- Trao đổi với VietNamNet, Trưởng khoa Giáo dục mầm non (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) Lã Thị Bắc Lý nêu một số bất cập trong đào tạo giáo viên mầm non hiện nay.

Thứ nhất, về đội ngũ đào tạo: Do hệ thống các trường ĐH trong mấy năm qua, đặc biệt là các trường ĐH địa phương, trường dân lập, được thành lập một cách ồ ạt, nên vấn đề tuyển chọn giảng viên cũng không được tinh lọc. Việc thành lập khoa giáo dục mầm non và đào tạo giáo viên cũng mang tính “ăn xổi ở thì”.

Thậm chí, có trường, khoa giáo dục mầm non mới chỉ thành lập bộ khung Ban chủ nhiệm mà đã ồ ạt tuyển sinh chính quy, rồi mời giáo viên hợp đồng về dạy, hoặc lấy giáo viên từ các khoa khác sang dạy, mà bản thân những giáo viên này hầu như không có một chút kiến thức gì về giáo dục mầm non.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Bắc Lý: "Xã hội chúng ta bây giờ quan niệm đã khá hơn. Tôi hy vọng giáo dục mầm non từng bước sẽ được cải thiện"

Ảnh: Người đưa tin

Thứ hai, là về chương trình đào tạo giáo viên mầm non. Cần có một bộ chương trình thống nhất (phần cứng) giữa các trường ĐH.

Hiện nay, bậc ĐH đã chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, chương trình vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp và thống nhất. đặc biệt là vấn đề thực tập sư phạm của sinh viên có nhiều bất cập nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết hợp lý.

Đội ngũ giảng viên ở các khoa giáo dục mầm non rất ít, thường mỗi môn học chỉ có 1 giáo viên, thậm chí có giáo viên dạy đến 2 - 3 môn. Vì thế, không đáp ứng được yêu cầu của việc đào tạo theo tín chỉ (sinh viên không được lựa chọn thầy, lựa chọn môn học).

Cơ sở vật chất trong các trường đại học nói chung, ở các khoa sư phạm mầm non nói riêng hầu như đều rất thiếu.... Ngay ở ĐH Sư phạm Hà Nội, cỗ máy cái của nền giáo dục Việt Nam, khoa giáo dục mầm non cũng chưa được trang bị trường thực hành.

Còn phương pháp dạy học có bất cập gì không, thưa bà?

- Phương pháp dạy học là một vấn đề nhạy cảm. Ở Việt Nam, chủ yếu vẫn tồn tại phương pháp dạy học theo kiểu thuyết trình. Đối với bậc học đào tạo cử nhân, đặc biệt là cử nhân giáo viên mầm non thì việc hình thành ở sinh viên kỹ năng làm việc nhóm hết sức quan trọng.

Nếu chỉ dạy theo kiểu thuyết trình, sinh viên sẽ dễ bị thụ động. Hơn nữa, sau này khi ra trường, trực tiếp dạy ở trường mầm non, các cô sẽ thiếu kỹ năng làm việc với trẻ và hướng dẫn trẻ chơi trong nhóm bạn bè.

Ngoài ra, sự hợp tác giữa nhà trường với các cơ quan có liên quan và giữa các cơ sở đào tạo với nhau chưa được chặt chẽ. Và các cơ sở đào tạo hầu như rất ít có cơ hội để được đi ra nước ngoài học tập, giao lưu, tìm hiểu chương trình đào tạo.

Có phải, chính những bất cập trong vấn đề đào tạo đội ngũ như vậy, mới nảy sinh ra những giáo viên mầm non dù học cao nhưng vẫn hành xử lệch lạc?

- Tôi cho rằng, tất nhiên đào tạo có một phần trách nhiệm, nhưng không phải tất cả là lỗi của đào tạo.

Không phải cứ bằng ĐH ra là tất cả đều giống nhau. Những yếu tố ảnh hưởng tới hành động còn bao gồm yếu tố văn hoá chung và phông văn hoá riêng của mỗi người.

Mỗi người trong cuộc đời cần học hỏi, phấn đấu nhiều, chứ không phải chỉ học 4 năm là đủ.

Không phải chỉ cần trang bị những kiến thức nhất định ở nhà trường mà đã là xong, học ngoài đời mới là vô hạn.

Theo bà, thu nhập có vai trò như thế nào đối với tình yêu nghề nghiệp của giáo viên mầm non?

- Thu nhập có vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi nghề nghiệp, không chỉ với giáo viên mầm non.

Giáo dục Việt Nam trước đây không quan tâm mầm non, mà lẽ ra bậc học này phải là ưu tiên số 1, bởi vì bậc học này chính là bản lề không phải chỉ của giáo dục, mà là bản lề hình thành nhân cách của con người. Cũng như xây nhà, móng phải chắc chắn, nếu không tường lên sẽ chênh vênh.

Ở nước ngoài là như thế. Ngay cả những nước gần chúng ta như Trung Quốc, hay xa hơn như Pháp, Úc, giáo viên mầm non được đầu tư đào tạo rất tốt, lương cao.

Xã hội chúng ta bây giờ quan niệm đã khá hơn. Tôi hy vọng giáo dục mầm non từng bước sẽ được cải thiện, dù không nói trước được điều gì.

- Xin cảm ơn bà!

  • Chi Mai (thực hiện)