- Kết quả khảo sát về khả năng thành thạo tiếng Anh của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới do tổ chức giáo dục EF công bố cho thấy: Người Việt đứng thứ 28 (và tăng so với chính mình cách đây 6 năm), Thái Lan lại xếp rất thấp, ở vị trí 55. Ông Minh Trần, Giám đốc dự án này đã trao đổi về các thông tin liên quan.

{keywords}

Ông Minh Trần tại buổi công bố kết quả khảo sát

Báo cáo chỉ số thông thạo tiếng Anh EPI của tổ chức EF là khảo sát đầu tiên để so sánh khả năng tiếng Anh của người dân nước mình với quốc gia láng giềng. Ông có thể cho biết kết quả năm 2013 có những điểm gì đáng lưu ý?

Năm 2013, chúng tôi kiểm tra trên mạng internet với 750.000 người đến từ 60 vùng, lãnh thổ.

Báo cáo phiên bản thứ 3 này cho thấy, châu Âu vẫn là khu vực thành thạo tiếng Anh cao nhất thế giới, ngoại trừ Pháp, chỉ số của họ tiếp tục giảm.

Ở khu vực châu Á, có tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia.

Mỹ La tinh là nơi có khả năng thành thạo tiếng Anh tương đối thấp.

Khu vực có khả năng tiếng Anh kém nhất trên toàn thế giới là Bắc Phi và Trung Đông.

Báo cáo lần này chia thành các nhóm: rất thông thạo, thông thạo, trung bình, thấp, rất thấp. Trong nhóm thông thạo (hầu hết là châu Âu), xuất hiện thêm hai nước châu Á là Malaysia và Singapore.

Nhóm trung bình có nhiều nước châu Á: Ấn Độ thứ 21, Hàn Quốc 24, Indonesia 25, Nhật Bản 26 và Việt Nam: 28, ở cuối bảng này.

Ở nhóm thông thạo thấp, Nga xếp thứ 31, Đài Loan 33, Trung Quốc 34. Tuy nhiên cao hơn cả Pháp (35). Có một quốc gia châu Á trong nhóm rất thấp là Thái Lan (thứ 55/60).

Ngoài thứ hạng thay đổi, báo cáo phiên bản lần này có điều gì đáng lưu ý, thưa ông?

Điểm mới của bảng đánh giá lần này là chỉ ra mối liên hệ giữa việc thông thạo tiếng Anh của lực lượng lao động và sự phát triển kinh tế của đất nước đó.

Chúng tôi so sánh và thấy khả năng sử dụng tiếng Anh càng tốt thì thu nhập của người lao động càng cao.

Hay so sánh: tỉ lệ thuận giữa chỉ số xuất khẩu bình quân/ đầu người với chỉ số thành thạo tiếng Anh cũng cho thấy, khả năng tiếng Anh ở đâu càng cao thì ở đó càng có nhiều nơi muốn hợp tác trong hoạt động thương mại.

Người Thái giỏi tiếng Anh trong du lịch hơn

Thưa ông, kết quả khảo sát lần trước khi được thông tin ở Việt Nam đã có nhiều tranh cãi. Ngay như lần này, sẽ thật khó tin khi mà Thái Lan lại thấp hơn cả cả Việt Nam rất xa?

Theo tôi thì nhận xét của dư luận về trình độ tiếng Anh của các nước đã có sự lỗi thời so với thực tế.

Tôi từng ở Thái Lan và nhận thấy nhiều người Thái dùng tiếng Anh trôi chảy nhưng chỉ ở trong lĩnh vực du lịch.

Còn tiếng Anh chung trong các lĩnh vực đời sống khác thì họ không tốt bằng Việt Nam. Tôi nghĩ các bạn đánh giá hơi thấp bản thân.

Vậy lý do khiến Việt Nam lên "nhóm trung bình" và tăng trưởng so với cách đây 6 năm là gì?

Việt Nam có một đặc thù là 60% dân số dưới 35 tuổi. Dân số trẻ như vậy là điều thuận lợi để tiếp thu kiến thức, ngôn ngữ mới.

Nhưng điều quan trọng là chính phủ đã sớm có chiến lược để tăng cường khả năng tiếng Anh cho lực lượng lao động kế cận. Đó là việc chi 9.000 tỷ đồng của Đề án ngoại ngữ 2020 của chính phủ để tăng cường khả năng tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên.

