- Tuần vừa qua các thành viên Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT “5 bỏ”: Bỏ điểm sàn, bỏ tuyển sinh theo khối, bỏ cấm các trường không được sử dụng điểm thi của các trường khác (tự chủ tuyển sinh), bỏ quy định bắt nộp đề án tự chủ, sang năm tổ chức 1 kỳ thi quốc gia.
Vì sao vẫn duy trì “3 chung”, vẫn có điểm sàn, không được sử dụng chung kết quả tuyển sinh riêng… lãnh đạo Bộ đã giải thích nhiều. Còn vì sao có quy định phương án tuyển sinh mới phải để Bộ phê duyệt, thì Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đó là “Vì chúng ta phải chuẩn bị thật chu đáo, chúng ta phải thay đổi phương thức tuyển sinh trong trật tự, có lộ trình và công bố công khai, rộng rãi. Chúng ta chỉ thay đổi phương thức tuyển sinh khi các cháu học sinh đã hiểu rõ, hiểu đúng phương án tuyển sinh mới và sẵn sàng tham gia. Vì sao phải làm như vậy? Vì tuyển sinh là vấn đề lớn, liên quan đến hàng triệu học sinh và hàng triệu gia đình”.
Như vậy là đã rất rõ sự quan tâm tối đa tới lợi ích của học sinh từ phía nhà quản lý.
Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, như độc giả Lê Viết Thắng gửi về Vietnamnet, thì các trường đại học ngoài công lập hiện nay như đang ở độ tuổi thiếu niên 18 tuổi. “Một cách nhìn rất biện chứng khi Bộ GD-ĐT băn khoăn quyết định cho những đứa con ngoài công lập của mình tự chủ hay tiếp tục chăm bẵm như trước đây. Vấn đề mấu chốt quan trọng nhất hiện nay là Bộ GD-ĐT có muốn các trường có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình và vươn ra biển lớn năm châu hay không? Một điều chắc chắn là giao đoạn phát triển nào cũng có rủi ro. Đối với quản lý nhà nước nên quản lý rủi ro này chứ không phải cấm hết mọi nhu cầu phát triển của cậu thanh niên 18 tuổi để không bị hư hỏng”.
Nhìn nhận sâu hơn nữa, cũng có thể thấy rằng học sinh, phụ huynh cũng đã qua “thời thơ ngây”. Bằng chứng là trong giai đoạn khó khăn, vẫn có những trường ngoài công lập “sống” khoẻ bằng chất lượng đào tạo đã được kiểm chứng qua nhiều năm.
Vậy có đáng để quá lo ngại, khi cho rằng một trường kém chất lượng chỉ thay đổi cách tuyển sinh dễ dàng hơn sẽ “lừa” được nhiều sinh viên?
Một chương trình truyền hình khá được yêu thích hiện nay là “Con đã lớn khôn”. Chương trình kể về câu chuyện của những đứa trẻ từ 3 - 5 tuổi, lần đầu tiên trong đời tự mình thực hiện thử thách - những công việc vặt do cha mẹ giao - mà không có sự hỗ trợ của người lớn, đánh dấu cột mốc "đã lớn khôn" của trẻ.
Đã có không ít ý kiến phản đối nội dung chương trình, bởi việc đưa những em bé mới ở độ tuổi mầm non ra khỏi vòng tay của bố mẹ, đối mặt với những mối nguy hiểm từ giao thông, từ người lạ là vô cùng lạ lẫm và khó chấp nhận với văn hóa của người Việt.
Tuy nhiên, ban tổ chức “Con đã lớn khôn” luôn nhấn mạnh mục đích chính của chương trình là ghi lại quá trình đứa trẻ tự mình vượt qua những khó khăn, nỗi sợ hãi, qua đó thể hiện sự lớn khôn của mình.
Có thể nói thành công của “Con đã lớn khôn” có một phần rất lớn phụ thuộc vào đội bảo vệ hiện trường, những người có thể gọi là “người lớn kỳ quặc”. Luôn có một đội từ 15 đến 20 người bí mật bám sát và bảo vệ các bé tham gia chương trình, nhưng họ đã hầu như luôn “làm ngơ” trước những lời nhờ vả của các bé. Những người thực hiện chương trình đang chống lại những thói quen thường thấy, buộc các bé rơi vào tình huống “cái khó ló cái khôn”.
Liệu có nên chăng việc bộ GD-ĐT cũng thử một lần làm “người lớn kỳ quặc” với “các con” của mình, nhất là, khi “con” đã qua tuổi vị thành niên?
Chi Mai