- Xung quanh công trình nghiên cứu của ông Nguyên Văn Thường đặt ra nghi vấn Vật lý Việt Nam có đi trước thế giới, VietNamNet đã tìm lại GS.TS Vũ Đình Lai là nhà khoa học từng phản biện lý thuyết cơ học mới của ông Nguyễn Văn Thường. Sau hơn 20 năm, kể từ khi biết đến công trình này, ý kiến của ông Lai về lý thuyết cơ học mới của ông Nguyễn Văn Thường không có gì thay đổi.
Nhưng, ông Thường lại cho rằng lý thuyết của ông chỉ được đánh giá bằng việc áp dụng các lý thuyết, chưa được các nhà khoa học đánh giá thực sự khoa học và chỉ coi như đó là những hiểu lầm, non nớt trong kiến thức. Ông nói: Chỉ khi họ phản biện tôi bằng thực nghiệm mới có thể nói được tôi đúng hay sai.
Ông Nguyễn Văn Thường theo đuổi nghiên cứu của mình
từ năm 1965
Đừng phản biện tôi bằng lý thuyết trong giáo trình
Từ khi bắt đầu đưa ra lý thuyết mới, ông Nguyễn Văn Thường nói: “Vấn đề của tôi người ta tưởng chừng có thể giải thích rất đơn giản, nhưng thực ra nó rất sâu sắc, không thể hiểu bằng cách xem xét sơ sài. Trên Youtube, vì thời gian có hạn, tôi không thể nói hết một cách rõ ràng được.”- ông khẳng định.
Ông Thường cho biết : Từng nội dung lý thuyết trong công trình của ông đều được minh chứng bằng thực nghiệm và nói có sách, mách có chứng bằng cách dẫn giải ra từng nội dung sai lầm trong các sách Vật lý.
Phản biện lại ý kiến GS Vũ Đình Lai cho rằng mình nhầm lẫn từ SGK, ông Thường cho hay, ông biết cách vẽ tắt của SGK., nhưng nội dung ông đưa ra không phải ở đó. Bằng thí nghiệm liên kết chặt và liên kết khớp, ông chứng minh rằng khớp và cứng trái ngược nhau 180 độ thì không thể thay thế cho nhau như ông Vũ Đình Lai đã nói.
Theo ông, lý thuyết cũ, bài toán liên kết khớp không thể giải được trong siêu tĩnh nên phải chuyển sang sơ đồ tính toán của khớp khi vật được hóa rắn thành vật cứng tuyệt đối.
Khi sử dụng nguyên lý độc lập mới, ông Thường khẳng định: “Bài toán của khớp sẽ tính theo khớp, bài toán của hàn chặt sẽ tính theo hàn chặt, chứ không thể tính giống nhau như trong hai cuốn Phương pháp phần tử hữu hạn- lý thuyết và lập trình và cuốn Cơ học kết cấu tập 1 được.
Ông Thường nhấn mạnh: “Tôi biết lực uốn là nội dung quan trọng của sức bền vật liệu. Các nhà khoa học phải xem thực nghiệm của tôi rồi hãy phản biện. Khi là một cái ngàm, sinh viên có thể tính toán dễ dàng. Nhưng khi nó là một cái dầm, có cả một dàn thì nếu quy thành khớp, momen bị khử hết, thì tính uốn như thế nào. Bài toán này cần được giải trong tĩnh học.”
Rất nhiều nội dung khác trong lý thuyết cơ học
mới được ông Thường dẫn chứng là trái ngược hoàn toàn so với lý thuyết mà các
giáo trình đã viết. Chẳng hạn, bài toán con nem trong sách Vật lý lớp 10 năm
2008 vẫn in, nhưng đến năm 2010, bài toán này đã bị bỏ đi, mặc dù đây là bài
toán ứng dụng rất nhiều trong đời sống.
Hay mới đây nhất, trong cuốn Cơ học 1 - bồi dưỡng học sinh giỏi THPT của ông Tô
Giang phép phân tích lực theo hình bình hành đã được thay thế bởi phép phân tích
theo hình chữ nhật mới do ông đưa ra.
"Cơ học không phải là môn nhỏ bé"
Gặp lại vấn đề bị bác bỏ từ hơn 20 năm trước, GS. TS Vũ Đình Lai - giảng viên bộ môn Sức bền vật liệu - ĐH Giao thông Vận tải tỏ ra rất bức xúc.
GS Vũ Đình Lai đã biết đến những bản viết tay công
trình của ông Nguyễn Văn thường từ năm 1990
“Tôi hứa sẽ chỉ ra cái sai của ông Thường. Nhưng ông Thường không chịu thừa nhận”- GS Lai thuật lại.
Năm 2002 và 2005, GS Vũ Đình Lai đều được Viện cơ học Việt Nam mời phản biện công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Văn Thường. Và cho đến ngày hôm nay, quan điểm của ông Vũ Đình Lai đối với công trình của ông Thường không có gì thay đổi.
Ông Vũ Đình Lai cho rằng, Lý thuyết cơ học mới
của ông Nguyễn Văn Thường có xuất phát điểm từ một số hình vẽ trong SGK Vật lý
lớp 10 (bộ cũ), trong một hình vẽ cái công xon nối trực tiếp với nhau và với
tường, ông cho đó là liên kết cứng. Nhưng sách Vật lý chỉ phân tích ra lực kéo
và nén mà không có lực uốn.
Tuy nhiên, theo ông Lai đó là sự hiểu lầm của ông Thường. Hình vẽ trong SGK có
sai sót vì đã không vẽ chính xác liên kết khớp. Vì vậy, để ông Thường thỏa mãn,
chỉ cần vẽ thêm mấy cái khuyên tròn vào đầu liên kết trong hình vẽ là xong.
