- Sau khi Bộ GD-ĐT công bố hai phương án dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp, lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT cho rằng, Bộ cần sớm chốt phương án để không gây hoang mang cho học sinh.

Băn khoăn ngoại ngữ

Các lãnh đạo quản lý giáo dục ở địa phương cũng chưa có quan điểm đồng nhất về việc môn ngoại ngữ nên bắt buộc hay tự chọn.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Đức Bưởi, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh ủng hộ phương án thi 4 môn.

Theo ông Bưởi, kỳ thi tốt nghiệp diễn ra trong 2 ngày là vừa đủ. Môn ngoại ngữ không nhất thiết phải bắt buộc thi, em nào học khá môn này có thể tự chọn thi để cộng thêm điểm.

“Không nên lo rằng các môn khác không phải thi các em sẽ không học. Nếu không thi, cần tăng cường kiểm tra đánh giá trong năm học. Hơn nữa, điểm trung bình cả năm lớp 12 cũng là một căn cứ để tính điểm xét tốt nghiệp, nên các em sẽ phải học tất cả các môn”.

“Tôi không cho rằng thi ít môn hơn học sinh sẽ học lệch” – ông Hồ Văn Thống, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp nhận định.

“Thi 6 môn các em vẫn học lệch, em nào thi khối A cũng tập trung học đủ 3 môn toán lý hóa, còn các môn khác chỉ học để “qua”. Thế hệ học trò nào cũng thế. Lần này Bộ lấy điểm trung bình cả năm lớp 12 để tính điểm tốt nghiệp, học sinh sẽ không chủ quan, lơ là”.

Về việc thi môn ngoại ngữ, ông Thống cho rằng thi 4 môn là nhẹ nhàng, vừa đủ, không nên kéo theo đến 5 môn – thêm một môn nhưng có nghĩa là thêm cả một buổi thi. Môn ngoại ngữ nếu thi cũng chỉ kiểm tra được hai kỹ năng là đọc và viết.

"Vì vậy, tôi cho rằng nếu trường nào rèn được cho học sinh cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết đạt chuẩn châu Âu A1, A2 theo quy định của Bộ rồi thì có thể cộng điểm khuyến khích cho các em. Việc đánh giá các em đạt chuẩn hay chưa nên giao cho một trung tâm kiểm định ở khu vực đó. Như vậy, sẽ giảm được gánh nặng thi cử cũng như những băn khoăn của mọi người về vai trò của môn ngoại ngữ” - lời ông Thống.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Ngọ, giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, mặc dù nhận xét thi 4 môn là đủ, nhưng vẫn muốn học sinh thi 3 môn cố định là toán, văn, ngoại ngữ. Ông Ngọ giải thích ngoại ngữ là chìa khóa để học sinh tiếp cận tri thức, là kỹ năng để các em có thể tiếp tục phát triển.

Bộ cần sớm quyết định

Đó là đề nghị của nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT.

Ông Lê Văn Ngọ, cho rằng Bộ lấy ý kiến trong 3 tháng là hơi chậm.

“Chỉ cần lấy ý kiến trong hai tháng thôi, rồi quyết định. Chờ đến tháng 4 mới công bố môn thi tôi cho rằng hơi muộn”. Ông Ngọ cũng bày tỏ sự lo lắng khi thay đổi kế hoạch thi, trừ hai môn văn toán, thì các kế hoạch liên quan đến các bộ môn khác sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Hồ Văn Thống, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng mong muốn nếu định triển khai trong năm nay thì Bộ phải công bố luôn quyết định cuối cùng, để học sinh có thời gian chuẩn bị.

“Không nên để các em học sinh lớp 12 đến lúc này lại phải băn khoăn, lo lắng về việc mình sẽ thi môn nào. Nếu Bộ đã cảm thấy mọi việc “an toàn” rồi thì nên quyết định luôn, sau Tết âm lịch công bố luôn thi kiểu gì. Chứ để đến phút cuối mới đưa quyết định đột ngột nào đó thì không hay lắm” – ông Thống đề nghị.

Chi Mai