- Cô Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng biết tin “bài văn lạ gây xôn xao đất Cảng” từ ngày 27/3, sau khi đi công tác về. Ngay khi biết tin tác giả bài viết đang nghỉ học, cô Hồng Thúy đã họp giáo viên chủ nhiệm để làm cho học sinh trong trường hiểu, ủng hộ và giúp bạn vượt qua cú sốc "bỗng dưng nổi tiếng".


Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng

 “Lần đầu đọc bài văn, tôi thực sự choáng” - cô Thúy nói về bài viết của HS trường mình, trong kỳ thi thử do Trường THPT Năng khiếu Trần Phú tổ chức, xôn xao Hải Phòng hai tuần qua.

Khi bình tâm lại, xem xét tường tận, cô suy luận đây chỉ có thể là chuyện hư cấu.

Về nội dung bài văn, sau khi hỏi kĩ nữ sinh, cô Thúy cho biết:

“Chuyện người bố mất vì tai nạn, em hiện đang ở với mẹ, dưới còn một em gái như trong bài văn là đúng như gia cảnh của người viết”.

Vị hiệu trưởng cũng nhiều lần nhắc lại chuyện cô nữ sinh học tốt môn văn, thích viết truyện.

Tuy nhiên, so với chuyện ngoài đời của nữ sinh, bài văn hư cấu khá nhiều.

“Thứ nhất, người mẹ không xinh như bài viết. Rồi chuyện gia đình đằng nội ghẻ lạnh, ghét bỏ là không đúng, bởi trong thực tế, gia đình bên nội đã giúp đỡ mẹ con em rất nhiều.

Đặc biệt, chi tiết có quan hệ với thầy giáo rồi có bầu hoàn toàn hư cấu”.

Về tình tiết nhạy cảm này, cô Cao Tố Nga, Hiệu phó nhà trường, giáo viên dạy văn của em cho biết thêm: “Chẳng phải đây là lần đầu, một số truyện mình biết, em cũng viết kiểu “táo bạo” như vậy”.

 Một chi tiết khác được lãnh đạo nhà trường khẳng định “hư cấu” đó là từ trước tới nay, em không hề chuyển trường, chuyển lớp.

 Áp lực

 “Em không lường trước hậu quả thì mới viết, thích truyện, tập viết truyện nên mới viết như vậy” – cô Hồng Thúy cho hay.

 Không giấu được lo lắng, cô nói: “Hôm thứ hai, sau khi có báo thông tin, em đặc biệt sốc, đòi tự tử. Cùng ngày, gia đình mới biết chuyện và đọc được bài văn. Điều này càng khiến cho em hoang mang”.

 Khi được hỏi vì sao có nhiều chuyện để viết, sao cô nữ sinh lại chọn chuyện hư cấu như vậy đưa vào bài, vị hiệu trưởng lắc đầu: “Cái này, tôi không dám hỏi vì e là em thêm sốc vào lúc này”.

 Trước đó, theo như cô Cao Tố Nga, Hiệu phó nhà trường: “Vì hoảng loạn, em đã viết thư tuyệt mệnh để lại, gửi kèm theo chiếc bút viết bài văn đó với lời nhắn “Bây giờ em gửi lại các cô. Em chào các cô”.

 Sau đó, người mẹ và các bạn cùng lớp đi tìm được và kịp thời ngăn em không làm điều dại dột.

 Mê viết truyện, hay phát biểu

 Là người theo sát sự việc, gần gũi gia đình và nữ sinh, cô Cao Tố Nga, hiệu phó nhà trường đã có những chia sẻ chân tình về chuyện gia đình em và những khó khăn, éo le phải trải qua.

 Giọng trầm ấm, cô Nga tâm sự: “Mẹ em hiện là giáo viên mầm non. Một mình chị với đồng lương còm cõi nuôi hai con ăn học nên vất vả lắm. Hết dạy các con ở trường, sáng đi tối về, chị lại phải tất bật lo dạy dỗ các con ở nhà.

Trước đó, chị không biết nội dung bài văn viết gì. Mãi tới tối 5/4 mới biết. Phía họ hàng, người thân hai bên cũng đến nhà.

Hiện em phải đối mặt không chỉ với dư luận xung quanh mà còn cả áp lực từ họ hàng.

Suốt mấy ngày qua, hết gặp mặt, người mẹ lại nhắn tin, gọi điện cho cô Nga, tha thiết mong cô và nhà trường giúp con gái mình vững tâm  học tiếp để chuẩn bị cho kì thi ĐH sắp tới gần, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

“Mình không rõ chi tiết chuyện bố em mất như thế nào, nhưng thiếu vắng người cha bên cạnh thì em có thiệt thòi về tình cảm. Mới hôm qua thôi, em đã nói với mình rằng “Quá lắm sẽ đâm đầu vào ô tô là được chứ gì” – Cô Tố Nga không giấu được sự xúc động.

