- Sau bài viết “3 “chưởng ngại vật” khi triệt bằng rởm”, độc gải Vietnamnet đã gửi rất nhiều ý kiến đồng tình cũng như chia sẻ chi tiết hơn về tình trạng bằng cấp rởm trong thực tế, và đưa ra những kế sách triệt tiêu bằng rởm, cho dù vẫn rất đồng tình với GS Hoàng Tuỵ rằng với thực trạng hiện nay “chữa bệnh bằng giả, bằng rởm là vô phương”.

{keywords}
Ảnh minh họa

Gian dối là bình thường

Anh Hồ Đình Khai (khaigdtx@...) chỉ rõ “Trong chủ trương đào tạo còn có kẻ hở cho những kẻ trục lợi, gian dối. Tôi lấy ví dụ: Đưa môn tin học, ngoại ngữ là những môn học bắt buộc vào chương trình học như các môn học khác. Có học phần, tín chỉ, số tiết, có thi cử, có điểm như các môn khác. Tại sao lại tách hai môn này ra, thành ra học viên tìm cách đi mua chứng chỉ thôi. Bỏ tiền ra thì khỏe hơn học. Học là một hoạt động trí tuệ gian nan, vất vả, cực khổ. Để tránh cái sự vất vả đó người ta tìm con đường mua bán là đương nhiên thôi”.

Độc giả Lương Văn Xuân (luongvanxuan68@...) cho rằng “bây giờ nhiều người còn tệ hại đến mức tự hào vì mức độ gian dối của mình thuộc hạng siêu sao. Họ thậm chí nhìn bằng nửa con mắt và khinh miệt những người thật thà ngay thẳng là dại”.

“Tính gian dối hiện nay là chuyện bình thường. Nếu không kịp thời ngăn chặn, nó còn trở thành một nét văn hóa mới của người Việt” - Phan Anh Nga (ngaphan0470@...) bày tỏ quan điểm. “Hiện nay, nhiều người đạt được chức quyền nhờ tính gian dối này. Sau khi toại nguyện, loại người này thường ung dung tự đắc rằng mình có tài hơn người. Anh em đồng nghiệp cũng cho rằng, anh ấy tài. Nguy hại hơn là cha mẹ cũng mãn nguyện rằng con mình như thế là giỏi. Anh em trong nhà còn coi thường những ai không biết" luồn lách lươn lẹo lại lên lương"”.

Một thực trạng được độc giả Vũ Chiêu Hương (vuchieuhuong@...)nêu ra: “Có thể nói rằng "gian dối ở Việt Nam đã trở thành phổ biến, trước hết từ quan chức. Từ quan chức cấp cao trong tỉnh, đến huyện. Nếu làm cán bộ mà không biết nhậu thì vứt. Tiền đâu nhậu hả, một chai rượu có thể bằng vài tấn lúa của nông dân, rượu đó vẫn tràn lan, ai uống, quan chức còn ai, ngẫm mà chỉ khổ cho người dân ...Lên bục giảng thì thao thao bất tuyệt, xong lại đòi đi nhậu, nói không hề thấy sượng miệng...”.

Người nước ngoài kinh ngạc

“Đây là hiện tượng "lưu manh hóa trí thức" vô cùng nguy hại cho xã hội” - Độc giả Thanh Bình (cambinh1976@...) kết luận về tình trạng “bằng rởm đang được sử dụng ở khắp nơi và nó đã len lỏi đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội”.

Độc giả Mỵ Nương (tranminhhuy77@...) chia sẻ một “điển hình”: “Ở cơ quan tôi một người có bằng thạc sỹ mà không làm được gì, suốt ngày chỉ "điếu đóm" cho các sếp rồi đi tiếp khách, nhậu nhẹt quan hệ tay trong tay ngoài. Khoảng 5 năm mua được oto rồi”.

Anh Trần Minh (minhtran@...) cho biết: “Tôi biết 1 tập đoàn đa quốc gia khoảng 400.000 nhân viên, doanh thu chừng 300 tỷ đô/ năm. Họ chỉ có 1 tiến sỹ ở bộ phận nghiên cứu vật liệu mới. Công ty họ ở Việt Nam sẽ từ chối tuyển dụng nếu ai có bằng cử nhân lại trang bị thêm bằng thứ 2 và bằng thạc sỹ. Đơn giản là họ đánh giá người này không có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp. Chính phủ của họ hầu như không có người có học vị trên đại học. Còn ở ta thì sao: cục trưởng cục thuế, giám đốc sở, vụ trưởng, vụ phó, thứ, bộ trưởng.... Bằng tiến sỹ, thạc sỹ là phổ biến. Chuyên gia nước ngoài rất kinh ngạc về hiện tượng kỳ lạ này”.

Hiến kế chống bằng rởm

Theo độc giả Lê Phương (phuongled@...) thì “Rất đơn giản là khi nào chống được tham nhũng thì khi đó mới chống được nạn bằng giả”.

Anh Nguyễn Đức Vinh (vinhnd09@...) cũng cho rằng đây là việc… không khó: “Cứ phân cấp trách nhiệm rạch ròi ra thì khắc rõ ai giả ai thật, mà thật hay giả thì có quan trọng hơn hoàn thành nhiệm vụ theo vị trí công tác không? Người đứng đầu phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về đội ngũ cộng sự mà chính mình đã ký hợp đồng với họ. Đặc biệt vị trí người đứng đầu phải được cạnh tranh công bằng với nhiều tiêu chí như chất lượng công việc, khối lượng công việc và tiến độ hoàn thành, chi phí hoạt động kèm theo mức lương tối thiểu của người lao động, phải luôn luôn đối mặt với tình huống sẽ bị thay thế khi có người chứng minh được họ sẽ làm tốt hơn”.

Độc giả Nguyễn Thị Bích (bich130457@...) nhận định “Chống bằng rởm phải xuất phát từ cấp lãnh đạo. Vì chỉ có con cháu lãnh đạo học cho cốt có bằng. Còn con dân nghèo hoặc học cẩn thận - bằng thật, hoặc không học - không có bằng”.

“Tôi nghĩ nên khoán quỹ lương cho các đơn vị, cho thủ trưởng đơn vị tự quyết trả lương, thưởng cho nhân viên, thủ trưởng có thể nhận nhân viên hoặc sa thải nhân viên một cách đơn giản. Như vậy thủ trưởng sẽ cân nhắc khi nhận người không làm được việc” – đây là đóng góp của độc giả Hoàng Văn Thể (thehv_tnn04@...).

“Kế sách” của độc giả Trần Phương (phuongcham06@...) là “Nếu bằng cấp chỉ có mỗi giá trị xác định sự nỗ lực trong học tập và nghiên cứu khoa học, nó không được đưa ra làm tiêu chí quan trọng cho bổ nhiệm chức tước thì vấn nạn chạy bằng sẽ chấm dứt!”.

Với độc giả Amy (maianhtc5@...) thì lại “Không thể trông đợi vào chính sách hay một ai khác, mỗi gia đình, mỗi con người phải tự nhìn lại mình, quyết tâm rèn luyện, nâng cao đạo đức và răn dạy con cháu. Được vậy, không chỉ nạn bằng giả mà các nạn khác...cũng bị dập tắt trong thời gian không xa”.

  • Ngân Anh tổng hợp