- Cuối tháng 1, quyết định đình chỉ tuyển sinh một loạt ngành đào tạo đại học gây xôn xao. Dẫn đầu về số lượng là Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, với 15 ngành.  Trao đổi với VietNamNet chiều 6/2, ông Trần Thanh Hiệp, hiệu trưởng nhà trường khẳng định “Cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT không ổn tí nào”.

Danh sách 207 ngành đại học bị dừng tuyển sinh

  {keywords}

- Thưa ông, có điều gì không ổn ở đây?

Qua việc này, tôi thấy rằng một số người làm quản lý không hiểu đặc thù của những ngành đào tạo nghệ thuật.

Tôi hoan nghênh việc Bộ GD-ĐT đưa mọi việc vào quy củ. Đây là việc làm đúng đắn đối với các trường khác. Nhưng đối với Trường Sân khấu Điện ảnh nói riêng mà áp dụng quy định một cách máy móc như vậy là dở.

Với trường đào tạo đặc thù như Sân khấu Điện ảnh, nếu chưa hiểu, trước khi ký quyết định, Bộ GD-ĐT nên tham khảo những người làm nghề, tìm hiểu qua Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cụ thể của việc “dở” này là như thế nào?

- Ví dụ như việc đình chỉ đào tạo đạo diễn vì không đủ điều kiện về giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ. Hơn 30 năm qua chúng tôi đã đào tạo ngành này, chứ không phải mới thành lập. Thầy của những đạo diễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh… có phải là thạc sĩ, tiến sĩ đâu.

Khi đào tạo đạo diễn sân khấu, chúng tôi mời Lê Hùng, Xuân Huyền… về dạy. Chỉ những người như thế sinh viên mới chịu học, chứ đâu phải thạc sĩ, tiến sĩ gì.

Bao nhiêu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân của Việt Nam hiện nay đều do cử nhân dạy.

Thậm chí, đối với các nghệ sĩ tuồng, chèo là do nghệ nhân dạy, họ có khi mới chỉ học hết cấp 3, thậm chí cấp 2.

Tôi từng chứng kiến tiến sĩ dạy quay phim cho sinh viên mà mướt mồ hôi. Đối với nghệ thuật, dạy kiến thức sách vở là không được.

Cách tiếp cận của Bộ không ổn tí nào.

Trong công văn của Bộ còn nói đến việc đến tháng 12/2015 sẽ thu hồi quyết định đào tạo những ngành chưa khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ.

Tôi có thể nói luôn là ở trường này 30 năm qua không có, và 3 năm nữa chắc chắn cũng không có tiến sĩ đạo diễn điện ảnh.

Nhà trường sẽ có phản hồi như thế nào đối với quyết định của Bộ GD-ĐT?

- Trường sẽ trao đổi lại với Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có ý kiến với Bộ GD-ĐT. Nếu dẹp hết các ngành đào tạo này thì mang ra nước ngoài dạy hết à?

Mà nước ngoài họ cũng có đặc thù như thế đấy. Các thầy dạy đạo diễn điện ảnh cũng không phải là tiến sĩ. Họ được mời dạy trước hết do họ là đạo diễn giỏi, có thành tựu trong sáng tạo, có tư chất nhà sư phạm. Thầy dạy nghề của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy cũng như thầy dạy của đạo diễn Vương Đức, Xuân Sơn ở trường điện ảnh Matxcơva cũng không ai là thạc sĩ, tiến sĩ cả. 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng dạy diễn viên phải là nghệ sĩ, không phải mang lý luận ra mà dạy. Diễn viên không diễn lý luận, chỉ diễn nghệ thuật.

Có thể có những người cho học vài năm rồi sẽ thành thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng có tài không, dạy được sinh viên không, sinh viên có nghe không… lại là chuyện khác.

Xin cảm ơn ông.

Chi Mai thực hiện

Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội bị đình chỉ tuyển sinh 15 ngành: Biên kịch sân khấu, Đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình, Công nghệ kỹ thuật Điện, Điện tử, Biên kịch Điện ảnh – Truyền hình, Nhiếp ảnh, Công nghệ Điện ảnh – Truyền hình, Thiết kế mỹ thuật Sân khấu – Điện ảnh, Lý luận và Phê bình ĐA– Truyền hình, Lý luận và Phê bình Sân khấu, Quay phim, Biên đạo Múa, Huấn luyện múa, Lý luận, Phê bình Múa, Diễn viên Sân khấu kịch hát, Đạo diễn Sân khấu.

Ông suy nghĩ như thế nào khi có một trường năng khiếu mà hầu hết các ngành đào đều nằm trong danh sách cảnh báo và có nguy cơ bị đình chỉ tuyển sinh?

Ông Bùi Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT):

Những trường khối văn hóa nghệ thuật có đặc thù riêng. Chúng ta phải xem xét tới yếu tố đặc thù nhưng cũng phải cảnh báo về công tác đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên của những trường này trong thời gian qua.

Chắc chúng ta không đồng tình với một ngành không đáp ứng được các quy định tối thiểu về đội ngũ nhưng vẫn được đào tạo. Đã đến lúc chúng ta phải cảnh báo việc này, cảnh báo càng sớm thì càng tốt.

(Theo Dân Trí)