- Lãnh đạo các trường đại học công lập cho rằng, kiến nghị "5 bỏ" của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thiếu thực tế song có điểm cần xem xét.

Bỏ điểm sàn, bỏ tuyển sinh theo khối, bỏ cấm các trường không được sử dụng điểm thi của các trường khác (tự chủ tuyển sinh), không bắt nộp đề án tự chủ, sang năm tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chỉ có thi tốt nghiệp THPT là những kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

{keywords}
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập tại hội nghị chiều 9/1 (Ảnh: Văn Chung).

Thiếu thực tế

Hiệu trưởng một trường ĐH đào tạo giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục tại Hà Nội (xin không nêu tên) cho rằng “5 bỏ” chỉ là đề xuất mang tính mong muốn của các trường ngoài công lập. Tuy nhiên tôi thấy những điểm nêu ra không thực tế với tình hình hiện nay.

Theo vị này: “Với điều kiện hiện nay chưa thể bỏ thi 3 chung, bỏ điểm sàn càng không thể. Ý kiến bàn gộp thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ làm một đã bàn nhiều nhưng để làm được ngay rất khó.

Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực Bùi Đức Hiền cho rằng: “Chưa thể bỏ điểm sàn. Dù thấp nhưng ít nhất phải có mức tối thiểu để chọn người vào học. Nếu muốn các trường tổ chức thi riêng. Quan điểm của nhà trường chúng tôi sẵn sàng không nhận kết quả các trường thi riêng”.

Theo ông Hiền nếu gộp 2 kỳ thi làm 1 thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp vì “chưa kiểm soát được. Kỳ thi ĐH vẫn đảm bảo được tính khách quan, trung thực hơn”.

PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó GĐ Học viện Công nghệ Bưu chính&Viễn thông bổ sung:  “Bỏ tuyển sinh theo khối tại thời điểm trước khi bỏ thi ba chung là không nên vì đây là yêu cầu khối kiến thức cơ bản học sinh cần có để học ở bậc đại học. Ví dụ: sinh viên ngành Điện tử viễn thông phải có kiến thức tốt về Toán, Vật lí, tiếng Anh; ngành y phải có Toán, Hóa, Sinh”.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác thi tuyển sinh ĐH tại Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2013 (Ảnh: Văn Chung)

“Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia hiện chưa chín muồi vì 2 kỳ thi tính chất khác nhau. Một kỳ thi đánh giá việc phổ cập kiến thức, một kỳ thi là tìm người khá giỏi, do chưa có sự phân hóa nhiều học sinh ở các cấp học. Tới đây việc đổi mới chương trình giáo dục ở cấp phổ thông sẽ giúp định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Việc chọn học ngành nào của học sinh đã xác định sớm” – ý kiến ông Lập

Lập luận không cần nộp đề án tự chủ tuyển sinh theo Phó GĐ Lập: “Có đề án phải báo cáo bộ để quản lý chung. Vai trò quản lý nhà nước của bộ là cần thiết. Tuy nhiên, thủ tục hành chính cần đẩy nhanh để các trường không phải chờ đợi, và sớm công bố cho thí sinh”.

Vấn đề nâng uy tín, chất lượng

Về đề xuất lấy điểm của các trường tuyển sinh riêng, ông Lập cho biết vừa qua, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức có kết quả thi từ điểm sàn trở lên.

Xem xét kiến nghị, PGS Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng: “Nếu bộ đưa ra khung pháp lý là những yêu cầu cơ bản các trường cần đạt được thì không cần báo cáo đề án tự chủ tuyển sinh. Bộ chỉ giữ vai trò giám sát, kiểm tra, nơi nào làm sai thì xử lí. Giao tự chủ nhưng cái gì cũng xin là tự chủ không hoàn toàn”.

Ông Thắng cũng cho rằng có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét (hoặc kết hợp thi) vào các trường ĐH-CĐ.

Việc bộ cho các trường tổ chức thi riêng, theo ông Thắng các trường vẫn có thể sử dụng kết quả chung nhưng cần phải có sự minh bạch, công khai. Ví dụ: Trường ĐH Mỏ Địa chất lấy mức điểm chuẩn từ 15 trở lên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lấy mức điểm chuẩn từ 20 trở lên. Trường ĐH Mỏ Địa chất có thể lấy kết quả thí sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội như thế vừa đảm bảo chất lượng vừa tránh được tiêu cực.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường công lập tuyển sinh được hay không do uy tín, chất lượng đào tạo của trường. Đổi mới thi cử như thế nào song cốt lõi vẫn phải lo xây dựng thương hiệu để xã hội thừa nhận.

  • Văn Chung