- "Giáo dục liên quan tất cả mọi người. Một sự thay đổi không phù hợp sẽ liên quan đến cả một đời người, cộng lại sẽ ảnh hưởng tới nhiều năm tương lai của đất nước" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại hội nghị sáng 28/12.

Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và tổng kết năm học các trường ĐH, CĐ với sự tham dự của hơn 600 đại biểu và được truyền hình trực tiếp qua mạng.

Chất lượng đào tạo thực sự có vấn đề

Trong buổi trao đổi với lãnh đạo các trường, ông Đam cho biết trong những năm qua, vị thế của Việt Nam đã được nâng lên cả trong khu vực và trên thế giới, nhưng khoảng cách so với các nước ngay trong khu vực ASEAN vẫn chưa thu hẹp được.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu tại hội nghị (Ảnh Văn Chung)

“Chúng ta đã có đổi mới, đã có nhiều quyết sách quan trọng tạo động lực đi lên, nhưng đứng trước thách thức, đòi hỏi phải đổi mới sâu hơn, rộng hơn, lên một tầm mới. Nếu một quốc gia không tìm được lợi thế của mình, không chủ động thì nhất định thua”.

“Ngày xưa thua mất 10 năm thì bây giờ chỉ cần thua 1 năm sẽ bằng hậu quả của 10 như trước. Không có cách nào khác là đi lên, và đổi mới giáo dục đào tạo nhất định phải quyết liệt, nhưng bình tĩnh”.

Theo ông Đam, đổi mới trong giáo dục thì ĐH phải làm trước một bước, vì đối tượng từ giảng dạy tới sinh viên đều có nhận thức cao hơn so với phổ thông, sát với đầu ra của xã hội nhất, vì suy cho cùng mục đích của nền giáo dục là cung cấp nguồn nhân lực.

“Đây cũng là chuyện con gà - quả trứng, đi vào chất lượng nhưng số lượng cũng chưa đủ. Theo thống kê tỉ lệ lao động qua đào tạo chưa được 50%. Tỉ lệ lao động có trình độ ĐH, CĐ chưa đến 10%, chỉ bằng 1/3 của các nước trong khu vực. Tỉ lệ sinh viên/ 1 vạn dân của các nước cũng gấp rưỡi của chúng ta hiện nay...

“Trên hết, làm sao để sản phẩm giáo dục nói chung và giáo dục ĐH riêng phải tạo ra được đội ngũ lao động có đủ năng lực cả về kiến thức, chuyên môn lẫn kỹ năng sống - trước hết là một công dân tốt”.

Nhưng cũng theo số liệu thống kê, 30% sinh viên tốt nghiệp chưa xin được việc. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo thực sự có vấn đề” – ông Đam cảnh báo.

Câu chuyện dây điện và công dân toàn cầu

“Sau 2015 Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN, công dân của chúng ta phải là công dân toàn cầu, trước khi toàn cầu thì phải là khu vực, làm sao chúng ta sang nước ngoài để học tiếp chứ chưa cần làm việc”.

Đến với hội nghị, ông Vũ Đức Đam mang tới một cái túi nhỏ. Lần lượt lấy đồ vật ở trong túi ra, ông Đam “giới thiệu”: “Trước đây, khi đi công tác nước ngoài, chúng tôi thường phải mang theo bàn là đi để là quần áo. Do ổ cắm không phù hợp nên mang theo cả dây điện đi để nối, cắm trực tiếp. Vì việc này mà đã có lần gây chập điện, ảnh hưởng tới cả khách sạn. Sau này có phích cắm, ổ cắm đa năng phù hợp với nhiều loại ổ, anh em đi về thường mua làm quà cho nhau. Còn bây giờ, tôi sử dụng cái USB này, có thể cắm được ở mọi chỗ”.

"Chuyện này để nói người Việt Nam làm thế nào để đi ra nước ngoài có thể hội nhập được ở mọi nơi” – ông Đam dẫn giải.

Chậm không có nghĩa là chắc chắn, khẩn trương không có nghĩa là ẩu. Xách xô đi chậm đã khó, vừa xách xô vừa đuổi theo người khác càng khó hơn, nhưng cũng phải cố mà làm...

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT (Ảnh Văn Chung)

Không để người học thiệt thòi vì đổi mới

Theo ông Đam, các nghị quyết, quyết định, điều luật để phát triển và quản lý giáo dục đã có đầy đủ. Nhưng dường như đang có gì đó vẫn níu vào nhau, khiến giáo dục chưa vượt lên được.

Ông Đam cũng cho rằng, mặc dù Bộ GD-ĐT đã xác định đổi mới thi cử xác định thi là khâu đột phá, nhưng Bộ không chỉ làm ở khu vực đó mà phải làm đồng thời tất cả lĩnh vực, đồng bộ.

“Nếu muốn có một khâu đột phá thì trước hết cùng với đổi mới thi cử thì trước hết đột phá ở quản lý. Đổi mới ngay tại Bộ GD-ĐT đầu tiên. Nhưng Bộ không thể chịu trách nhiệm toàn bộ về thực trạng giáo dục vì liên quan tới nhiều yếu tố. Tuy nhiên, Bộ là đơn vị có trách nhiệm chính đối với nguồn nhân lực của đất nước. Bộ phải đúng nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước”.

“Đổi mới sẽ có một số trường bị đụng chạm, các trường phải sẵn sàng chấp nhận” – ông Đam cảnh báo.

Ông Đam cũng cho rằng trên thế giới khi nền giáo dục, kinh tế phát triển thì người học có quyền lựa chọn loại trường, loại hình giáo dục cho mình, lúc đó chuyện thi đầu vào không quan trọng.

“Rất nhiều thứ có thể làm được nếu cùng nhau bàn bạc một cách cởi mở, dân chủ. Tuy nhiên cũng vì thế mà sẽ không bao giờ có một giải pháp được 100% đồng tình. Vì vậy, nếu đã cho là đúng, có cơ sở, thuyết phục rồi Bộ hãy công khai tiêu chí, cơ sở, biện pháp thực hiện đảm bảo nghiêm túc” - Phó Thủ tướng gợi mở.

Vấn đề trước mắt là tuyển sinh. Đổi mới nhưng không để học sinh bị thiệt thòi vì đổi mới, để những người xứng đáng lựa chọn được cơ hội tốt để vào học...

“Hiện nay không có một nước nào như Việt Nam, trường ĐH nào cũng gọi là University, không cần biết nghĩa là gì, trong University lại có một University khác. Một trường CĐ địa phương nâng cấp lên ĐH cũng là University.

Ngay tên gọi như vậy chưa đâu vào đâu thì làm sao chúng ta hội nhập được, làm sao đòi học sinh tốt nghiệp một trường như vậy sang học tiếp một trường trên thế giới?

Phải nghiêm khắc tự nhìn lại, có những thứ tuy là rất bé nhưng chúng ta bỏ qua và trở thành nếp suy nghĩ để lại hậu quả rất lớn” - lời Phó Thủ tướng.

  • Chi Mai (ghi)