- Ngày cuối năm, 31/12, PGS Văn Như Cương - ông thầy nổi tiếng - lại xuất hiện với hai hoạt động gây chú ý: gửi lời xin lỗi trên Facebook và tham gia trả lời trực tuyến về giáo dục.

{keywords}
PGS Văn Như Cương (Ảnh VTC)

Trong buổi sáng, trên trang cá nhân của mình, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường PTTH Lương Thế Vinh (Hà Nội) đưa nhanh các dòng:

“Anh Phan,
Chúng ta chưa quen biết nhau, chưa gặp nhau bao giờ, tuy vậy tôi mạn phép gọi anh là Anh, vì chắc anh ít tuổi hơn tôi (tôi đã 77 cái xuân xanh). Tôi đọc trên Facebook một số ý kiến của anh về vấn đề từ thiện. Đó là những ý kiến rất chân thành và rất xây dựng. Đáng tiếc là vài ba học sinh của tôi đã trả lời anh một cách xấc xược, hỗn láo và cay cú. Tôi rất buồn vì điều đó, không ngờ tôi lại có học sinh như vậy, nhưng cũng may là chỉ một số rất ít so với gần 3 ngàn rưỡi học sinh khác. Dẫu sao tôi cũng gửi lời thành thật xin lỗi anh…. Nhân dịp đầu năm mới tôi chúc anh và gia đình hạnh phúc và nhiều niềm vui.”

PGS Văn Như Cương giải thích sự việc khiến thầy phải lên tiếng xin lỗi: “Học sinh của tôi xấc xược với Anh Phan trong việc anh ấy đã góp ý về hoạt động tổ chức từ thiện mà các em định làm".

Chuyện bắt nguồn từ một nhóm học sinh của trường Lương Thế Vinh có ý xin nhà trường tổ chức buổi diễn nhạc để làm từ thiện ngay tại trường.

Nhà trường không đồng ý việc tổ chức làm từ thiện theo kiểu này và có nói với nhóm học sinh đó rằng, làm từ thiện có nhiều cách, không thể tổ chức buổi diễn nhạc trong trường để thu tiền của các bạn học sinh khác làm từ thiện được. Chưa kể phát sinh những khoản tốn kém khác…

Trên Facebook của thầy Văn Như Cương, tác giả Anh Phan cũng đã comment góp ý cho việc tổ chức chương trình này, đại ý là các bạn đang là học sinh, tự bỏ tiền ra chắc chỉ có tiền của bố mẹ. Đòi tổ chức buổi diễn nhạc ở nơi xa xôi càng tốn kém. Làm từ thiện đâu chỉ có tổ chức diễn nhạc?

Trước ý kiến đó của Anh Phan, vài ba học sinh của trường Lương Thế Vinh nghĩ rằng mình không được ủng hộ nên có những lời lẽ không đúng mực…

Chỉ sau một thời gian ngắn, lời xin lỗi nhận được nhiều "yêu thích".

Tuy nhiên, cũng có nhiều bình luận khác nhau về hành động "xin lỗi" này.

"3 Gia Cát Lượng ngồi với nhau thành 1 thợ giầy"

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Tuổi Trẻ trong buổi giao lưu trực tuyến sáng nay về "văn hóa cộng đồng của người Việt", PGS Văn Như Cương nói:

Ta vẫn thường nói "Ba anh thợ giày thành một Gia Cát Lượng". Tuy nhiên với văn hóa người Việt, việc này ngược lại, ba anh Gia Cát Lượng ngồi với nhau có khi thành một anh thợ giầy. Bạn có thể tự hiểu về thực tế này.


  • Nguyễn Hiền