- Hội thảo quản lý các nhóm, lớp mầm non độc lập, tư thục do Bộ GD- ĐT chủ trì diễn ra hôm nay (27/2) với sự tham gia nhiều sở GD-ĐT các tỉnh phía Nam một lần nữa cho thấy việc quản lý nhóm mầm non tư thục, không phép vẫn còn nhiều bất cập.
Không phép: Tăng ồ ạt
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy tại 36 tỉnh thành có hơn 1.272 trường mầm non tư thục trong đó có 110 trường tại các khu công nghiệp.
Ở TP.HCM trước đây phải sử dụng cụm từ “tăng ồ ạt” để mô tả tình trạng mọc lên như nấm sau mưa của nhóm mầm non không phép.
Tính đến cuối năm 2013, TP.HCM có 879 trường tư thục, trong 2 tháng đầu năm 2014 thì tăng thêm 24 trường. Nhóm không phép giảm từ 1021 xuống còn 453 nhóm (gần 8.500 trẻ).
Bình Dương, địa phương có khối lượng các khu công nghiệp lớn, có 347 cơ sở chưa cấp phép, nuôi giữ 7.959 trẻ. Trong số này gần một nửa là nhóm gia đình có quy mô dưới 10 trẻ.
Đại diện thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho hay, địa phương có quá nhiều nhóm trẻ không phép nhưng không thể giải tán. Thành phố này chỉ biết áp dụng cách cấp phép cho các nhóm theo kiểu kí hợp đồng (cấp phép trong 1 năm, rồi lên 3 năm, rồi 5 năm….).
Nhiều thủ tục vướng víu
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc sở GD- ĐT TP.HCM, việc xây trường mầm non trong khu công nghiệp đã được thành phố, chỉ đạo nhưng khi thực hiện lại gặp quá vướng mắc do văn bản, nghị định.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM |
Cụ thể, nghị định 36/2007/NĐ-CP và nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ đều quy định các khu công nghiệp, khu chế xuất không có dân cư sinh sống. Do đó, khi các khu này được Bộ xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động, không có quỹ đất xây trường mầm non.
Có trường hợp chọn được địa điểm xây dựng rồi, nhưng việc xác định ranh đất để xây dựng trường lại quá chậm do vướng thủ tục pháp lý.
"Chỉ đạo của TP.HCM phải quan tâm đến tất cả trẻ, dù có hoặc không có hộ khẩu, miễn các cháu sinh sống trên địa bàn. Thế nhưng cũng tại chỉ thị 20 của UBND thành phố lại đặt ra yêu cầu các quận, huyện kiên quyết đóng cửa các nhóm mầm non không phép. Thực tế thì không thể đóng cửa các nhóm, lớp này", bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cung cấp thêm thông tin.
Theo bà Thanh, hiện mới chỉ quy định nhóm trẻ tối đa cho nhóm lớp mà không quy định nhóm trẻ tối thiểu cho nhóm lớp. Ngoài ra, các tiêu chuẩn chủ nhóm lớp phải “có trình độ văn hóa tốt nghiệp THCS trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất 30 ngày” là quá thấp.
Bà kiến nghị ban hành bổ sung quy chế quản lý trường mầm non ngoài công lập phù hợp với thực tế tại các thành phố lớn.
Đại diện phòng GD-ĐT TP Biên Hòa (Đồng Nai) còn cho rằng, quy định thành lập trường của bộ, hiện quá nhiều rắc rối.
“Theo điều lệ trường mầm non và quy chế hoạt động trường mầm non tư thục, các nhóm lớp ngoài công lập có 50 học sinh phải làm đề án thành lập trường, phòng giáo dục cũng yêu cầu các nhóm này làm đề án nâng cấp thành trường nhưng các nhóm vẫn không thực hiện với lý do chưa đủ và đảm bảo tối thiểu theo quy định".
Bà Phạm Thị Hoài Trang, Trưởng phòng mầm non, Sở GD-ĐT Bình Dương góp ý, Bộ nên ban hành quyết định mới thay thế quyết định 20/2005 về việc phê duyệt đề án “quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục 2005-2010”, vì hiện nay đã sang giai đoạn mới.
Một đề xuất nữa là ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trường tư thục có yếu tố nước ngoài và quy chế hoạt động của các nhóm trẻ gia đình giữ dưới 10 trẻ, tránh tình trạng lúng túng, vướng mắc như hiện nay.
- Lê Huyền