Nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng dường như những đổi mới của Bộ GD&ĐT nhằm tiệm cận hướng bỏ thi thay vì tiến tới một kỳ thi quốc gia mà kết quả đáng tin cậy…

{keywords}

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi môn Hóa tại trường THPT Quang Trung (Hà Nội) năm 2013. Ảnh: Như Ý

Trên trang xã hội của mình, PGS Văn Như Cương cho khẳng định ông không đoán mò khi đưa ra dự đoán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ đạt tỉ lệ đỗ đến 99,9%.

PGS Văn Như Cương phân tích, năm ngoái thi sáu môn bắt buộc (ba môn cố định, ba môn biết trước 2 tháng), năm nay chỉ thi bốn môn, trong đó hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn tùy thích trong sáu môn còn lại. Như vậy năm nay “dễ ăn” hơn năm trước nhiều, do đó nếu năm trước đỗ 98% thì năm nay chí ít cũng phải là 99%.

“Tôi chỉ băn khoăn, càng cải tiến đỗ càng cao như vậy thì thi làm gì nữa? Sao anh phải mất công làm một cái sàng để rồi tất cả gạo thóc trên sàng đều lọt xuống?”

PGS Văn Như Cương chia sẻ

“Nhưng điều này mới quan trọng: Năm ngoái, nếu trung bình một môn thi dưới 5 điểm, chắc chắn trượt, không có cách gì cứu. Năm nay không phải thế, vì có một cái “phao cứu” to đùng là điểm tổng kết lớp 12”, PGS Văn Như Cương nhận xét.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS Văn Như Cương nêu ví dụ, một học sinh có kết quả thi bình quân 3 - 4 điểm/môn vẫn có thể đỗ, nếu như điểm tổng kết trung bình của em đó được 7 hoặc 6. Ai cũng biết kiếm điểm 6 - 7 của lớp 12 là chuyện đơn giản.

“Có câu chuyện đó là bởi Bộ GD&ĐT quy định công thức xét tốt nghiệp là lấy điểm trung bình môn thi cộng với điểm tổng kết cuối năm lớp 12 rồi chia đôi. Dư luận phấn khởi bởi những cải tiến của Bộ đã khiến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn, thậm chí cao đến kịch trần. Tôi chỉ băn khoăn, càng cải tiến đỗ càng cao như vậy thì thi làm gì nữa? Sao anh phải mất công làm một cái sàng để rồi tất cả gạo thóc trên sàng đều lọt xuống?”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.

Lo ngại trào lưu “làm đẹp học bạ”

Đồng cảm với nhận xét trên, thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring, Hà Nội cho rằng quy định mới của Bộ về căn cứ xét tốt nghiệp dễ tạo nên một trào lưu “làm đẹp học bạ”. “Có thể năm nay chưa kịp vì với khối 12 chỉ còn hai tháng nữa là tổng kết năm học rồi nhưng chắc chắn sang năm nhiều trường sẽ “điều chỉnh” theo xu hướng có lợi cho học sinh của mình.

Tôi tin rằng nếu lấy điểm tổng kết khối 12 năm ngoái làm mốc, sẽ thấy điểm các năm sau không ngừng leo thang. Tất nhiên các trường sẽ tìm được cách giải thích “xuôi tai” kiểu như chất lượng dạy học được nâng cao.v.v… nhưng điều đó chỉ càng khiến dư luận hồ nghi về tính khách quan của kết quả đánh giá trong nhà trường”, thầy Đại nhận xét.

Khó đạt mục tiêu tiến tới một kỳ thi quốc gia

{keywords}

Thí sinh so sánh đáp án môn Sinh vật tại trường THPT Việt Đức - Hà Nội năm 2013. Ảnh: Như Ý

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, tinh thần mạnh dạn đổi mới của Bộ GD&ĐT như hiện nay rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên Bộ cần phải đổi mới triệt để hơn. Phương án như hiện nay còn mang tính “nước đôi”, tưởng như mang lại lợi ích cho học sinh nhưng kỳ thực “lợi bất cập hại”.

Nếu như phương án này là một bước tiến nhằm tiệm cận với việc bỏ thi mà chỉ xét tốt nghiệp THPT thì TS Nguyễn Tùng Lâm đồng tình. Nhưng nếu Bộ hướng tới mục tiêu một kỳ thi quốc gia duy nhất làm căn cứ cho việc xét tuyển ĐH thì cần phải xem lại.

“Kỳ thi tốt nghiệp với học sinh năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn, thiết thực hơn, và có vẻ như để cho học sinh có thời gian tập trung học hành đến chơi đến chốn. Nhưng việc xét kết quả học tập lớp 12 trong khi vẫn tổ chức một kỳ thi theo cách thức như mọi năm thì tôi e rằng khó mà có một kết quả đáng tin cậy.

“Tôi chưa đề cập chuyện tiêu cực mà chỉ nói đến tâm lý thông thường của giáo viên là thương học sinh. Chỉ một cái “tặc lưỡi” của họ là dẫn tới bao hệ lụy. Muốn tiến tới một kỳ thi mà kết quả phản ánh trung thực, đủ độ tin cậy để làm căn cứ cho xét tuyển ĐH đừng để giáo viên phải nhận trách nhiệm tham gia định đoạt số phận học sinh của mình”, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Còn ông Nguyễn Tấn Đại, nghiên cứu sinh ngành Khoa học Giáo dục, Đại học Strasbourg, Pháp nhận xét công thức tính điểm xét điểm tốt nghiệp có ba nhược điểm cơ bản: Không đảm bảo tính công bằng về chất lượng giáo dục ở cấp độ quốc gia; Giảm nhẹ vai trò đánh giá của một kì thi bị làm phức tạp lên; Tạo thêm cơ hội cho “căn bệnh nan y” dạy thêm, học thêm hoành hành.

"Ở những nơi mà dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn hay nỗi bức xúc của cộng đồng, rất dễ dàng thấy có nhiều thầy cô giáo đã lạm dụng quyền đánh giá, cho điểm học sinh để ép các em đi học thêm môn của mình, mà không có bất cứ công cụ kiểm soát hữu hiệu nào để giới hạn tình trạng lạm quyền này…

Đó là chỉ mới nói đến điểm số của từng bài kiểm tra qua từng học kì. Nếu quyền “sinh sát” ấy còn góp phần vào đến 50 % cơ may tốt nghiệp của học sinh, tình trạng lạm quyền vô kiểm soát ấy sẽ còn đi đến đâu?”, ông Đại e ngại.

Ông Đại cũng cho rằng phương án thi tốt nghiệp năm 2014 của Bộ GD&ĐT không cho thấy sự đồng bộ trong xu hướng cải cách thi cử. Thực tế cho thấy việc làm “đẹp” học bạ hiện nay khá dễ dàng, nếu thi tự chọn hai môn và dùng điểm trung bình năm học lớp 12 để xét tốt nghiệp thì nhu cầu sửa học bạ tăng lên là tất yếu.

(Theo Qúy Hiên - Tiền Phong)