Dư luận nhìn chung đồng tình với chủ trương sẽ đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên nhiều giáo viên cho biết họ bối rối vì chưa biết các Sở GD&ĐT sẽ xử lý thế nào trước dự kiến của Bộ cho một bộ phận học sinh được miễn thi với tỷ lệ tối đa 20%.

{keywords}

Thí sinh dự thi THPT tại điểm thi THPT Yên Viên - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội: Mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực?

Tôi không hiểu tại sao có con số tối đa 20% được miễn thi? Nếu nói học sinh xuất sắc được miễn thi thì tỷ lệ đó là quá nhiều vì lấy đâu ra nhiều học sinh xuất sắc thế? Lớp tôi là lớp chọn mà học kỳ vừa rồi chỉ có 5 em đạt học sinh giỏi - đạt tỷ lệ 10% so với sĩ số của lớp.

"20% ấy có chia đều cào bằng cho các trường, hay trường thì 25% trường chỉ 15% thôi? Rồi tại mỗi trường chia cho các lớp thế nào? Cần phải thấy 20% của từng lớp sẽ rất khác 20% của từng trường, và càng khác với 20% của thành phố"

Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết, Hà Nội

Còn nếu nói diện miễn thi là các em học khá giỏi, có thi thì đằng nào cũng đỗ thì miễn 20% có hợp lý? Ngoài 10% học sinh giỏi, 90% còn lại đều đạt học lực khá, lẽ ra các em đều phải miễn thi hết chứ? Nhưng giờ định ra một tỷ lệ 20%, những em kém quá không nói làm gì nhưng những em cùng diện khá như nhau sẽ có quyền đòi hỏi bạn A được miễn thi em cũng phải được miễn thi. Và vì các em kha khá như nhau nên rất khó “kiện cáo” nếu nhà trường chọn em này mà không chọn em kia, đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực. Chưa cần cấy điểm, sửa điểm, chỉ cần giáo viên có thái độ dễ hơn một chút với em này, khó hơn một chút với em kia là các em đã thuộc hai diện miễn thi phải thi.

Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Nếu vẫn thi, rồi có một diện miễn thi khá lớn thế này sẽ nảy sinh rất nhiều tiêu cực mà ngay cả hiệu trưởng cũng không kiểm soát được. Đôi khi giáo viên nâng đỡ cho học sinh không hẳn vì do quyền lợi quá lớn mà chỉ vì một thái độ chăm sóc nhiệt tình của phụ huynh trong một thời gian dài. Suốt mấy năm lớp 10, lớp 11 cứ dịp 20/11, hoặc Tết phụ huynh đều có quà cáp chu đáo, đến khi con học lớp 12 phụ huynh nhờ cô nương tay chẳng lẽ cô làm ngơ? Rồi sẽ có hiện tượng giáo viên chủ nhiệm còn đi vận động giáo viên bộ môn nâng điểm cho học sinh nọ học sinh kia. Thậm chí sẽ có những giáo viên chủ nhiệm tìm cách tạo ekip, tạo “dây” để dễ bề thao túng điểm chác.

Thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, Hà Nội: Rất khó tìm giải pháp hài lòng tất cả

Nếu chính sách miễn thi được thực hiện, ngành GD&ĐT đối mặt với vấn đề kiểm soát thế nào để không nảy sinh những tiêu cực như đã từng có khi Bộ GD&ĐT áp dụng chủ trương tốt nghiệp THPT loại giỏi thì được vào thẳng ĐH!

Dự thảo phương án điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp của Bộ mới chỉ nói chung chung sẽ miễn thi cho những học sinh có kết quả học tập rèn luyện tốt, tỷ lệ tối đa 20%.

Kỹ thuật đưa ra danh sách miễn thi này thế nào thì không chỉ phải chờ quy định chính thức mà còn phải căn cứ vào một hướng dẫn nào đó cụ thể hơn của Sở GD&ĐT.

Chẳng hạn 20% ấy có chia đều cào bằng cho các trường, hay trường thì 25% trường chỉ 15% thôi? Rồi tại mỗi trường chia cho các lớp thế nào? Cần phải thấy 20% của từng lớp sẽ rất khác 20% của từng trường, và càng khác với 20% của thành phố.

