Những người thành công từ nghệ sỹ, nhà khoa học tới doanh nhân đều có những các xử sự và thói quen chung giống nhau.
1. Không ngừng làm việc
Khảo sát thói quen làm việc của hơn 150 tác gia, nghệ sĩ và nhà khoa học nổi tiếng chỉ ra điểm chung của họ là không ngừng làm việc, không bao giờ để lãng phí một phút nào. Sau khi khảo sát lịch làm việc của nhiều doanh nhân nổi tiếng, giáo sư đại học Harvard John Kotter cho biết, đa số họ đều làm việc từ 60 tới 65 tiếng một tuần, tương đương ít nhất 8-10 tiếng mỗi ngày. Giáo sư tâm lý học nổi tiếng Mihaly Csikszentmihalyi đã tiến hành nghiên cứu những thiên tài để làm tư liệu cho cuốn sách Creativity của mình và ông phát hiện ra nhiều điều thú vị về IQ. Không ai trong số những nhân vật thay đổi thế giới có IQ dưới 130. Nhưng sự khác biệt giữa những người có IQ từ 130 tới 170 là không đáng kể. Bạn có thể vượt qua mức IQ 130, điều đó cho thấy bạn đã làm việc chăm chỉ nhiều thế nào.
2. Nói “Không” với hầu hết mọi thứ
Tỷ phú Warren Buffett từng nói “Sự khác biệt giữa người thành công và người cực kỳ thành công là người cực kỳ thành công nói KHÔNG với hầu hết mọi thứ”. Và chính điều đó giúp họ có thời gian để làm điều họ muốn. Trong cuốn sách Creativity, Csikszentmihalyi liệt kê ra rất nhiều người thành đạt từ chối tham gia khảo sát cho cuốn sách của ông, bởi họ quá bận rộn với các dự án của mình. Thành công đòi hỏi nhiều công sức và sự tập trung cao độ. Điều đó có nghĩa là bạn cần nói “Không” với những thứ gây phân tán.
3. Hiểu rõ bản thân
Trong bài luận văn Managing Oneself, giáo sư Pete Drucker có viết: Hãy lờ đi những điểm yếu của bạn và liên tục hoàn thiện những điểm mạnh. Khi tìm kiếm cơ hội hoàn thiện, đừng phí thời gian trau dồi những kỹ năng mà bạn có ít khả năng làm được. Thay vào đó hãy tập trung vào việc bồi đắp ưu điểm. Điều đó có nghĩa là bạn biết mình là ai và khả năng của mình là gì.
Giáo sư đại học Harvard Gautam Mukunda, tác giả của cuốn sách “Indispensable: When Leaders Really Matter”, có viết điểm quan trọng nhất đối với những nhà lãnh đạo là “Hiểu rõ bản thân mình”.
4. Xây dựng nhiều mạng lưới quan hệ
Không ai có thể bước tới thành công khi chỉ có một mình. Và những người trở thành trung tâm các mạng lưới được nhiều lợi lộc nhất. Một ví dụ điển hình, nhà toán học Paul Erdos là trung tâm của toán học trên thế giới khi ông hợp tác cùng hàng trăm người khác theo đuổi các vấn đề như xác suất, hình học… Ông cùng những người cộng tác tìm tòi nghiên cứu và cùng phát triển, giúp họ trở nên giỏi hơn. Chính nhờ đó, ông có được thành công rực rỡ trong ngành khoa học này.
5. Tạo ra may mắn
Giáo sư tâm lý học Richard Wiseman thuộc đại học Hertfordshire (Anh) từng nhiên cứu nhiều người may mắn để viết cuốn sách Luck Factor. Ông cho biết, bằng cách cởi mở với những ý tưởng mới, kiên trì theo đuổi những ý tưởng đó và luôn lạc quan, những người may mắn tạo ra cơ hội. Wiseman đã thực hiện một bài khảo sát, theo đó 80% người tham gia cho biết nhờ những điều trên mà may mắn của họ cũng tăng lên.
6. Kiên trì, bền bỉ
Sự thông minh và sáng tạo là những điều tuyệt vời để thành công nhưng lòng kiên trì trước khó khăn cũng quan trọng không kém nếu bạn muốn làm được điều gì đó lớn lao. Kiên trì, nhẫn nại và đam mê cho những mục tiêu dài hạn là một trong những đức tính cần thiết để có được thành công. Khi thất bại, thay vì tốn thời gian vào việc than vãn, đổ lỗi hay từ bỏ, những người thành công coi đó là bài học kinh nghiệm, là những cơ hội.
7. Không ngừng thử nghiệm và thất bại
Đối với những người thành công, thất bại là yếu tố cần thiết. Họ gây ra nhiều lỗi lầm hơn để có thể học được nhiều hơn từ chúng. Đó chính là sự thử nghiệm. Giáo sư tâm lý Peter Sims từng giải thích trong cuốn sách của mình về quy tắc được nhiều người thành công sử dụng. Việc sẵn sàng để dành 5-10% thời gian của bạn để làm thử nghiệm, về lâu dài, sẽ giúp bạn trở nên sáng tạo hơn và có nhiều cơ hội hơn.
8. Tìm kiếm người thầy thông thái
Để thành công, bạn luôn cần có một người thầy hay cố vấn. 10.000 giờ đồng hồ đề học tập và rèn luyện có thể giúp bạn trở thành một chuyên gia, nhưng điều gì giúp bạn có đường hướng để dành ra 10.000 giờ đó lúc đầu? Giáo sư Adam Grant, trường Wharton, thuộc đại học Pennsylvania, cho biết câu trả lời chính là những người cố vấn tuyệt vời. Nghiên cứu của Grant chỉ ra rằng hầu hết những người thành công nổi tiếng thế giới đều từng có một người hướng dẫn từ khi bắt đầu sự nghiệp, giúp họ có cảm hứng và động lực trong việc mình làm.
(Theo Hoài Thu/ Business Insider)