non ở đây đều không tổ chức ăn uống cho trẻ nên bắt buộc các bậc phụ huynh phải ngày hai buổi đưa đi đón về rất vất vả.

Ảnh hưởng lớn nhất mà thiếu trường mang lại là chất lượng trẻ phát triển không đồng đều do không được học đúng bài bản.

Cô Lợi cho hay, do học nhờ nên tất cả các điểm lẻ của trường đều phải gộp trẻ vào chung một lớp. Nếu đúng theo nguyên tắc thì phải xếp riêng như lớp 5 tuổi, lớp 4 tuổi và lớp 2, 3 tuổi. Khi gộp lớp, dĩ nhiên nội dung chương trình dạy cũng phải “cắt gọt”. Dù đã cố gắng điều chỉnh, thầy và trò nơi đây vẫn không tránh khỏi sự phiền toái “náo nhiệt” của nhau.

Chờ trường đến bao giờ?



Để xác thực vấn đề trên, chúng tôi tới tìm gặp ông Ngô Sĩ Cường, phó chủ tịch xã Nghĩa Lộc.

Không phủ nhận những bất cập mà việc thiếu cơ sở vật chất  mang đến cho giáo dục mầm non xã, nhưng ông phó chủ tịch cho rằng, vấn đề không đến mức nghiêm trọng như vậy.

Lý do đưa ra là xã đã dành ra diện tích 4.200m2 để xây trường mầm non, mọi việc bây giờ chỉ còn trông chờ vào vốn mà chương trình kiên cố hóa của huyện “rót” xuống (?!)

Theo phản ánh của các giáo viên mầm non, năm nào chính quyền cũng “hứa hẹn” như vậy nhưng đến nay, vẫn …im hơi lặng tiếng.

Một thông tin không chính thức mà các giáo viên truyền tai nhau là huyện đã từng có kế hoạch cấp 3 tỷ đồng cho xã để phục vụ xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non nhưng không hiểu vì lý do gì mà xã không dám đối ứng mặc dù nguồn lực xã hội ở Nghĩa Lộc luôn sẵn sàng.
Tại hội nghị công chức tổ chức tháng 9/2010, hầu như tất cả các tham luận của giáo viên mầm non đều đề cập tới những tác động tiêu cực do việc thiếu trường mang lại.
Theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT đề ra, trường mầm non phải có các tiêu chuẩn như: phòng sinh hoạt thoáng mát, rộng rãi, hợp vệ sinh, có các trang, thiết bị và các loại đồ chơi an toàn, phù hợp với lứa tuổi mầm non; có sân chơi thoáng đãng để trẻ vận động và hoạt động ngoài trời; có nhà bếp; có y, bác sỹ theo dõi sức khoẻ của trẻ”
  • Hồng Thắm-Đinh Luyện