Hào là hiện đang học lớp cơ bản (foundation year), tức còn một năm nữa để vào đại học ở Anh Quốc. Cũng giống nhiều bạn trẻ khác, Hào mang nhiều kì vọng của gia đình khi sang đây.

“Mục tiêu của em là ở lại đây ít nhất vài năm sau khi học xong, nếu được thì cố gắng ở lại luôn, hàng nghìn sinh viên Việt Nam khác cũng có mong muốn như vậy", Hào nói.

Tất nhiên cái giá của “giấc mơ sương mù” không phải rẻ. Hàng tháng bố mẹ sẽ phải chu cấp cho Hào một khoản tiền vào khoảng 800-1000 bảng Anh (28-35 triệu đồng), chưa kể tiền học phí.

{keywords}

Sinh viên quốc tế đang thảo luận trong giờ lên thư viện. Ảnh: Hội đồng Anh

Như vậy tính đơn giản trong 6 năm học ở đây, số tiền bỏ ra từ tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại cũng phải ngót nghét 5 tỉ đồng (240 nghìn đô la), nếu tiền học phí tính ở mức 10 nghìn bảng/năm (mức trung bình đối với các trường ở London).

'Đắt đỏ'

Theo nghiên cứu của ngân hàng HSBC công bố vào năm 2013, Anh Quốc là một trong những quốc gia có chi phí du học đắt đỏ nhất thế giới, với tổng chi phí trung bình là trên 30 nghìn đô la một năm, tức vào khoảng 670 triệu VND/năm.

Con số này sẽ cao hơn rất nhiều nếu tính ở London, nơi tập trung đông sinh viên Việt Nam nhất. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm số lượng sinh viên sang Anh Quốc du học, dù cho kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Biên giới Anh Quốc (UK Border Agency), trong năm 2012, số sinh viên Việt Nam đi học ở Anh đã tăng tới 18%, mức tăng cao thứ nhì châu Á.

Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết hơn 90% sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài là tự túc. Với chi phí đắt đỏ như vậy, câu hỏi đau đầu được đặt ra là liệu các sinh viên có thu hồi được “vốn du học”?

Giống như Hào, phần lớn các du học sinh đều muốn được ở lại Anh Quốc làm việc, ít nhất là một vài năm để có kinh nghiệm. Mức lương ở nước Anh sẽ giúp cho việc “hoàn vốn” được nhanh chóng hơn. Điều này không phải là quá khó vào vài năm trước, khi nền kinh tế Anh Quốc vẫn đang thịnh vượng và chính sách nhập cư còn nới lỏng.

Tình hình thay đổi trong vài năm qua cùng với sự suy giảm của nền kinh tế. Hiện tại, một sinh viên tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chỉ được phép ở lại nước Anh tối đa 4 tháng để tìm việc, trong khi chính sách trước kia là hai năm.

Cơ hội kiếm việc làm ở Anh Quốc cũng không hề đơn giản. Ngân hàng HSBC ước tính tỉ lệ thất nghiệp từ độ tuổi 16-24 ở Anh là 20%, trong khi để cạnh tranh với người bản địa, sinh viên Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi lớn.

“Một rào cản là các công ty ở Anh sẽ phải tài trợ một khoản tiền lớn để xin giấy phép làm việc nếu muốn thuê người nước ngoài. Không có nhiều công ty sẵn sàng làm việc này,” Võ Hiển, người đã học ở Anh và hiện đang làm việc cho hãng kiểm toán Ernst & Young tại London, cho biết.

Nhiều ngân hàng hoặc các hãng tài chính lớn chấp nhận chi phí đó, tuy nhiên để cạnh tranh được thì hồ sơ phải rất tốt, và thường là phải tốt nghiệp ở các trường hàng đầu, ông Hiển nhận định thêm.

Con số này tất nhiên là không thấm vào đâu so với hàng nghìn sinh viên Việt Nam sang Anh mỗi năm.

'Cạnh tranh cao'

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với sinh viên Việt Nam ở các quốc gia khác như Mỹ.

Ông Phạm Anh Khoa, sáng lập viên của VietAbroader, một tổ chức tại Việt Nam hỗ trợ du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ, ước tính rằng không quá 10% trong số các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở Mỹ có thể ở lại làm việc.

“Mỗi năm nước Mỹ chỉ cấp 65 nghìn thị thực làm việc cho người nước ngoài, nên mức độ cạnh tranh rất cao. Trong khi đó, người Việt thua kém nhiều quốc gia khác về khả năng sử dụng tiếng Anh, và lựa chọn ngành học cũng chưa phù hợp.”

Ông Khoa dẫn số liệu của Viện Giáo Dục Quốc Tế (IIE) cho biết 40% sinh viên Việt Nam sang Mỹ chọn học ngành kinh doanh (business), trong khi những ngành nặng tính kĩ thuật hoặc tài chính có nhu cầu lớn hơn. Hiện Mỹ là nước có số du học sinh Việt Nam đông nhất, trên 16 nghìn người.

Còn theo số liệu từ Đại Sứ quán Anh ở Việt Nam, số lượng du học sinh người Việt ở Anh hiện đang vào khoảng 8000 người.

Báo Lao Động ước tính chi phí du học cho sinh viên Việt Nam ở nước ngoài phải lên đến hàng tỷ đô mỗi năm. Với số lượng du học sinh ở Anh vào khoảng 8000 người, tính trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu khoảng 248 triệu đô la chi phí du học. Con số đó ở Mỹ là gần 600 triệu đô la.

