- "Bảng điểm be bét của Khánh Chi, em gái Công Vinh" - tân hoa khôi Trường ĐH Văn hóa Hà Nội được  nhà trường xác nhận là cách đây 2 năm. Đó là thời điểm học kỳ 1 của năm học thứ nhất, khi cô vừa vào ĐH.


Còn theo bảng điểm do Ban Giám hiệu nhà trường cung cấp, ở học kỳ tiếp theo, cũng như năm học thứ 2, Lê Thị Chi có điểm khá cao. Thậm chí trong kỳ thứ 5, Chi có điểm tổng kết trên 8.0.

Khánh Chi, tên thật là Lê Thị Chi, đang là sinh viên năm thứ 3 lớp Quản lí Văn hóa nghệ thuật 9A.

Ngoài xác nhận thông tin trên, theo báo Dân Trí, ông Phạm Văn Tám, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường còn nói:“Khánh Chi là một sinh viên khá toàn diện, đã tham gia rất nhiều các hoạt động của trường, gần đây nhất là chương trình Giờ Trái Đất và hiến máu nhân đạo”.

Khánh Chi gắn với cụm từ “em gái Công Vinh”, một "cô gái nóng bỏng" trong cộng đồng mạng. Khi mới bước vào trường đại học, Khánh Chi đã lập nhóm nhạc sinh viên, tham gia hầu hết các phong trào tình nguyện.

Cuối tháng 3 vừa qua, "độ nóng" của cô tăng cao khi đi kèm với  sự kiện đăng quang vương miện hoa khôi ĐH Văn hóa Hà Nội là bảng điểm với những con số không lấy gì làm tươi sáng. Điểm trung bình cộng năm thứ nhất của Chi là 5.67 và sau khi thi lại thì đạt 6.23.



Bảng điểm học kỳ mới nhất của SV Lê Thị Chi. Điểm trung bình cộng sau khi thi lại là 8.15. Ảnh: Dân Trí

Thanh lịch có cần điểm tốt?

Khoảng 5 năm trở lại đây nở rộ các cuộc thi nhan sắc toàn quốc, thế giới  mà trong đó, không ít người đăng quang ở những ngôi vị cao nhất là sinh viên các trường ĐH.

Cùng với sự phát triển của các mạng xã hội hướng tới đối tượng là giới trẻ, các cuộc thi nhan sắc cũng bung nở ở nhiều trường ĐH, CĐ. Tính chuyên nghiệp ngày càng cao khi đi kèm với các nhà tài trợ.

Theo khảo sát của báo VTC News, cuộc thi “Nữ sinh tài năng duyên dáng” của ĐH Lao động Xã hội có tiêu chí bắt buộc đầu tiên đó là sinh viên phải đạt điểm học tập trên 6,5 và điểm rèn luyện trên 7,0. Ban tổ chức sẽ không chỉ căn cứ vào lời khai của thí sinh mà còn rà soát lại toàn bộ quá trình học tập và rèn luyện của thí sinh trong thời gian học tập tại trường.

Sắp tới đây, cuộc thi "Tài sắc nữ sinh báo chí 2011” dành cho 6 lớp nghiệp vụ báo chí của Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức chung kết. Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, tiêu chuẩn nhận ứng viên cũng phải có điểm học tập từ 6,5 trở lên.

Cuộc thi Imiss Thăng Long - một cuộc thi nhan sắc của các sinh viên các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội - do ĐHQG Hà Nội tổ chức, có những quy chuẩn chung mà thí sinh muốn tham gia phải đạt được. Đối với thí sinh vẫn học theo chương trình niên chế thì điểm học tập phải đạt trên 6,5; với thí sinh theo chương trình tín chỉ thì tối thiểu là 2,0 và tất cả phải đạt điểm rèn luyện loại khá trở lên.


Bảng điểm của SV Lê Thị Chi ở học kỳ 1 năm thứ nhất. Điểm trung bình cộng sau khi thi lại là 6.23. Ảnh: VTC News

'Anh chọn lối nào'?
Bảng điểm năm thứ nhất không lấy gì làm khả quan của Khánh Chi khiến cư dân mạng lật lại "hồ sơ học bạ" của nhiều người đẹp đình đám.

