- Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Công Khanh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhắc
đi nhắc lại vấn đề làm nếu giáo viên mầm non không có đạo đức, thiếu kỹ năng sư phạm
và không yêu trẻ thì...sớm muộn cũng phạm lỗi, thậm chí phạm tội.
Nuôi trẻ theo kinh nghiệm vô cùng nguy hiểm
Từ kinh nghiệm nghiên cứu tâm lý lâm sàng trẻ em và đào tạo giáo viên mầm non PGS.TS Nguyễn Công Khanh cho biết: Lứa tuổi mầm non từ 0 tuổi cho đến trước 6 tuổi là thời kỳ phát triển đặc biệt quan trọng. Đây là giai đoạn mỗi trẻ em ở lứa tuổi mầm non phát triển rất nhanh tùy thuộc vào môi trường của gia đình, lớp học thế nào.
Nếu đó là một môi trường tạo ra những cảm xúc tích cực giúp trẻ được tắm mình trong thế giới ngôn ngữ mẹ đẻ và được cô giáo yêu thương...Môi trường giàu tương tác và trải nghiệm thì trẻ sẽ tích cực khám phá và sẽ phát triển tốt.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh |
- Để có môi trường tương tác như vậy đòi hỏi giáo viên phải có những kỹ năng gì, thưa ông?
Muốn làm được điều đó đòi hỏi người giáo viên mầm non đứng lớp phải được đào tạo bài bản. Họ không thể là người không được đào tạo gì về mầm non – hoặc được đào tạo từ nghề khác do chưa tìm công ăn việc làm, lại sẵn có một không gian gia đình, có một số người quen biết nhờ giữ trẻ và sau đó...hành nghề giữ trẻ. Nuôi dạy trẻ kiểu đó hoàn toàn theo kinh nghiệm… chắc chắn ảnh hưởng xấu đế sự phát triển của trẻ.
Nuôi trẻ theo kinh nghiệm vô cùng nguy hiểm ở chỗ - sự tức giận ở người trông trẻ dễ trút lên trẻ. Trẻ mầm non không giống như người lớn, một số trẻ nhút nhát, một số sợ hãi thường thấy người lạ là khóc và thường biếng ăn...Khi trẻ khóc, biếng ăn thì gây ra một cảm giác khó chịu tức tối, một phản ứng theo kiểu dây chuyền mà những người không được đào tạo mầm non không kiểm soát được.
Và những cô bảo mẫu hành hạ trẻ thường là những người không được đào tạo bài bản - họ chỉ có kinh nghiệm giữ trẻ - chứ không phải có kinh nghiệm nuôi dạy để phát triển trẻ.
Giáo viên mầm non dễ bị stress
- Hệ quả của việc chăm trẻ bằng kinh nghiệm thường tiềm ẩn những nguy cơ thế nào, thưa ông?
Với người giữ trẻ hoàn toàn theo kinh nghiệm dân gian, không qua đào tạo, tính tình nóng nẩy thì dễ dẫn đến những hành vi bạo lực trẻ. Vì đe dọa, trừng phát, bao lực thường được họ xem là con đường nhanh nhất để ngăn hờn dỗi… của trẻ. Và tất cả những hành vi bạo lực với trẻ đều không chấp nhận được vì nó mang bản năng thú tính… làm thương tổn đến sự phát triển của trẻ.
Giáo viên mầm non phải có tình yêu trẻ, vì công việc của giáo viên mầm non rất vất vả - không giống như những giáo viên ở các bậc học khác. Giáo viên mầm non họ phải làm việc quần quật từ sáng sớm cho đến buổi chiều muộn mới được về. Cả ngày làm việc như thế với những trẻ hay quấy khóc…rất dễ bị stress.
- Từ kinh nghiệm đào tạo giáo viên, ông có đánh giá thế nào về quá trình đào tạo giáo viên mầm non ở các trường đã thực sự đáp ứng yêu cầu...