Số ngoại tệ đó liệu có đạt “hiệu quả kinh tế” cho đất nước hay không thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp, bởi những du học sinh có khả năng thường có xu hướng ở lại, còn những ai trở về sẽ lựa chọn làm việc cho các công ty nước ngoài với mức đãi ngộ tốt hơn.

'Khó hoàn vốn'

Với những người có ý định hoặc buộc phải về Việt Nam để lập nghiệp, cơ hội có một công việc thật tốt để “hoàn vốn” đầu tư du học cũng không hề dễ dàng.

Trương Quỳnh Hương, cựu sinh viên của Đại Học Gloucestershire ở phía tây nam nước Anh, cho biết mình phải chật vật đi tìm việc nhưng vẫn chưa được như ý muốn.

“Chỗ cao thì không tới, chỗ thấp thì không ưa. Thậm chí có một số vị trí khá phù hợp người ta cũng không thèm nhận mình vì họ nghĩ hoặc mình sẽ đòi lương cao, hoặc sẽ sớm nhảy việc,” Hương chia sẻ.

Thị trường lao động Việt Nam hàng năm có đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn, du học sinh về nước, khiến cho việc có bằng cấp ở nước ngoài cũng không phải là lợi thế quá lớn. Thêm vào đó, nhu cầu thương mại hóa khiến cho chất lượng giáo dục ở một số trường đại học Anh Quốc không tốt như ngày xưa. Do đó Việt Nam mới có câu chuyện con thi trượt đại học thì cho đi du học.

Bùi Trung Hiếu, từng học thạc sĩ tại một trường ở London, chia sẻ rằng cả một lớp học 40 người không có lấy một người bản ngữ nào. Một số bạn khác thì “ngỡ ngàng” khi vào lớp chỉ thấy toàn sinh viên Trung Quốc.

“Nên mục tiêu đi học để nói tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ coi như vứt đi,” Hiếu than thở.

Với những ai may mắn có được việc làm, thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hoàn vốn với mức lương bình quân ở Việt Nam. Ngoại trừ được làm ở những vị trí thật tốt hoặc cho công ty nước ngoài, mức thu nhập được coi là cao rơi vào khoảng 8-10 triệu đồng (400-500 đô la). Với con số này, giả dụ như bạn Hào nhắc đến ở đầu bài có về nước làm việc, thì sẽ phải mất vài chục năm mới hoàn lại được vốn.

“Khoảng cách về lợi thế những bạn đi du học và thị trường trong nước được rút ngắn lại, vì số du học sinh trở về nhiều hơn, trong khi các bạn trong nước cũng nỗ lực nhiều để cạnh tranh.

Điều này cũng làm ảnh hưởng đến mức lương, khiến cho thu nhập của du học sinh về nước làm việc không cao như trước,” ông Phạm Anh Khoa cho biết.

Một rào cản lớn cho những ai có khát vọng trở về là môi trường làm việc không phù hợp. Chưa đề cập đến vấn đề thể chế, nền kinh tế chưa thực sự phát triển không cho phép nhiều trí thức Việt Nam có trình độ cao tìm được vị trí phù hợp trong nước.

“Nhiều người trong số chúng tôi muốn về Việt Nam làm việc và tôi biết nhiều bạn đã trở về, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại một số mảng chuyên biệt như chứng khoán phái sinh (derivatives) có thể khó khăn hơn để tìm được công việc đáp ứng nhu cầu", ông Võ Hiển, hiện đang làm việc cho Ernst & Young, cho biết.

“Ở đây họ có thể có một mức thu nhập tương đối cao, nếu về nước thì sẽ khó tìm được việc bởi thị trường tài chính Việt Nam chưa hoạt động nhiều trong mảng chứng khoán phái sinh so với ngành tài chính tại London này,” ông Hiển nhận định.

‘Bước tiến lớn’

Tuy vậy, nhìn chung các du học sinh Anh Quốc đều thấy hài lòng khi được hỏi về trải nghiệm ở một trong những nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Những người được hỏi chuyện đều cho rằng đây là “bước tiến lớn của cuộc đời” và được mở mang tầm mắt từ “cái ao” ra “đại dương” và làm cho mình “trưởng thành lên nhiều".

“Theo ý kiến của mình thì đây sẽ là một vụ đầu tư không lỗ chút nào, bởi sang Anh mình được trau dồi thêm kiến thức cũng như mở rộng tầm nhìn, những điều ấy thật khó để đo bằng tiền.” Trung Đỗ, cựu sinh viên của Đại học Greenwich, hiện đang làm giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, cho biết.

Sinh viên Việt Nam cũng không cô độc trên con đường học tập và lập nghiệp xứ người.

Một số tổ chức của người Việt Nam tại Anh Quốc, điển hình là Hội Trí Thức Trẻ Việt Nam (VietPro) có tổ chức một số sự kiện hướng nghiệp nhằm giúp cho du học sinh nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động của nước Anh.

“Chúng tôi cũng đang tạo cầu nối liên kết các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam với các thành viên của mình để tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nước làm việc,” Nguyễn Hữu Phương Thảo, chủ tịch của VietPro và hiện đang làm việc cho ngân hàng Đức CommerzBank tại London, cho biết.

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, sinh viên đang học ở Anh.

(Theo Khắc Giang/BBC Vietnamese)