“Những ngày gần đây, em hay tới gặp, thậm chí còn ở lại với mình. Hôm đầu, khi chỉ mới có lao xao tin về bài văn, em gặp và nói “mình chỉ viết truyện thôi mà, có gì đâu, làm sao mà lại thành như thế”. Sau khi thấy mọi người quá quan tâm và suy diễn những chuyện khác, em đâm hoảng loạn.

Nhà ở xa, nhưng em vẫn đạp xe tới nhà cô Nga. Có hôm 23h đêm, em nhắn tin xin cô cho vào nhà để nghỉ.

“Cả nhà mình vội vàng xuống, mở cửa ra. Bên ngoài mưa, em ướt hết, lại đói chưa ăn gì. Mẹ không nghĩ em chạy tới nhà cô giáo. Tìm con không được, chị lại gọi cho mình” – cô Nga nói.

Có hôm, vừa đi về từ nhà cô giáo, em lại nhắn tin: “Cô ơi, cô đừng trách em nhé. Em vừa uống 15 viên thuốc ngủ”. Thế là lại cuống cuồng lên, may mà ngăn được.

Từng chủ nhiệm em lớp 10, dạy văn suốt ba năm vừa qua nên cô Tố Nga nói mình thực sự lo lắng cho em.

Con mê văn quá, mẹ bê máy tính

 Chuyện em mê  môn văn, thích viết truyện thì cả bạn bè, thầy cô đều biết:

 “Hồi cấp II, em viết nhiều truyện rồi hay cho bạn bè đọc nên nhiều khi bị các bạn sợ vì dễ có thể là nhân vật nào đó trong truyện em viết.

 Vì vậy mình cũng có để ý, quan tâm em hơn. Em mê viết truyện tới nỗi người mẹ phải bê cả máy tính đi, không cho viết nữa. Ngày xưa, em thi chuyên văn, Trường THPT Năng khiếu Trần Phú. Đã đỗ rồi nhưng mẹ không cho theo nên theo học trường Ngô Quyền.

Năm lớp 10, em có trong đội tuyển thi môn Lịch sử của trường và đạt giải nhì”.

Cô Tố Nga chia sẻ ấn tượng của mình về người học trò:

“Trong khi nhiều em lên cấp III lười phát biểu dần đi thì với em, nếu biết gì là giơ tay phát biểu ngay. Ban đầu, các bạn cho là chơi trội nhưng khi đã quen rồi thì thấy chuyện đó rất bình thường”.

Tính cách của em đôi khi thất thường, rất thẳng thẳn khi phát biểu, có thể tranh luận sôi nổi về lĩnh vực nào đó nhưng cũng có lúc rất trầm, tỏ ra mệt mỏi.

Về chuyện bài văn lạ của em trong buổi thi thử, cô Tố Nga bộc bạch:

“Như em nói, khi biết bị xếp nhầm, em đã xin chuyển nhưng cô giáo vụ không đồng ý nên mới ngồi lại. Có thời gian rảnh, tâm hồn nghệ sĩ bay bổng nên em mới viết chuyện này.

Cô Hồng Thúy cho biết thêm: “Ở kỳ thi thử bên Trường THPT Năng khiếu Trần Phú, em nhờ bạn đăng ký đề tên là C. Về sau, mọi người tò mò mới phát hiện ra tên tuổi, trường em đang theo học là trường tôi.

Hiện em đang theo học lớp chất lượng cao khối A, học lực giỏi.

Ngay khi biết tin sự việc, cô Hồng Thúy đã họp giáo viên chủ nhiệm với mục đích làm cho học sinh trong trường hiểu, ủng hộ và giúp đỡ bạn vượt qua cú sốc này.

Tiếp đó, cô giao trách nhiệm cho cô chủ nhiệm và một người trong ban giám hiệu thường xuyên nắm bắt tình hình và nhờ người bạn thân động viên, giúp em bình tĩnh.

Cô Phạm Thị Mai Hương, Hiệu phó nhà trường thông báo, em đã nghỉ học từ thứ Bảy tuần trước. Thứ Hai vừa rồi có qua trường một lát rồi về. Người mẹ cũng vừa qua trường xin phép cho con được ở nhà vài hôm.

 “Sắp đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Chúng tôi tha thiết và mong nhận được sự ủng hộ, động viên, giúp đỡ của mọi người để cháu có thể sớm tới trường học và thi thật tốt” – Cô Hồng Thúy bày tỏ.

  •  Văn Chung