- Suốt 25 năm từ 1981 đến 2006, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc nhiều lần tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. GS Hạc chia sẻ khi sắp ra mắt cuốn sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo".
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
(…) “Có lần ông nói: “Nếu không có chiến tranh, chắc tôi vẫn làm nghề giáo”. Câu nói đó đã làm một số người như tôi đi đến suy nghĩ: Võ Nguyên Giáp là vị tướng kiệt xuất có một không hai trong thế kỉ XX với một tâm hồn nhà giáo” – GS Hạc chia sẻ.
GS Hạc xúc động trước tấm gương: “Nhà giáo làm Tướng quân (1941 – 1976), rồi một vị Tướng làm giáo dục (1977 – 1986), Võ Nguyên Giáp đã sống cuộc đời vì một lí tưởng vô cùng cao đẹp: bỏ qua cảnh sống tầm thường cám dỗ, sẵn sàng chịu đựng gian nan, đem trí tuệ và tâm hồn lao vào cuộc đấu tranh dũng cảm, sẵn sàng hi sinh, dẹp bỏ các tính toán cá nhân thiển cận, hẹp hòi, tất cả vì sự nghiệp chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, xây dựng và phát triển đất nước, nhân dân được học hành, sống ấm no, hạnh phúc. Đấy là tiêu chuẩn số 1 trong nhân cách lớn của người chân chính: Võ Nguyên Giáp đã sống suốt đời vì dân, vì nước.
Những đức tính ấy, theo GS Hạc vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa để con cháu chúng ta ngày nay và mai sau, các nhà giáo và sinh viên sư phạm đã và đang noi theo, đồng thời có trách nhiệm truyền thụ cho các thế hệ học sinh, sinh viên.
Đúc rút từ những bài viết và nói về khoa học lẫn giáo dục, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thấm thía: “Nhiều chỗ Người đã nói tới vấn đề con người – “Chiến lược con người” theo tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh: quý trọng con người, động viên và phát huy vai trò của con người, trọng dụng con người, nhất là những người tài.
Muốn vậy, chúng ta phải phát triển giáo dục, từ xoá mù chữ đến bổ túc văn hoá (giáo dục thường xuyên – học suốt đời), để có con người, các thế hệ và cả một dân tộc “thông thái” (Bác Hồ nói năm 1946), tức là dạy và học không phải là nhồi nhét chứa đầy kiến thức, mà dạy và học để có tri thức và quan trọng hơn, vận dụng tri thức thành năng lực thực tiễn (“trí lực”) phục vụ cuộc sống của chính mỗi người và cộng đồng.
Đại tướng nhiều lần nói lên tư tưởng kết hợp giáo dục với khoa học và sản xuất, như là một tư tưởng chiến lược phát triển khoa học – giáo dục nước nhà. Cần vận dụng tư tưởng này vào giáo dục, trước hết ở các trường đại học, cao đẳng và cả ở phổ thông. Một trong những nguyên nhân làm giảm sút chất lượng giáo dục, không đáp ứng yêu cầu của xã hội, đạo đức xã hội, thị trường lao động, chính là không tích cực triển khai tư tưởng chiến lược này.
Đại tướng cũng chỉ ra, trong thời đại ngày nay, trường phổ thông không chỉ có nhiệm vụ truyền thụ đơn thuần tri thức phổ thông (Đại tướng rất chú ý giáo dục đạo đức), mà còn phải mang các tính chất, như hướng nghiệp, dạy kĩ thuật tổng hợp, lao động và cả dạy nghề (làm quen với nghề nghiệp).
Tư tưởng chiến lược này đã được triển khai, nhiều quận huyện đã thành lập Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề, nhưng nói chung chưa lay động được tâm lí nặng về khoa cử trong xã hội, hơn thế, nhiều khi còn chạy theo tâm lí đó, làm chậm, thậm chí kéo lùi tiến độ phát triển nền giáo dục”.
Trước những yếu kém, bất cập, tiêu cực trong giáo dục, GS Hạc cũng xúc động khi Đại tướng đã phát biểu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với đội ngũ chúng ta, đề xuất phải đổi mới căn bản, mạnh mẽ nền giáo dục, theo kịp với thời đại cách mạng thông tin, kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế.
Muốn đổi mới giáo dục thành công phải chăm lo phát triển khoa học giáo dục. Đại tướng lo cả tới chương trình và sách giáo khoa, mong sao sớm chỉnh sửa tình trạng “quá tải”, nhất là thừa nhiều tri thức hàn lâm chưa cần thiết đối với học vấn phổ thông, thiếu nhiều năng lực thực hành. Đặc biệt, Đại tướng rất quan tâm đến đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, khen ngợi những tấm gương tốt, thông cảm với những khó khăn và mong đợi cải thiện đời sống của thầy cô giáo.
- Văn Chung (ghi)