- Học kỳ I vừa kết thúc, không ít phụ huynh thêm một lần nữa cảm thấy lo lắng trước cách dạy dỗ mà con mình đang được thụ hưởng.

Không đi học thêm = điểm kém

Chị Nga (Tây Hồ, Hà Nội) có con trai học tại một trường khá tiếng tăm của thành phố. Thi học kỳ lần này con trai được 7 điểm toán. “Con trai về nói điểm thi toán lý nhí, vì nó mặc cảm, quen được 9, 10 điểm rồi. Mình đoán được nguyên nhân nên chả trách móc gì con, an ủi một lúc nó mới quên đi”.

Nguyên nhân mà chị Nga đoán được vô cùng đơn giản: Con chị không đi học thêm.

{keywords}

“Đầu năm sợ cô giáo, cũng cho con đi học, dù thấy cô hơi quá quắt. Cả tuần có hai ngày nghỉ thì lịch học của cô là chiều thứ 7 và sáng chủ nhật. Cô lại thu học phí tận… 3 tháng/ lần, chắc sợ học sinh bỏ học. Nhưng đến một buổi học chiều thứ 7, cô nghỉ đột xuất không thông báo lại. Phụ huynh cứ mang con đến thả ở chỗ dạy của cô rồi về, một tiếng rưỡi sau quay lại đón mới biết các con bơ vơ suốt thời gian đó.

Mình với các phụ huynh khác rất giận. Sáng chủ nhật hôm sau vẫn đưa con đến học, nhưng cô không buồn xin lỗi lấy một lời. Sau vụ này mình quyết định cho con nghỉ học. Thế là điểm thi học kỳ của con thấp luôn, dù trước đó con vẫn điểm giỏi, và vợ chồng mình vẫn thay nhau kiểm tra của con vì mong muốn con có kiến thức thực chất thì thấy cháu học rất tốt” – chị Nga chia sẻ câu chuyện.

Không vui vì con điểm cao

Nhận kết quả thi môn toán của con gái, chị Hoa có con học lớp 4 cũng không vui vẻ gì vì câu chuyện của con kể: Hôm thi, cô giáo chủ nhiệm đọc đề có 2 câu khó, cô ghi đáp án luôn trên bảng, sau đó xóa đi (để cô khác vào trông). “Bạn nào nhanh thì ghi lại được, con cũng ghi được, nhưng con không thích cô làm như vậy”. Tôi không an tâm khi cô giáo lại dạy trò đối phó như thế. Cô không hướng dẫn, có lẽ các cháu chịu khó suy nghĩ vẫn giải được bài. Cô đã gợi ý sẵn như thế, vô hình chung đã dạy cho học sinh không chỉ sự láu cá, gian dối mà cả tính ỷ lại – những “đức tính” chắc chắn chả cha mẹ nào muốn con học được, cho dù nhờ nó, có thể con đạt điểm thi cao”.

Cậu con trai học lớp 2 của chị Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) về thông báo được 9 điểm văn thi học kỳ, nhưng chị H không vui chút nào.

“Cách dạy của cô đè bẹp sáng tạo, quan sát, máy móc hết sức có thể” – chị Ngọc cho biết.

Chị Ngọc kể có hôm cô ra đề văn tả con vật nuôi yêu thích, bắt các cháu tả con mèo giống hệt con mèo gợi ý trong bức ảnh ở trong sách. “Hai mẹ con hì hụi làm cả buổi tối, hôm sau con trai đi học về thông báo cô bảo: “Sai, không biết quan sát”. Mình cứ ngớ cả người, sau mới phát hiện ra đúng là không giống con mèo trong sách thật, vì sách in đen trắng, nên con mèo đó lông tất nhiên là đen trắng. Trong khi để dạy con, mình đã áp dụng phương pháp trực quan sinh động hẳn hoi, lôi hẳn con mèo nhà hàng xóm ra cho nó xem để làm bài, và con mèo đó lông vàng. Thằng con cứ “ăn vạ” mẹ, bảo là cô nói không có con mèo vàng”.

Còn một đề bài văn khác đơn giản, nhưng nó còn là chuyện tình người.

Đề văn yêu cầu tả những người trong gia đình em. “Tôi hướng dẫn con‎ tả: nhà em có 5 người, bố mẹ, hai chị em và bác giúp việc. Kết quả cô cho 6 điểm, và gạch toàn bộ phần viết về bác giúp việc. Cô phê trong bài bảo đấy là gia đình em. Con bảo trước mặt bác kia là “mẹ bày sai rồi, cô bảo bác giúp việc chỉ là người ngoài, không phải người trong gia đình, không tính”. Lời nói con trẻ nhưng người lớn suy nghĩ, bác giúp việc nghe xong buồn ra mặt, mình cũng ngại vô cùng.

Sau vài lần đã rút ra cách dạy của cô là làm văn mẫu, sau bắt học sinh học thuộc để thi. Thi học kỳ vừa rồi được điểm cao chẳng qua là đúng một trong ba đề cô cho sẵn trước đó luôn. Bài cô đã làm mẫu, lần này tôi cho con trai học thuộc, không “sáng tạo” gì hết, đi thi cứ thế mà chép ra. Điểm cao luôn, nhưng nghĩ mà buồn” – chị Ngọc than thở.

  • Chi Mai