- Theo Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng, Bộ GD-ĐT nên dồn nguồn lực thực hiện cho tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn lại chuyển trách nhiệm tuyển sinh ĐH cho các trường.

Để thi tốt nghiệp THPT nhằm 2 mục tiêu

- Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng kỳ thi tốt nghiệp THPT? Liệu có cần thiết duy trì một kỳ thi như vậy?

Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH”.

{keywords}
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng.

Như vậy thi tốt nghiệp phổ thông nhằm 2 mục tiêu: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để tuyển sinh ĐH.

Nếu chỉ nhằm một mục tiêu là xét tốt nghiệp thì không nhất thiết phải thi quốc gia mà chỉ cần dựa vào kết quả học tập trong năm học là đủ. Tuy nhiên do còn nhằm một mục tiêu quan trọng là tạo cơ sở để tuyển sinh ĐH – cho nên một kỳ thi quốc gia để có một mặt bằng kết quả chung là cần thiết.

- Đổi mới kiểm tra đánh giá và thi cử được Bộ GD-ĐT xem là bước đột phá đầu tiên trong lộ trình đổi mới giáo dục. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã quyết cải tiến cách thi tốt nghiệp theo hướng nhẹ đi. Liệu đây có phải giải pháp lâu dài, trong khi truyền thống khó bỏ của giáo dục phương Đông là "học để thi". Học sinh sẽ không học những môn không thi, dẫn đến hậu quả tiêu cực lâu dài. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Dự thảo về phương án thi tốt nghiệp 2014 của Bộ GD-ĐT có nhiều điểm mới, trong đó 3 thay đổi quan trọng là cho thí sinh lựa chọn môn thi, giảm số môn thi từ 6 xuống còn 4-5 môn và cho miễn thi 20% số thí sinh có kết quả học tập tốt.

Tôi đồng tình với việc cho thí sinh chọn môn thi tốt nghiệp, mà thậm chí có thể áp dụng luôn là khi học các lớp cuối cấp chỉ cần học bắt buộc các môn tự chọn này chứ không phải học tất cả các môn như hiện nay.

Nhiều nước như Singapore chẳng hạn, từ trung học đã cho học sinh chọn môn rồi. Tuy nhiên nên thi 6 môn như trước đây chứ không cần giảm xuồng còn 4-5 môn, trong đó môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là bắt buộc, còn lại thí sinh chọn thêm 3 môn trong các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa – để việc thi gắn với việc chọn môn học 3 năm cuối cấp, đồng thời tạo cơ sở để chọn ngành xét tuyển ĐH rộng rãi hơn.

Cũng không cần miễn thi – vì khi đó sẽ khó khăn cho việc tuyển sinh ĐH khi có thí sinh thì thi phổ thông, có thí sinh lại không thi. Việc thi tốt nghiệp cũng là cơ hội để các em ôn lại và nắm bắt kiến thức phổ thông được tốt hơn.

Giáo dục sẽ không phát triển nếu thiếu lòng tin

- Trong lộ trình cải tiến thi tốt nghiệp, Bộ đang giao dần quyền tự chủ cho địa phương chịu trách nhiệm về kỳ thi. Việc này sẽ được mở rộng tiếp như thế nào?

Quy chế và đề thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT đưa ra, còn trách nhiệm tổ chức thi phải thuộc về các địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ giám sát và xử lý nghiêm các địa phương để xảy ra tiêu cực chứ không thể làm thay cho các địa phương trong việc này được.

Giáo dục Việt Nam sẽ không thể phát triển được nếu Bộ thiếu lòng tin vào các cơ quan dưới Bộ - trong đó có các trường ĐH, CĐ và các Sở GD-ĐT địa phương.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ tuyển sinh ĐH 2013. (Ảnh: Văn Chung)

Giáo dục Việt Nam cũng sẽ không thể phát triển được nếu phần lớn công sức quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo chỉ nhằm vào các giải pháp mang tính "kiểm soát" của Bộ GD-ĐT với khả năng sai phạm của các cơ quan bên dưới.

Cũng cần xem Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT địa phương, các trường cùng nằm trong đội hình để thực hiện “trận đánh lớn” theo lời của Bộ trưởng GD-ĐT - chứ không phải ở các vị trí đối lập là “cơ quan quản lý” và “cơ quan bị quản lý”.

Nên dồn nguồn lực cho thi tốt nghiệp THPT

- Mới đây có luồng dư luận đề cập tới phương án lấy kết quả học phổ thông để xét tuyển ĐH. Lãnh đạo ngành giáo dục cho biết, ngay bây giờ chưa thể áp dụng cách này vì tình trạng bệnh thành tích vẫn còn lớn. Theo ông, cách tiếp cận như vậy có thỏa đáng không?

Nếu việc thi tốt nghiệp THPT được cải tiến và thực hiện ngay trong năm 2014 – thì việc dựa trên kết quả thi phổ thông để tuyển sinh ĐH, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh ĐH – cũng có thể thực hiện ngay từ năm 2014.

Khi đó Bộ GD-ĐT sẽ dồn nguồn lực thực hiện cho tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT (tốt như thi đại học “3 chung” trước đây), còn lại chuyển trách nhiệm tuyển sinh ĐH cho các trường trên cơ sở khống chế chỉ tiêu và ngành học một cách hợp lý.

- Với cách tổ chức như vậy, theo ông, sắp tới Bộ GD-ĐT cần làm như thế nào để ngay trong các bài kiểm tra đánh giá phân loại được tốt thí sinh?

Các chuyên gia của Bộ GD-ĐT có quá nhiều kinh nghiệm để ra đề thi phân loại được thí sinh, chẳng hạn trong đề thi kết hợp các câu dễ, khó và trung bình một cách hợp lý.

- Xin cảm ơn ông!
  • Văn Chung