- Hiệu trưởng Trường TH Thành Công B, quận Ba Đình, Hà Nội mong muốn chất vấn TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm HN) về kiến nghị bỏ luyện chữ đẹp.

“Tôi biết tiến sĩ Hương là người có tâm huyết, thương trẻ và có chuyên môn tốt” - Hiệu trưởng Trường TH Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) Phạm Thị Yến tâm sự. "Nhưng đọc bài phỏng vấn tiến sĩ Hương trên VietNamNet, tôi cho rằng cô Hương không nắm chắc về chương trình tiểu học".

{keywords}
Giáo viên hướng dẫn học sinh tập viết. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung)

Những phản ánh của tiến sĩ Hương về việc rèn chữ tiểu học nặng nề, tính nhẩm nhanh là không cần thiết. Nhưng thực tế chương trình tiểu học đâu có nặng nề chuyện luyện, rèn chữ. Việc tính nhẩm cũng đâu vất vả gì.

Tập viết và chỉnh tả trong nhà trường tiểu học mang tính vừa sức, chỉ là một phần nhỏ trong môn tiếng Việt. Một tuần học sinh lớp 2, lớp 3 chỉ học tập viết 1 tiết trong vòng 35 phút. Việc tính nhẩm nhanh là phần nhỏ học ở lớp 3, lớp 4. Các bài học khá thực tế và nhẹ nhàng.

Câu nói “nét chữ nết người” đến giờ vẫn đúng. Từ xưa, việc rèn chữ giữ vở đã được coi trọng. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, thời kỳ cải cách chữ viết đẹp bị xem nhẹ. Sau đó, chúng ta lại khôi phục rèn chữ viết cho học trò vì thấy cần thiết.

Ở bất cứ thời đại nào, dù máy tính có tốt đến đâu người viết chữ đẹp vẫn cần thiết, không thể xem nhẹ. Vấn đề chỉ là ta đừng quá xem trọng, đặt nặng vấn đề vào các cuộc kỳ thi đua lấy thành tích rồi làm khổ học sinh.

Nhưng với chương trình tiểu học như vậy, muốn cắt xén để dành thời gian cho tập viết, rèn chữ đâu phải đơn giản. Tôi cho những trường hợp như vậy chỉ là cá biệt mà thôi.

Tôi mong muốn chất vấn cô về kiến nghị này.

 TS Vũ Thu Hương: Giáo dục tiểu học thiếu trầm trọng về kỹ năng sống

Phản hồi ý kiến của bà Yến, TS Vũ Thu Hương cho biết:

Ý của tôi chỉ là mong muốn bỏ luyện chữ đẹp. Có thể đúng như cô Yến nói, việc này ở trường tiểu học Thành Công B không nặng nề, nhưng giáo dục tiểu học hiện thiếu trầm trọng về kỹ năng sống. Để cần nhắc nên dạy luyện chữ hay kỹ năng sống trước, tôi nghĩ mọi người sẽ chọn cái thứ hai.

Thời gian 35 phút cho 1 tiết học có thể không nhiều, nhưng nếu thay 35 phút dạy viết chữ bằng dạy kĩ năng sống thì trẻ được nhiều hơn rất nhiều, ví dụ như kỹ năng thoát hiểm chẳng hạn.

Nhiều nơi vì phong trào "Vở sạch chữ đẹp" mà môn phụ chỉ tập trung luyện chữ hay học toán. Đưa ra kiến nghị này, tôi muốn giảm tải cho chính thầy cô và chỉ mong muốn điều chỉnh một chút chương trình để học sinh hưởng lợi nhiều hơn”. 

  • Văn Chung (Ghi)