Có rất nhiều vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại hội nghị góp ý cho Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 8/3. Các ý kiến cho thấy Ban soạn thảo đề án còn rất nhiều việc phải làm trước khi trình Quốc hội.

“Càng nghe càng thấy rối bời” là nhận xét của không ít đại biểu tham dự hội nghị. Theo ông Lê Kim Long, hình như chúng ta thống nhất mục đích nhưng khác nhau về cách tiếp cận, về hành động. Điều này dễ dẫn đến mâu thuẫn về hành xử”....

Xây nhà không có thiết kế

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng dự thảo đề án gần như chưa “sờ” đến cấu trúc hệ thống giáo dục. “Bập ngay vào xây dựng chương trình và SGK giống như xây nhà mà không có thiết kế” – ông Nhĩ nhận xét.

{keywords}

Sau năm 2015, học sinh sẽ có bộ SGK mới đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ” và “dạy người”. Ảnh: Ngọc Châu.

“Trong Đề án việc phân ban ở THPT chia 2 ban tự nhiên và xã hội, cần có ít nhất thêm ban kinh tế. Số học sinh mong muốn học về các ngành kinh tế và nhu cầu xã hội về lĩnh vực này ít nhất cũng đến hơn 30% người lao động. Thời gian học ở bậc THPT có cần đến 3 năm hay chỉ 2 năm là đủ. Mặc dù trong Nghị quyết 29 vẫn ghi trước mắt giữ hệ thống giáo dục như hiện nay nghĩa là bậc THPT là 3 năm. “Trước mắt” nên xác định là bao nhiêu năm. Đề án đổi mới chương trình để phục vụ mục tiêu lâu dài chứ đâu phải phục vụ cho trước mắt” – ông Nhĩ đề xuất.

Vấn đề một chương trình nhiều bộ SGK cũng được các chuyên gia đề cập tới. Ông Hoàng Văn Vân, chủ nhiệm Khoa Sau ĐH (ĐHQG Hà Nội) nhận xét  “Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta dự định tuyên bố chính thức chủ trương này. Chúng tôi đề nghị Nhà nước chính thức hoá chủ trương này, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để toàn dân, các cơ quan và những ai quan tâm biết, tránh gây xôn xao trong dư luận”.

Nước nghèo mà thay đổi liên tục sẽ lãng phí

Trong mục VI “Tổ chức thực hiện đề án” của dự thảo nêu rõ lộ trình thực hiện đề án sẽ kết thúc vào năm 2022 (8 năm nữa). Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương, “theo kinh nghiệm đã từng có, tôi nghĩ rằng có thể sẽ phải kéo dài đến năm 2024, tức là 10 năm nữa mới xong công việc”.

“Theo tôi, 10 năm để chúng ta làm một sự thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là một thời gian quá dài, khó chấp nhận được. Thời gian đó có thể có đến 2, thậm chí là 3 vị bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục và có nghĩa là phải thay tổng chỉ huy đến mấy lần. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao hơn cũng đã thay đổi…" - ông Cương nói.và đề nghị đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới này.

Ông Cương cũng nhấn mạnh tới việc cần tổ chức “Trại viết SGK”. Với cách này, ông Cương tin chắc sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần theo cách làm việc trước đây. Đồng thời, ông Cương đề nghị nên thay sách đồng loạt ngay từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ mất 1 năm, thay vì thay sách kiểu “cuốn chiếu” mất 5 năm thay xong.

Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) Nguyễn Tùng Lâm cũng đề nghị rút ngắn lộ trình thực hiện đề án. Ông đề nghị “đề án cần xác định các mốc thời gian hoàn thành của từng công việc mà đề án đã nêu ra, sao cho đến hết tháng 6/2019 phải hoàn thành việc Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về kế hoạch và nội dung triển khai thực hiện chương trình và SGK mới”.

Theo ông Lâm, với mốc thời gian như vậy là ta đã mất 5 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng (tháng 6/2014) mới đưa được chương trình, SGK vào thực hiện trong khi đó theo “Xu thế quốc tế về xây dựng chương trình và SGK” thì “Chu kỳ phát triển chương trình giáo dục phổ thông ngày càng rút ngắn… từ 10 năm cuối thế kỷ XX nay chỉ còn 5 – 6 năm, thậm chí ngắn hơn” – như chính dự thảo Đề án đề cập tới.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTN&NĐQH cũng cho rằng một đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm với rất nhiều công sức và chi phí như đề án này mà tồn tại trong khoảng thời gian 5 – 6 năm thì rất lãng phí.

“Một nước còn nghèo như nước ta khó có thể liên tục thay đổi chương trình, SGK như vậy. Theo tôi, đề án cần đưa ra được giải pháp thiết kế chương trình,SGK mới thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng này”.

Nên tiết kiệm?

Đại diện đến từ ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh đặt vấn đề đổi mới chương trình và SGK có quan trọng đến mức như vậy không?

“Vừa có nghị quyết 29 mà lại bập vào ngay làm chương trình và SGK mới xã hội sẽ cho đó là đòn bẩy để đổi mới toàn diện giáo dục” – ông Nguyễn Hồng Minh, hiệu trưởng nhà trường nhận xét.

“Vấn đề là tư duy của người sử dụng chương trình. Bác Hồ trước đây dạy người nào có súng dùng súng, có gươm dùng gươm…Thay đổi tư duy thì với chương trình và SGK hiện tại cũng dùng được. Không thay đổi tư duy thì có dùng đại bác cũng chỉ để đi cày. “Nhưng vấn đề đã đặt ra thì vẫn phải làm, vì vậy tôi đề nghị xem xét, kế thừa chương trình và SGK cũ, làm nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn, kịp tình hình giáo dục đang tiến triển rất nhanh để đầu tư làm việc khác như tư duy lại, đào tạo bồi dưỡng giáo viên…”.

Ông Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên (ĐHQG Hà Nội)  cho rằng “Giải pháp tích hợp – phân hoá trên thế giới đã là “của chung”. Vì vậy nên tiết kiệm những gì thế giới đã có. Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên hay ngoại ngữ có thể lấy luôn từ một bộ sách và chỉ cần Việt hoá lại”.

Ý kiến này cũng được GS Trần Xuân Nhĩ đồng tình. Theo ông Nhĩ, đề án không khẳng định việc Việt hoá SGK nước ngoài. “Sao phải viết lại từ đầu đến cuối cho tốn kém?”.

  • Chi Mai

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Về việc phải có hệ thống xác định trước, Nghị quyết của T.Ư đã khẳng định trước mắt giữ nguyên hệ thống giáo dục như hiện nay. Nhưng Nghị quyết cũng khẳng định sẽ phải có sự thay đổi.

Nghĩa là giáo dục đến hết THCS là xong nền tảng kiến thức phổ thông. Giáo dục trung học phải tiếp cận nghề nghiệp và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục sau phổ thông.

Về xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT hướng đến xây dựng chương trình khung thiết kế chung, sau đó có chương trình chi tiết, chương trình cho các bộ môn, chương trình cho các hoạt động.