- Còn 3 ngày nữa Bộ GD-ĐT “khóa sổ” phương án thi tốt nghiệp THPT. Bàn về vấn đề này trong ngày 17/1, lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Nội cho biết 20.000 học sinh thủ đô có thể được miễn thi tốt nghiệp.

Tranh luận

Ngày 17/1, sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện sơ kết học kỳ I và thực hiện nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014 cấp THPT với nội dung quan trọng là lấy ý kiến về chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT đưa ra hồi đầu tháng 1.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 tại Hà Nội (Ảnh: Văn Chung).

Trước ngày “khóa sổ” phương án thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, vẫn còn những ý kiến khác nhau xung quanh thay đổi lớn này.

Trao đổi với PV, một hiệu trưởng trên địa bàn huyện Thạch Thất cho biết bản thân không đồng tình với cả 2 phương án thi tốt nghiệp vừa được đưa ra lấy ý kiến.

“Phương án 2 về cơ bản không khác nhiều với cách làm cũ trước đây. Phương án 1 với 2 môn tự chọn, 2 môn bắt buộc (trong 5 môn được đề xuất) và Ngoại ngữ thi lấy điểm khuyến khích cũng không ổn.

Thứ nhất môn ngoại ngữ rất quan trọng nên nếu không thi trò sẽ không học. Thứ hai nếu tự chọn, khâu kĩ thuật chuẩn bị cho 5 môn thi ở một hội đồng khá phức tạp, làm không chặt có thể dẫn tới lộ đề. Hơn nữa tự chọn như vậy thì số ngày thi cũng không giảm nếu học sinh thi thêm ngoại ngữ”.

Một số ý kiến cũng cho rằng cần phải đưa các tiêu chí cụ thể để việc miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh không xảy ra tiêu cực, không cào bằng giữa các trường.

Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Tùng Mậu Tô Minh Tiếp cũng cho rằng: “Nếu ngoại ngữ chỉ lấy điểm khuyến khích sẽ không khác nhiều môn thi nghề khác để học sinh học lấy điểm cộng thi tốt nghiệp. Do đó, cần đưa môn này vào các môn thi tự chọn để học sinh, nhà trường cố gắng hơn. Môn ngoại ngữ cũng nên thi tự luận, thi trắc nghiệm nhiều em chỉ tích bừa”.

Trước băn khoăn nhiều môn thi tự chọn dẫn tới khâu tổ chức khó khăn, ông Tiếp cho hay: “Trường chúng tôi nhiều năm qua vẫn tiến hành cho học sinh thi theo hình thức tự chọn và không thấy khó khăn gì. Bộ phân văn thư khi tiếp nhận đăng ký môn thi của học sinh dễ dàng sắp xếp phòng thi, đề thi”.

“Thay đổi lần này chỉ là tạm thời. Tiến tới đề thi cần làm tích hợp trong hai môn Văn, Toán nhưng vẫn kiểm tra kiến thức liên môn học của học sinh. Đề thi cũng không thể cào bằng giữa học sinh vùng sâu vùng xa với đồng bằng, đô thị như hiện nay được” – một hiệu trưởng đề xuất.

20.000 học sinh có thể được miễn thi

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng với thực tế hiện nay phương án 1 là phù hợp, tiến tới một kỳ thi nhẹ nhàng, không quá căng thẳng.

{keywords}
Các đại biểu cho ý kiến trước khi sở GD-ĐT Hà Nội tổng kết, gửi tổng hợp phương án thi tốt nghiệp THPT lên Bộ GD-ĐT (Ảnh: Văn Chung).

Về tỉ lệ miễn thi tốt nghiệp tối đa 20% ở mỗi địa phương, ông Hoan khẳng định: “Tỉ lệ 20% sẽ không cào bằng, là tỉ lệ của thành phố chứ không phải từng trường. Hà Nội sẽ thành lập hội đồng xét duyệt danh sách này. Như vậy, chắc chắn sẽ có những trường có rất đông HS nằm trong đối tượng được miễn thi nhưng có không ít trường sẽ không có HS nào cả.

Với gần 100.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT hàng năm, theo ông Hoan nếu chọn đủ 20% thì sẽ có khoảng 20.000 HS được miễn thi.

Nếu chỉ xét về số HS giỏi thì HS của Hà Nội có lẽ sẽ vượt con số này nên buộc phải kèm theo những tiêu chí ưu tiên khác với ưu tiên số 1 sẽ là HS có học lực giỏi 3 năm THPT cộng thêm giải cấp TP các môn văn hóa, cũng như các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, con em các gia đình chính sách...

  • Văn Chung (ghi)