Thực ra quá trình đào tạo ở các trường chỉ tạo ra một cái phôi tốt để SV tốt nghiệp ra hành nghề. Nhưng mỗi người phải tự hoàn thiện từ chính môi trường sống của mình - từ chính nhà trường mầm non nơi họ đứng lớp.
Đội ngũ quản lí phải thường xuyên giám sát và có những chế tài để buộc tất cả giáo viên phải tuân theo. Ví dụ: trẻ khóc, quấy thì không được quát, dọa...Còn khó quá thì phải nhờ đến chuyên gia tư vấn hỗ trợ...đồng thời phối hợp với gia đình để có xử lí tình huống kịp thời.
Làm việc với trẻ phải có đạo đức
- Ông nghiên cứu nhiều về tâm lí cũng như đào tạo nhiều lứa giáo viên mầm non - để điều tiết cảm xúc nóng nẩy đó thì bản thân mỗi giáo viên cần có những kỹ năng gì?
Họ phải nắm vững lí thuyết về giáo dục phát triển trẻ mầm non, có kỹ năn sư phạm, đạo đức nghề nghiệp và phải yêu thích trẻ em. Hơn thế mỗi GV MN luôn phải hiểu rằng mỗi sự tức giận, buồn chán, kích động của họ đều có thể ảnh hướng đến sự phát triển của trẻ. Họ phải học cách để kiềm chế các cảm xúc tiêu cực….
Đối với một số người khả năng kiềm chế cảm xúc tiêu cực khó đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của đồng nghiệp. Thường trong một lớp có từ 2 cô trở lên, họ phai luôn chia sẻ học hỏi lẫn nhau.
- Thực tế không ít giáo viên vào nghề với quan niệm chưa xin được việc thì đi trông trẻ, và lương ít nên họ làm đôi khi không được nhiệt tình...Chắc hẳn trong các nghiên cứu ông đã gặp và xử lí tình huống này thế nào?
Đối với một giáo viên mầm non, tiểu học nếu còn nghĩ như vậy thì tốt nhất nên chuyển làm nghề khác. Nếu không có đạo đức nghề nghiệp thì sẽ không làm được nghề dạy học và sớm muộn anh cũng sẽ bị tha hóa.
Khi anh đã chọn nghề vì sự đam mê, vì yêu thích được tiếp xúc, dạy trẻ thì dù lương thấp thì vẫn là sự cam kết của anh đối với công việc nên phải hoàn thành.
Vấn đề này còn liên quan đến hệ thống quản lí, giám sát của một nhà trường. Một nhà trường nếu biết được giáo viên A thường xuyên có những hành vi hay quát mắng trẻ...thì người quản lí phải có trách nhiệm xử lí. Có thể không cho giáo viên đứng lớp nữa...
- Khó để kí không cho ai đứng lớp nếu vi phạm vì có thể họ chạy chọt, vì con ông cháu cha....Ông có cho rằng đây là vừa là rào cản khó nâng chất lượng và là nguyên nhân châm ngòi cho các vụ bạo hành khi tồn tại những giáo viên mang ô vào trường?
Thực tế có thể là rào cản nhưng tương lai phải vượt qua. Vượt qua bằng văn hóa, bằng cơ chế quản trị nhà trường.
Vượt qua bằng văn hóa là thường xuyên phải có những chương trình bồi dưỡng, bổ túc để giúp giáo viên chuyển đổi nhận thức và phải giúp họ, hỗ trợ họ để họ vượt qua khó khăn.
Mặt khác, hệ thống quản lí là những người giám sát như tổ trưởng bộ môn, BGH phải có quy chế, chế tài,… hoạt động giám sát quản lý chất lượng hiệu quả sẽ giảm thiếu rất nhiều hành vi bao lực trẻ. Thậm chí với những trường lớn có thể gắn camera giám sát...
Thực hiện giám sát quản lý chất lượng chặt chẽ nghiêm túc sẽ hạn chế được những hành vi đáng tiếc xảy ra.
- Cảm ơn ông!
- Kiều Oanh (thực hiện)