Nếu diện càng rộng thì sẽ càng tránh chuyện lần mò xem điểm để xác định mình có nằm trong diện 20% không! Và cũng sẽ tránh được những bất công, bởi rõ ràng nếu trường nào cũng được 20% thì học sinh một trường có đầu vào cao như trường Chu Văn An sẽ bất lợi hơn rất nhiều so với học sinh của trường tôi - nơi có đầu vào thấp hơn. Nhưng định tỷ lệ khác nhau cho mỗi trường sẽ cực kỳ khó. Lúc đó cơ quan chức năng sẽ phải đối đầu với những thắc mắc tại sao trường tôi chỉ được miễn thi 18% còn trường kia 20%, trường kia nữa 22%?

Hiện tại tôi chưa nhìn thấy một kỹ thuật nào khả dĩ làm hài lòng tất cả mọi người trong câu chuyện miễn thi này. Nếu đặt ra một kỳ thi chung cho toàn thành phố rồi xếp danh sách 20% em điểm thi cao nhất là không thể, bởi mục đích của chính sách miễn thi là giảm áp lực thi cử, chẳng lẽ chúng ta lại phải thêm một kỳ thi khác? Nhưng vấn đề là đánh giá học sinh nếu chỉ thông qua một kỳ thi là không ổn mà cần căn cứ cả quá trình học tập. Căn cứ vào quá trình thì như tôi đã đặt vấn đề ở trên, làm sao ngăn chặn trào lưu “chạy điểm” để học sinh lọt vào nhóm 20%?

Cô Phạm Hà Thanh, GV trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội: Không nên miễn thi

Tôi không rõ khi lên danh sách 20% học sinh miễn thi, họ sẽ xét trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố hay của từng trường? Song cả hai trường hợp đều có chuyện không ổn.

Còn một hệ lụy khác có nguy cơ nảy sinh từ chính sách miễn thi 20% này, đó là tạo nên một phong trào chạy đua về điểm chác. Giáo viên thường có tâm lý tạo thuận lợi cho học sinh mình nên sẽ dễ dàng phóng tay cho điểm vì ai cũng sẽ nghĩ điểm càng cao càng tốt. Vì thế theo tôi là không nên miễn thi. Hoặc tất cả đều phải dự thi như từ trước đến nay. Hoặc nếu xét thấy bỏ được kỳ thi tốt nghiệp thì bỏ luôn và chỉ giữ lại một kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, việc công nhận tốt nghiệp THPT để cho các trường xét, cứ em nào học xong tất cả các môn học làm bài kiểm tra đạt yêu cầu là tốt nghiệp phổ thông.

Bà Hà Thị Điểm, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường THPT Thái Phiên, TP. Đà Nẵng: Miễn thi 20% là không cần thiết

Cá nhân tôi ủng hộ phương án thi 5 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và sẽ có 2 môn tự chọn. Việc không đưa môn ngoại ngữ vào thi tốt nghiệp sẽ không phù hợp với yêu cầu giáo dục hiện nay. Ngoại ngữ là hành trang cần thiết và không thể thiếu của mỗi học sinh, nhất là trong thời kỳ đất nước hội nhập như hiện nay. Nếu không đưa ngoại ngữ vào môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp sẽ dẫn đến tâm lý không chú trọng học ngoại ngữ trong học sinh. Học sinh có thể học giỏi trong lĩnh vực này hoặc lĩnh vực khác nhưng nếu không biết ngoại ngữ thì sẽ trở nên tụt hậu.

Tôi cho rằng tất cả học sinh học xong chương trình THPT đều phải tham gia dự thi tốt nghiệp THPT, trừ trường hợp bất khả kháng như ốm đau, tai nạn. Việc đưa ra con số 20% học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt được miễn thi là không cần thiết vì với cá nhân các học sinh này, việc thi tốt nghiệp hoàn toàn không khó khăn mà sẽ chỉ giúp các em củng cố thêm kiến thức.

Thêm vào đó, việc miễn thi tốt nghiệp như vậy sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực không mong muốn. Nếu con số 20% này được giao cho mỗi địa phương, sẽ dẫn đến hiện tượng các trường “giành nhau” chỉ tiêu này. Trong khi đó, chất lượng học sinh mỗi trường không đồng đều, vì vậy sẽ dẫn đến sự phân biệt trong các trường. Ngoài ra chính các phụ huynh cũng sẽ chạy đua để kiếm cho con mình “suất” trong số 20% được miễn thi tốt nghiệp. Điều này sẽ không tránh khỏi những tiêu cực trong trường lớp.

(Theo Tiền Phong/ Chính Phủ)