- Với những gì đang làm, ông Nho tự nhận việc đó chẳng đáng tự hào mà chỉ thấy buồn. "Tôi chỉ mong các bạn trẻ hãy biết bảo vệ bản thân mình trước những cám dỗ và nhận thức được hậu quả sau này."
Phải làm bởi lòng quặn thắt
Ngôi mộ chôn cất xác của các hài nhi xấu số nằm lọt thỏm trong khu nghĩa trang thôn Từ Châu (Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội). Mộ không tên tuổi, ngày sinh ngày mất. Chỉ có những lời thủ thỉ, nhắn nhủ của ông Nguyễn Văn Nho - người tạo ra nó tới những người cha người mẹ đừng vì bất cứ lý do gì mà nhẫn tâm tước đoạt quyền được làm người của chúng.
Ông Nho bên ngôi mộ của những hài nhi xấu số. (Ảnh: Văn Chung) |
Ngôi mộ sâu là nơi hơn 20.000 xác hài nhi xấu số đã được chính tay ông Nho chôn cất cẩn thận. Giờ ngôi mộ ấy đã hết chỗ trống nên mới đây ông lại tiếp tục làm đơn xin xã cấp cho thêm đất để xây dựng ngôi mộ thứ hai.
Gần chục năm nay, sáng nào ông Nho cũng thức dậy thật sớm, lo cắt cỏ cho bò, lo những việc đồng áng để đến chiều có thể thảnh thơi đi làm cái việc mà ông muốn làm vì nghĩa.
Năm 2008, ông Nho phải vào bệnh viện huyện Thường Tín để chữa bệnh sỏi thận. Một lần tình cờ, ông phát hiện ra xác các hài nhi xấu số được vứt xuống ao, xuống cống, thậm chí là được lấy về làm thức ăn cho lợn ông Nho đã rất đau lòng. Trăn trở, ông Nho mạnh dạn đề xuất với một số bác sĩ của phòng khám phụ khoa trong bệnh viện, xin được mang xác những thai nhi đó về chôn cất. Mong muốn ấy của ông đã được các bác sĩ chấp nhận.
Thế là, sau khi xuất viện, hàng ngày đều đặn ông cưỡi chiếc xe máy cà tàng từ Thanh Oai ra bệnh viện Thường Tín để thu gom xác các thai nhi.
Sáng ông Nho ra đồng làm ruộng, chiều đi thu gom xác các thai nhi và đến buổi tối thì lại lọ mọ đóng tiểu. Cứ một mình với một cái khuôn có sẵn, si măng và cát trộn trộn, chát chát. Tiểu đúc hôm trước thì sẽ dùng cho hôm sau. Ông chia sẻ: “Tất cả những xác thai nhi mà tôi thu gom về đều được tôi làm đủ các thủ tục: tắm rửa, bọc vải trắng rồi sau đó đọc kinh rửa tội cho chúng (ông Nho là người công giáo – PV) rồi mới mang đi chôn”.
Dù đã quen với những cảnh tượng đau lòng đó, thế nhưng ông Nho vẫn không sao thoát khỏi những ám ảnh thương tâm. “Có những thai nhi mới chỉ là cục máu, có những thai nhi đã nên hình nên dạng. Nhưng đau xót nhất là những thai nhi đã thành người. Vì cái thai quá to không thể nạo, không thể hút nên người ta phải cắt khúc hài nhi đó ra để lôi từng đoạn một. Nhìn cảnh đó, dù có là gỗ đá cũng phải quặn lòng”.
Nhiều đêm ông phải bật dậy để đọc kinh cầu nguyện. Ông Nho kể: “Có những xác hài nhi khi tôi nhặt được mắt mở chừng chừng. Phải đến khi tôi dùng tay vuốt, đôi mắt ấy mới khép lại”.
Vợ chồng vì việc ông làm mà lời qua tiếng lại với nhau suốt. Nhưng ông chỉ tâm niệm “Thôi thì mình làm việc không công nhưng tích được cái phúc, cái đức cho con cháu về sau”.
Có nhiều gia đình hiếm muộn, sinh được đứa con nhưng chẳng may nó không được làm người cũng mang xác con họ về tận nghĩa trang Từ Châu nhờ ông Nho chôn cất.
Nhóm của lòng Bác Ái
Việc làm của ông Nho tuy vấp phải rất nhiều sự kỳ thị, dè bỉu nhưng cũng làm lay động biết bao tấm lòng hảo tâm. Vài tháng sau, nhóm Bác Ái với đủ các thành phần từ già đến trẻ được thành lập.
Ông Nho chỉ ao ước một ngày nào đó ông và nhóm Bác Ái sẽ "thất nghiệp". (Ảnh: Văn Chung) |
Người già nhất và theo ông từ những ngày đầu là bà Nguyễn Thị Hạnh. Năm nay bà Hạnh đã 81 tuổi nhưng vẫn đạp xe đến cùng ông đi thu gom xác hài nhi xấu số.
“Cũng nhờ có bà Hạnh là mẹ của hai liệt sĩ bảo lãnh nên công việc của chúng tôi mới thuận lợi được. Chứ ban đầu nhiều người còn hồ nghi chúng tôi làm việc đó là có mục đích” – Ông Nho chia sẻ.
Không chỉ đi gom xác các hài nhi xấu số mà nhóm Bác Ái của ông còn cử người đến ngồi ở các phòng khám thai với mục đích sẽ can ngăn được ai đó từ bỏ ý định phá thai.
Nếu người mang thai là những phụ nữ chưa có gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn nhóm sẵn sàng đứng ra để nuôi họ trong thời gian thai sản.
Nhóm còn có cả một ngôi nhà “tạm lánh” để những phụ nữ lầm lỡ ấy có thể đến ở, tránh sự dị nghị, dè bỉu của những người xung quanh. Nếu người mẹ không thể nuôi con, nhóm sẽ tìm cách liên hệ với những gia đình hiếm muộn để nhận nuôi đứa bé.
“Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng số trẻ em mà chúng tôi cứu sống được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay: 8/25 vạn” – ông buồn rầu tâm sự.
Hỏi ông mong ước lớn nhất bây giờ là gì, ông chỉ cười buồn: “Ông chỉ mong một ngày nào đó ông và những người trong nhóm Bác Ái sẽ “thất nghiệp” thôi cháu ạ”.
- Văn Chung