Nhưng để sử dụng hiệu quả hơn số tiền này, theo tôi, cần phải đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh khác đi.

Cách dạy tiếng Anh của người Việt cũng giống như người Nhật. Ở Nhật, 80% giáo viên dùng tiếng Nhật để dạy tiếng Anh.

Truyền thống giáo dục các nước châu Á là học để thi. Khi học ngoại ngữ đều cố gắng nhớ từ mới, học thuộc lòng cấu trúc ngữ pháp; trong khi điều quan trọng của học ngôn ngữ là làm sao để giao tiếp.

Có một câu hỏi tôi thường gặp khi đi rất nhiều nơi là "làm thế nào để tăng cường khả năng tiếng Anh?". Câu trả lời đơn giản là: "Hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để sử dụng tiếng Anh.

Hãy để học sinh khám phá tiếng Anh thực tế của mình. Các em cần phải được sử dụng tiếng Anh nhiều hơn, trong lớp học cho đến hoạt động ngoại khóa, đọc sách, xem TV, nghe nhạc, v.v...

Có mâu thuẫn không khi mà theo kết quả này, thì Việt Nam lại thành thạo khả năng dùng tiếng Anh của mình so với 6 năm trước đó. Trong khi mới đây, ngành giáo dục đang cân nhắc quyết định bỏ môn ngoại ngữ ra ngoài môn bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT, chứng tỏ sự chưa thành công trong đào tạo ngoại ngữ. Việc "không bắt buộc" như vậy có đáng lo ngại cho việc dạy tiếng Anh trong nhà trường phổ thông ở VN không?

Tôi giải thích một chút là báo cáo này không nêu các nguyên nhân tại sao lại tăng, giảm. Các bạn cũng có thể thấy kết quả PISA của Việt Nam vừa rồi cũng gây bất ngờ đấy chứ.

Còn yếu tố "bắt buộc hay không bắt buộc" thi ngoại ngữ trong các kỳ thi không phải là điều quan trọng nhất.

Điều quan trọng là nhận thức tự thân của mỗi học sinh. Họ thấy cần phải chủ động học ngoại ngữ để chuẩn bị cho tương lai chứ không phải vì một kỳ thi nào đó mới là điều tốt nhất.

Cảm ơn ông.

  • Hạ Anh (ghi)

Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT): Phản ánh đúng đối tượng tham gia

Tôi nghĩ, báo cáo đánh giá đúng năng lực trên 3 kỹ năng của đối tượng tham gia là những người biết vào Internet và có kĩ năng làm bài qua mạng.

Về phía Bộ GD&ĐT, việc không đưa Ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc không phải đi ngược lại chủ trương đó mà là để quyết tâm thực hiện cao hơn, muốn đi vào thực chất. Trong khi hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ trong nước đang có sự chênh lệch rất lớn giữa 63 tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Thế Đại, Hiệu trưởng Trường Hà Nội Academy: Không thể phủ kín được

Kết quả khảo sát của EF không thể phủ kín được biểu đồ giáo dục ở Việt Nam vì ngoại ngữ đang phát triển chủ yếu ở khu vực thành phố.

“Vùng trũng” ngoại ngữ chủ yếu tập trung ở nơi nghèo và khu vực nông thôn.

Trước đây, chúng ta có cách làm khá hợp lý, vùng nông thôn không có điều kiện học ngoại ngữ có thể dùng môn khác thi thay thế.

Ở Việt Nam, thi cử là động lực để học sinh học tập. Vì vậy, không nên bỏ ngoại ngữ trong các môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

(Theo Gia đình và Xã hội)

EF thực hiện báo cáo chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu từ năm 2007 và hàng năm đều có báo cáo. Nhóm nghiên cứu gồm những thành viên đến từ nhiều trường ĐH khác nhau như ĐH Cambridge (Anh), Boston (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc). Minh Trần là thành viên trẻ nhất, đến từ Trường ĐH Hồng Kông. Ông rời TP.HCM đi Mỹ khi 10 tuổi và từng học ở ĐH Yale (Mỹ).

EF là viết tắt của Education First, một tổ chức giáo dục tư nhân quốc tế, thành lập từ năm 1965, hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ, du lịch,v.v..