- Theo đề án tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM, thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc là Toán - logic và Tiếng Việt, được chọn một trong ba môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hoặc Ngoại ngữ.

Là một cơ sở đào tạo đại học có nhiều trường, khoa thành viên, ĐHQG TP.HCM dự kiến áp dụng phương thức tuyển sinh này để chọn sinh viên phù hợp, đảm bảo tính tự chủ của các trường.

Đề án được công bố ngày 7/3, đã đề xuất thống nhất một kỳ thi, trong đó có các môn thi cơ bản (bao gồm kiến thức và năng lực tư duy) để đánh giá năng lực của thí sinh.

Theo đề án, việc đánh giá năng lực thí sinh sẽ dựa chủ yếu vào trắc nghiệm thành quả học tập. Các câu hỏi được xây dựng trên cơ sở chương trình trung học phổ thông. Bên cạnh đó, bổ sung thêm một phần gồm các câu hỏi trắc nghiệm năng lực.

{keywords}
Mô hình tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM đề xuất: kết hợp đánh giá và xét tuyển


Các môn thi được cơ cấu lại bao gồm: Toán & Logic, Tiếng Việt, Khoa học tự nhiên (liên quan đến các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (liên quan đến các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ (liên quan đến một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức).

- Các đề Toán-logic và Tiếng Việt sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan kèm phần tự luận ngắn. Phần tự luận của đề Toán nhằm đánh giá năng lực suy nghĩ chính xác và kỹ năng tính toán trong các vấn đề toán học. Phần tự luận của đề Tiếng Việt nhằm đánh giá năng lực xây dựng ý tưởng, khả năng diễn đạt cũng như vốn từ ngữ tiếng Việt (sẽ có quy định để thí sinh viết không quá dài).

- Các đề Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội được ra dưới dạng tích hợp các môn tương ứng Vật lý, Hóa học, Sinh học và Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan.

- Các đề Ngoại ngữ có hình thức câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

- Mọi thí sinh đều phải thi hai môn công cụ là Toán - logic và Tiếng Việt, và được chọn một trong ba môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hoặc Ngoại ngữ tùy theo các lĩnh vực đào tạo, dựa vào quy định của các trường đại học.

Sau khi sơ tuyển, thí sinh dựa vào kết quả 3 môn chính nói trên (có thể theo một tổ hợp có hệ số), các trường có thể xét tuyển kết hợp với các thông tin khác hoặc tổ chức thêm một kỳ đánh giá chung tuyển bằng phương pháp tự luận hoặc vấn đáp (vì số thí sinh đã qua sơ tuyển là không quá đông). Nếu 3 môn chính không có môn Ngoại ngữ thì thí sinh có thể thi thêm môn Ngoại ngữ như là môn nhiệm ý, để cộng điểm vào tổng các môn thi.

Theo lý giải của ĐHQG TP.HCM, các môn thi lựa chọn như trên vừa thỏa mãn được yêu cầu chung của mọi phương hướng học thuật là khả năng sử dụng ngôn ngữ và tính toán thông dụng, vừa đáp ứng được hai hướng lớn quan trọng về ngành nghề là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Phần tự luận ngắn trong hai đề Toán - logic và Tiếng Việt vừa giúp đánh giá thêm khả năng viết và giải quyết vấn đề của thí sinh, đồng thời không đòi hỏi quá tải trong việc chấm các bài tự luận. Việc qui định viết ngắn đối với câu hỏi Tiếng Việt buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận nhằm lựa chọn bố cục, cân nhắc chín chắn khi diễn đạt để thể hiện khả năng viết cô đọng.

Việc lựa chọn các môn thi như trên cũng làm cho học sinh trung học phổ thông không học lệch, tạo được các định hướng chung nhất về ngành nghề của bản thân trong tương lai.

Các trường được tự chủ trong quá trình xét tuyển. Việc xét tuyển được thực hiện dựa trên các tiêu chí: kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và các tiêu chí khác do từng trường qui định: kết quả học tập THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, thành tích các hoạt động ngoại khóa, bài luận, phỏng vấn, đánh giá của thầy cô, cá nhân hoặc đơn vị về học sinh, …).

ĐHQG TP.HCM dự kiến áp dụng cách này trong kỳ tuyển sinh năm 2015.

ĐHQG TP.HCM đang đào tạo ở 89 ngành/nhóm ngành, có 84 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 108 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Cơ sở đào tạo này có hơn 5.600 cán bộ, viên chức, trong đó có 249 Giáo sư, Phó giáo sư, gần 1.100 tiến sĩ, khoảng 1.900 thạc sĩ.

  • Song Nguyên