Theo bản phản biện của ông Lai tại Viện cơ học năm 2005, ông Thường còn tiếp tục hiểu lầm khi thấy trong thực tế kết cấu thanh bằng thép, như thiết kế giàn cầu, các nút đều liên kết “rất cứng” bằng những bản thép với nhiều đinh tán hoặc bu lông, nhưng sách Cơ học kết cấu lại chỉ giải thiết là liên kết khớp và chỉ tính được hai nội lực kéo, nén.
Ông Lai giải thích, trong lý thuyết, nội lực uốn trong các thanh cầu thép rất bé so với nội lực kéo nén, còn trong thực nghiệm, các thanh cầu vẫn mềm so với tổng thể, đầu thanh ít nhiều vẫn quay được như có khớp, do đó người ta đã giả thiết các liên kết của giàn cầu là khớp để tính cho đơn giản, sau đó điều chỉnh lại bằng một hệ số 1,2.
GS Vũ Đình Lai cho biết, trong quá trình phản biện, những nội dung ông Thường đưa ra, ông đã trích dẫn rất nhiều tài liệu khoa học, hướng dẫn ông Thường tìm hiểu, chỉ ra từng cái sai nhưng ông Thường vẫn không chấp nhận “phục thiện”.
Đánh giá về những thí nghiệm của ông Nguyễn Văn Thường, ông Lai nói: “Tôi từng đến xem thí nghiệm của ông Thường và tôi đánh giá đó là thí nghiệm trẻ con, sai về cơ bản, những trò chơi cho vui. Ông Thường không hiểu gì về thí nghiệm. Các dụng cụ làm thí nghiệm để minh họa mang tính định tính sơ sài, nếu không nói là còn nhiều sai sót về nguyên tắc.”
Ông Lai nghi vấn: Từ trước đến nay, những người
ủng hộ ông Thường đều không phát biểu câu nào về chuyên môn. Cơ học không phải
là môn nhỏ bé. Người trong giới chưa chắc đã hiểu hết nhau vì đi vào các lĩnh
vực khác nhau. Ông Thường đi vào vấn đề đúng chuyên môn và bộ môn chúng tôi: cơ
học vật rắn biến dạng.
Tuy vậy, GS Vũ Đình Lai cũng từ chối xem các thí nghiệm của ông Thường trên
Youtube vì “ các thí nghiệm này cũng vậy thôi, không có gì khác những năm trước
đây.”
Trước thông tin nghiên cứu của ông Thường về phép
phân tích lực được đưa vào chương trình Vật lý cơ học bồi dưỡng học sinh giỏi
lớp 10, ông Lai không hiểu tại sao các nhà Vật lý lại đưa vào sách: “Tôi chưa
được xem nội dung trong cuốn sách này nhưng nếu sai sót thì cần phải cảnh báo
ngay.”
Đừng lãng phí thời gian vào việc này
Trả lời VietNamNet về công trình của ông Nguyễn Văn Thường, ông Chu Ngọc Sủng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam - nêu quan điểm: "Tôi chưa được đọc các tài liệu do ông Thường trình bày. Tôi chỉ nhìn hình vẽ và ảnh trình bày thí nghiệm để phân tích hệ thanh khi có lực tác dụng tôi thấy như sau:
Trong mô hình thí nghiệm liên kết ở đầu thanh không phải là khớp, (các khớp tức là đầu thanh được quay tự do). Có thể nói đầu các thanh bị nối cứng, cho nên trong thí nghiệm đo được các thanh sẽ có thêm thành phần mô men ngoài lực dọc trục là đương nhiên, điều này thế giới người ta đã công nhận từ lâu.
Xin nhớ cho rằng việc phân tích lực ở các thanh đồng quy người ta cho rằng chỉ có lực dọc trục trong thanh là với giả thiết rằng các thanh nối với nhau bằng chốt ở đầu thanh. Tôi cho rằng trong sách giáo khoa người ta đưa ra trường hợp đơn giản nhất để học sinh tiếp thu một phần , khi học đại học vấn đề này sẽ được cho học sâu hơn. Cho nên phát hiện này không có gì là mới.
Việc ông Thường suy diễn khi thiết kế cầu bị sai nguyên lý này cho nên dẫn đến việc thiết kế cầu dễ bị đổ hoặc lãng phí là võ đoán. Chúng tôi đã được dạy trong trường rằng khi các thanh nối cứng, thì ngoài lực dọc trục trong thanh còn có lực cắt, và thành phần mô men.
Trong thực tế thiết kế chúng tôi cũng đã từng xét đủ các thành phần lực chứ không phải như ông Thường tưởng tượng về ngành cầu. Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam người ta sử dụng rộng rãi phương pháp phần tử hữu hạn để giải tích hệ thanh cho kết quả lực càng sát với thực tế làm việc của hệ kết cấu. Trị số lực trong kết cấu đã được đo ở nhiều công trình cho kết quả xác nhận tính toán là phù hợp.
Đành rằng nhận thức của con người là vô hạn, nhận thức càng ngày càng tiến sát đến chân lý, riêng với trường hợp này tôi khuyên mọi người đừng mất thời gian. Đây là nội dung của cơ học vật rắn. Các nhận thức hiện nay về cơ học vật rắn là đủ để giải quyết các vấn đề thực tế.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Đông Anh - Viện trưởng viện Cơ học - bày tỏ ý kiến “Không muốn nói thêm bất kỳ điều gì về công trình này của ông Thường nữa vì chúng tôi đã nói quá nhiều, từ những năm 2002, năm 2005.”
- Nguyễn Hường