Những sĩ quan SS của phát xít Đức khi giết người Do Thái, những người lính Pol Pot
khi bổ cuốc vào đồng loại, những người lính Nhật trong thảm sát Nam Kinh, lính Bosnia
trong thanh trừng sắc tộc ở Nam Tư… tất cả đều cho rằng mình không sai, rằng mình làm
theo lệnh cấp trên, rằng mình làm việc phải làm.
Nhìn bức ảnh này, phụ huynh khó biết đã “giao con cho chằn”. Ảnh: kenh14.vn |
Tác gia Mỹ gốc Đức Hannah Arendt đã phân tích cho mọi người thấy con người sẽ man rợ thế nào khi cái ác trở thành việc thường nhật, trở thành cái phổ biến không đáng bận tâm. Một trong những điều thường trực trong đầu của những con người làm nên cái ác tận cùng này đều là tước bỏ tính người trong “đối tượng cần xử lý”; nói cách khác là họ từ bỏ tính thấu cảm (empathy) của mình để coi “đối tượng cần xử lý” không phải là đồng loại, để từ đó có những việc làm vượt ra khỏi các quy tắc đạo đức thông thường.
Với trường hợp hai cô bảo mẫu cơ sở mầm non Phương Anh (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) bạo hành các cháu bé vừa được phát hiện, tôi không cho là họ mất hết nhân tính dù rằng hành động của họ đáng lên án và phải bị pháp luật trừng trị. Đây có thể là một lựa chọn (rõ ràng là tồi tệ) để hoàn thành việc mình phải làm, và rõ ràng là có tính toán (các cháu bé không hề có thương tích bên ngoài).
Họ là kẻ thủ ác, sẽ bị pháp luật trừng phạt. Nhưng sự trừng phạt lớn nhất họ phải chịu cả cuộc đời chính là sự xa lánh của bạn bè, người thân thậm chí là bố mẹ, chồng con, sự nhục nhã của gia đình họ. Vì thế, thêm những lời chửi rủa, thêm những sự khủng bố tới họ cũng không làm họ đau khổ hơn. Cũng không nên tưởng rằng treo ngược họ lên để ném đá (theo cả nghĩa đen) hay đánh đập họ sẽ làm gia đình các cháu bé bị bạo hành hả hê hơn.
Thay vì treo cổ hai người này lên, hãy thử nghĩ nguyên nhân của vụ việc ở đâu?
Nếu hệ thống trường công đủ chỗ, đủ cô giáo mầm non được đào tạo đầy đủ thì có xảy ra việc như hôm nay không? Nếu chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên, hàng xóm quan tâm thì có xảy ra việc đó không?
Nếu điều kiện cơ bản của mọi cô bảo mẫu (kể cả không được đào tạo chính quy) là phải học qua lớp đào tạo chăm sóc trẻ được đưa vào quy định thì có xảy ra việc này không? Trường học, từ mầm non đến trung học đều thiếu không gian, thiết bị, giáo viên, sao không lo đầu tư?
Các doanh nghiệp, thay vì đổ dồn tài trợ bóng đá nam, ca nhạc, xây lăng mộ… sao không tài trợ xây trường, dựng lớp, tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho các thầy cô giáo…?
“Nhà nước phải nhận lấy trách nhiệm này”
Nhìn lại quá trình giáo dục mầm non từ ngày mới giải phóng đến nay, có thể thấy chính sách của nhà nước thay đổi liên tục, rất bấp bênh. Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông rất quan tâm đến giáo dục mầm non, ông từng nói: “Chưa có XHCN cho người lớn thì phải có XHCN cho trẻ con”. Thời ấy, rất nhiều ngôi biệt thự đẹp trong thành phố được dùng làm nhà trẻ. Nhưng không hiểu sao sau đổi mới, Nhà nước lại chủ trương chuyển hệ thống nhà trẻ ra khỏi hệ thống giáo dục công lập hết, rồi tiếp theo lại chủ trương bán công hoá các trường nhà trẻ, mẫu giáo… Các trường mầm non và nhà trẻ Sài Gòn không “mặn” lắm với chủ trương này, vẫn cố gắng giữ được càng nhiều trường công lập càng tốt. Sau một thời gian, Nhà nước lại chủ trương chỉ phổ cập mầm non cho trẻ từ năm tuổi
trở lên… Có cầu thì có cung, tính sơ bộ theo tôi, khoảng 80% trẻ thơ buộc phải vào nhà trẻ chui để cha mẹ có điều kiện đi làm. Cũng không thể quy lỗi cho UBND phường, xã, vì họ có muốn quản cũng quản không nổi. Nhà nước, chứ không ai khác, phải nhận lấy trách nhiệm này. Phải thay đổi hoàn toàn chính sách đầu tư cho hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo của đất nước, coi đó là một trọng trách lớn để hình thành thế hệ mới cho tương lai đất nước.
|
(Theo Sài Gòn tiếp thị)