Ngoài Hoàng Thùy Linh, Thùy Dung với những "scadal" điểm số nay đã nguôi ngoai,  nay có Khánh Chi với nhiều điểm "í ẹ" 1, 3, 4; hoa hậu thế giới người Việt năm 2010 Diễm Hương cũng trượt tới 7 môn, 11 môn xếp hạng D và C, số điểm trung bình tích lũy được chỉ ở khoảng 1.7 (cách tính điểm của học chế tín chỉ đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều trường ĐH hiện nay - có điểm tuyệt đối là 4.0 và các hạng A, B, C, D, E).

Báo Tuổi Trẻ đã nêu vấn đề "phải chăng sắc đẹp không thể đồng hành cùng tri thức" và tham vấn ý kiến một số chàng trai: nếu đặt lên bàn cân của trái tim, các chàng sẽ nghiêng về cái đẹp hay tri thức ở một cô gái?

Châu Nhị Quang, chuyên viên một quỹ đầu tư quan niệm người đẹp là "người phụ nữ có tri thức nhất định và một ngoại hình ưa nhìn". Anh tin chỉ cần người phụ nữ siêng luyện tập thể dục, biết chăm sóc, trân trọng bản thân thì tự khắc sẽ tạo ra sự ưa nhìn, cuốn hút nhất định với hai yếu tố trên.
Chia sẻ với phóng viên, Quang nói mình cũng thích “chân dài”, có thể say mê nhìn ngắm và đi chơi với những phụ nữ bốc lửa.

"Nhưng với việc kết hôn thì anh "khá truyền thống". Thậm chí, sự rỗng tuếch của các cô chân dài chắc chắn sẽ khiến đời sống vợ chồng trở nên nhàm chán, bởi họ không thể hiểu và chia sẻ cùng chồng. Dù nét đẹp của họ có tồn tại tới cuối đời thì cũng khó thể cứu vãn được tình hình.
Lưu Quang Minh, nhà văn trẻ cũng có cảm giác thích được đi chơi với những bạn nữ "chân dài" và xem chuyện cặp với “hot girl” không có gì xấu.

Trước tình huống chọn lựa "chân dài" hay "đầu cao",  tác giả tuyển tập "Gia tài tuổi 20" nói chỉ cần người con gái có ngoại hình tạm ổn và yêu mình, biết nấu ăn hơn là một cô đẹp lộng lẫy nhưng đầu óc rỗng tuếch.
Với Kenneth Miller, một doanh nhân trẻ người Mỹ, 28 tuổi, thì chọn "cô gái bình thường nhưng tốt tính, chịu khó để yêu và kết hôn".

Anh nói, dù thích đi chơi với "chân dài", còn để chọn bạn đời, người này đẹp thì sẽ có người khác đẹp hơn. "Cái đẹp bên trong thì khó kiếm nên ai kiếm được đều sẽ rất trân trọng".
Một bạn đọc tên Sơn Phùng bình luận:

"Nghe các bạn trai nói, mình thấy thật tội cho các bạn nữ có phẩm hạnh. Bởi vì theo lời các bạn nam thì quá trình của các bạn đó sẽ là: Trước khi kết hôn thì đi chơi, theo đuổi và thể hiện phong cách cũng như đẳng cấp của mình bằng các cô "hotgirl" luôn xuất hiện bên cạnh mình. Nhưng khi họ kết hôn thì phải là một cô gái thông minh, biết hy sinh cho gia đình hay nói cách khác họ phải có khả năng tạo ra một gia đình hạnh phúc cũng chỉ để cho các chàng đươc khoe với bạn bè. Và cuối cùng, có được tất cả, họ quay lai quỹ đạo ban đầu là "cần thêm vài cô gái xinh đẹp trên bàn tiệc làm ăn". Cuối cùng, người thiệt thòi nhất chẳng phải là những cô gái quá nhu mì, đôi khi hy sinh quá nhiều vì gia đình mà quên chăm sóc bản thân mình hay sao?".

  • Vân Phong (tổng hợp)