- Các nghiên cứu về giáo dục hành vi đã cho thấy rằng cách thức hiệu quả nhất để giảm hành vi không phù hợp là người giáo viên phải chú ý và khuyến khích những hành vi tốt của học sinh, TS tâm lý Trần Thành Nam nêu ý kiến sau các vụ việc thầy giáo dùng vũ lực với học sinh.

Nhân dịp nói về chủ đề bạo lực thầy trò, tôi lại nghĩ tới 1 chương trình trò chơi truyền hình dành cho học sinh cấp 2 tên là "Chinh Phục" mà tôi đang làm cố vấn giáo dục. Chương trình hiện đang được thực hiện với chủ đề là "bình đẳng".

Tại sao tôi lại liên hệ câu chuyện này, vì khi nghĩ đến bình đẳng thì người ta hay nghĩ đến bình đẳng nam nữ, bình đẳng sắc tộc, màu da...nhưng ít ai nghĩ đến chuyện thầy trò có được bình đẳng không?

Có câu thường được nhắc: "Tôn sư trọng đạo - không thầy đố mày làm nên". Trước đây, vai trò thầy - trò là mối quan hệ không bình đẳng với nghĩa thầy có một vị trí như cha mẹ của học trò. Có sự chệnh lệch này là do việc xã hội tiếp cận với nguồn thông tin hạn chế. Kiến thức và kỹ năng từ thầy là nguồn chính để giúp học trò rèn luyện thành nghề và thành tài.

Với công nghệ hiện đại ngày nay, thế giới trở nên phẳng hơn về mặt thông tin và kiến thức (trò có thể biết nhiều hơn thầy nếu chịu tìm hiểu, khiến vai trò độc tôn về kiến thức của thầy bị suy yếu).

Thứ hai, xu hướng giáo dục hiện đại tập trung vào người học làm vị trí của người thầy thay đổi trở thành người dẫn đường, định hướng cho học sinh làm chủ tri thức thôi (bạn đồng hành hơn là cha mẹ).

Thứ ba, khi xã hội theo cơ chế thị trường, việc dạy và học cũng đã trở thành một quan hệ cung cầu, trong đó học trò là khách hàng, là thượng đế của các thầy cô và hoạt động giáo dục.

Cuối cùng, nhận thức của học sinh hiện nay về vấn đề bình đẳng cũng tốt hơn nhờ học được qua các phương tiện thông tin đại chúng về quyền trẻ em, quyền con người; về việc tôn trọng sự khác biệt, về những phương pháp dạy học tôn trọng người học của phương Tây du nhập.

Khi trò thể hiện hoặc đòi quyền bình đẳng

Với những giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, những hành vi đòi sự bình đẳng (như việc tranh luận với giáo viên về một vấn đề hoặc có ý kiến trái chiều với giáo viên) là những nguy cơ xâm phạm vào vị thế hoặc danh dự của người thầy.

Lúc này giáo viên sẽ cảm thấy lo lắng và mất kiểm soát. Họ sẽ "tự vệ" bằng những hành vi thiếu cân nhắc (như bạo lực).

Như vậy, việc giáo viên không chấp nhận xu hướng bình đẳng hơn trong quan hệ thầy trò ngày nay, sự tự ti về vai trò của mình cũng như cách diễn giải sai lầm về những hành vi thể hiện quyền của học sinh là thách thức và xâm phạm đến danh dự của họ có thể dẫn đến việc trừng phạt học sinh bằng bạo lực.

"Bình đẳng" quá trớn

Các nghiên cứu về giáo dục hành vi đã cho thấy rằng cách thức hiệu quả nhất để giảm hành vi không phù hợp là người giáo viên phải chú ý và khuyến khích những hành vi tốt của học sinh.

Đối với bất kỳ một hành vi quá trớn nào, giáo viên cũng cần bình tĩnh làm chủ được cảm xúc của mình trước.

Sau đó, phải tìm ra được một điểm hợp lý nào đó trong ý kiến hoặc hành vi của học sinh để ghi nhận, sau đó mới điều chỉnh những gì chưa phù hợp ở học sinh.

Để làm được như vậy, người giáo viên phải nhận ra rằng vai trò của giáo viên và học sinh giờ đã bình đẳng hơn, học sinh có thể có những lý lẽ đúng của các em; mỗi em là một cá thể khác biệt và giáo viên phải tôn trọng sự khác biệt đó.

  • TS tâm lý Trần Thành Nam (giảng viên ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội)