- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) Phan Thị Lan Anh cho biết việc nghiêm cấm các cơ sở giáo dục dạy thêm tiếng Anh cho trẻ là cần thiết.

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản chấn chỉnh việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non - nhưng nhiều phụ huynh vẫn mong muốn cho con sớm tiếp cận với môn học này.

Chị Hà, giảng viên đại học có con 4 tuổi cho biết, hiện chị vẫn cho con đi học thêm tiếng Anh ở một trung tâm với học phí gần 1 triệu đồng/tháng.

Theo chị, tìm hiểu thực tế trẻ độ tuổi này tiếp thu rất nhanh và bắt chước nhanh. Việc nhận mặt chữ không khó khăn như nhiều người nghĩ vì ở trường các con cũng được cô giáo hướng dẫn học.

{keywords}
Ảnh minh họa (Ảnh: GD&TĐ)

Chị mừng vì con về nhà luôn vui vẻ, năng giao tiếp với bố mẹ, tiếng Anh nói chưa được nhiều nhưng khá chuẩn.

Ngược với suy nghĩ của chị Hà, không ít ý kiến cho rằng cho con học thêm tiếng Anh ở trường không mấy hiệu quả...

Chị Lan, có con 5 tuổi đang học một trường mầm non trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội than: “Một tháng cháu học 4 buổi ở trường với mức phí là 100.000 đồng, nhưng nhớ từ mới được rất ít...”.

Bà Ngô Hồng Điệp, chuyên gia chương trình tiếng Anh cho trẻ em của một trung tâm dạy ngoại ngữ ở Hà Nội cho rằng, cần có phương pháp phù hợp vì dạy lứa tuổi này khác với so lứa tuổi đã bắt đầu đi học và biết đọc biết viết.

"Với độ tuổi từ 4-6 tuổi, tâm lý lứa tuổi, sở thích và cách trẻ em tiếp cận một ngôn ngữ mới đều khác so với lứa tuổi lớn hơn do đó cần lựa chọn nơi học cẩn trọng hơn so với các độ tuổi khác” - bà Điệp khuyên.

Điều kiện dạy ở trường chưa đảm bảo

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) Phan Thị Lan Anh cho biết: Mọi quy định phải phù hợp tâm sinh lí trẻ em. Ở độ tuổi này, trẻ bắt chước nhanh nhưng điều kiện tại cơ sở giáo dục chưa đảm bảo cho trẻ tiếp cận tiếng Anh như: giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình.

Khi Bộ chưa có chỉ đạo cụ thể thì nhiều nơi liên kết với các trung tâm ngoại ngữ dạy thêm cho trẻ vào thời gian thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, ảnh hưởng tới thời lượng và chất lượng thực hiện nội dung chương trình.

Theo bà Lan Anh, tình trạng liên kết “trăm hoa đua nở” tạo ra nhận định không tốt của phụ huynh về giáo dục mầm non nên Bộ thấy cần phải chấn chỉnh. Khi có nghiên cứu thấu đáo cộng với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đảm bảo, Bộ sẽ xem xét đưa môn này vào trường mầm non.

Trước nhu cầu muốn con sớm học ngoại ngữ của phụ huynh, bà Lan Anh cho rằng: “Chương trình giáo dục mầm non thực hiện 2 buổi ngày. Trẻ phải thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Trong chương trình không đưa ra học tiếng Anh..."

  • Văn Chung