- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận không ít lần ví von công cuộc đổi mới toàn diện, cơ bản giáo dục lần này là “trận đánh lớn”. Và đổi mới thi cử là khâu đột phá.

Ông Luận lý giải, dù thi cử không là mục tiêu cuối cùng của đổi mới giáo dục nhưng là việc phải làm ngay để tác động trở lại việc dạy và học trong nhà trường.

Nhìn "cách đánh mở màn", người ta chưa rõ kế hoạch ra trận được xác lập kỹ lưỡng với lộ trình chi tiết.

{keywords}
Vẫn còn nhiều giáo viên soạn giáo án dưới ngọn đèn vì nơi ở chưa có điện. Ảnh: Lê Anh Dũng

Điều này thể hiện rõ ở dự thảo thi tốt nghiệp THPT vừa xuất hiện. Theo thông lệ hàng năm, đến cuối tháng 3 là Bộ công bố các môn thi tốt nghiệp. Nhưng học sinh lớp 12 năm nay vừa được một phen bất ngờ, và đến bây gìơ là băn khoăn không biết kỳ thi năm nay sẽ là 4, 5 hay 6 môn.

Trong tuần vừa qua còn một bất ngờ khác nhưng bị chìm lấp bởi dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp.

Đó là việc Bộ GD-ĐT bất ngờ quay phắt ra đồng ý cho các trường thi riêng được sử dụng kết quả thi “3 chung”.

Trước đó, trong cuộc họp báo công bố dự thảo về tuyển sinh riêng, trong các lần trả lời phỏng vấn lẫn toạ đàm trực tuyến, các lãnh đạo Bộ đều tỏ ra rất kiên định trong việc không cho các trường thi riêng được sử dụng kết quả “3 chung” để tuyển sinh…

Nhưng đột nhiên, đến ngày 2/1,bản dự thảo cuối cùng với thay đổi đáng chú ý nhất chính là việc cho các trường tuyển sinh riêng được tuyển thí sinh dự thi 3 chung. Thậm chí, Bộ còn giải phóng cho các trường muốn thi riêng khỏi việc phải nghĩ giải pháp chống tiêu cực khả thi.

“Do thời gian gấp” (theo công văn), nên Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường có ý kiến phản hồi chỉ trong vòng 2 ngày, đến trước ngày 4/1.

Nói thế để so sánh, kỳ thi đại học diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp, nhưng đã được chốt thời gian cho phương án cuối cùng. Hơn nữa, vấn đề tìm phương án thay thế cho 3 chung đã được đặt ra ròng rã trong nhiều năm qua, còn thay đổi thi tốt nghiệp hầu như chưa được đề cập tới.

Không chỉ học sinh, phụ huynh, lãnh đạo các cơ sở giáo dục… mà lãnh đạo giáo dục ở địa phương cũng thấy ngơ ngác trước những dự kiến này.

“Thần tốc, táo bạo, bất ngờ” đã được xem là một sáng tạo về nghệ thuật tác chiến của quân đội Việt Nam. Nếu đã "đánh" theo chiến thuật này, thì thiếu một trong ba yếu tố khó giành được thắng lợi.

Xét đến công tác đổi mới thi cử, chưa đề cập đến yếu tố “thần tốc”, "trận đánh" mới chỉ  “bất ngờ”.

“Táo bạo” thì gần như không có vì các phương án đổi mới thi Bộ đưa ra đều được nhận định là “như trước đây” – cho dù Bộ có cố giải thích là không giống, và có kìm nén nhất định - xét duyệt phương án thi riêng của các trường.

Một trận đánh muốn giành thắng lợi phải tạo bất ngờ cho đối phương. Nhưng đổi mới giáo dục có thật sự giống trận đánh nơi chiến trường?

Còn một loạt đầu việc nằm trong “trận đánh lớn” mà ngành giáo dục đã liệt kê ra như chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, tổ chức quản lý, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tài chính… Liệu Bộ GD-ĐT có quyết tâm "đánh trận" bằng những thay đổi bất ngờ?

  • Chi Mai