- Muốn cô vợ “danh gia vọng tộc” sinh cho mình tới 4 người con; quản lý một học viện âm nhạc hơn 300 học viên mà số lượng con nhà nghèo chắc… không cần đếm; không tiêu tiền của bố mẹ từ năm 19 tuổi; giỏi từ việc học kinh tế cho tới rửa bát dọn nhà…

Chừng đó khiến Thanh Bùi cảm thấy mình đã “già lắm rồi”.

 

{keywords}

Hy vọng âm nhạc sẽ như…. tiếng Anh

Ngày càng có nhiều chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng âm nhạc “nhí”. Anh có cho rằng đây là những cơ hội mở ra cho trẻ nhỏ, hay ít nhất là cho học viên của mình có cơ hội ghi danh vào showbiz?

-Tôi thấy rằng tỉ lệ trẻ thành công sau những gameshow ở truyền hình rất nhỏ.

Quá nhiều chương trình không phải là điều hay. Trẻ nhỏ phải có thời gian để “thở”, có thời gian để được đào tạo. Nếu bắt các em “chơi” khi còn quá non sẽ không có được thành công, như trẻ 5 tuổi bắt học toán lớp 10.

Những chương trình đó chỉ nên nằm ở phương diện khuyến khích các em chia sẻ chia sẻ đam mê. Không nên đo đếm, tìm kiếm thành công từ những chương trình này.

Phải có thời gian cho trẻ phát triển, thử thách, vấp té, đứng dậy lại. Từ Michael Jackson, Adele, Beyoncé… phải trải qua rất nhiều khó khăn mới có thành công. Tôi thấy Việt Nam đang rất thiếu những tấm gương như vậy.

Các cuộc tranh luận về ca sĩ nhí dường như chưa bao giờ kết thúc. Theo anh, việc nắm bắt khi cơ hội đến có đồng nghĩa với việc đánh mất tuổi thơ?

-Tôi thấy rằng có thể có được cả hai thứ, cả cơ hội lẫn tuổi thơ, nhưng việc gì cũng phải đúng lúc.

Với học sinh của mình, tôi giao hẹn không học giỏi tôi không dạy nhạc. Làm nghệ thuật là làm cả đời. Tôi muốn các em làm gì đó sâu sắc hơn là mì ăn liền - tôi không cho phép, dù điều đó tôi có thể dễ dàng làm cho các em. Tôi bảo học sinh “Thầy đã học đại học, đã cưới vợ, đã trải qua nhiều thứ, nên thầy hiểu được thành công sẽ đến, nhưng phải đúng lúc. Nếu quá hào hứng, nhảy ngay vào có thể thành công được 6 tháng, một năm… nhưng còn, cứ cho là, 90 năm nữa thì sống để làm gì?”

Và học sinh của tôi cũng phải chọn con đường này một cách tự giác, với đam mê thật sự. Tôi không vẽ đường cho học sinh đi.

Các gameshow nói chung và âm nhạc nói riêng hiện nay thường vẽ ra một giấc mơ đổi đời, giành giải cao xây nhà sắm sửa được cho bố mẹ… Trong khi thực tế, nhà nghèo thì đừng mơ học nhạc rồi thi thố?

-Tạo nhiều hơn cơ hội cho trẻ em được tiếp xúc âm nhạc, hoạt động chia sẻ tới những nơi chưa có âm nhạc là những dự tính trong tương lai gần của tôi.

Ở nước ngoài 100% trẻ em học nhạc, vì người lớn thấy được tầm quan trọng của âm nhạc.

Còn ở Việt Nam, có thể so sánh việc học nhạc với học tiếng Anh. Hiện nay, phụ huynh thấy tầm quan trọng của tiếng Anh nên cho con đi học, kể cả phụ huynh không giàu cũng cho con đi học tiếng Anh. Âm nhạc chưa được như vậy. Mình cần thêm thời gian. Đến lúc mọi người đều đã có thể nói tiếng Anh thì khi tìm việc - ai cũng có bằng đại học, ai cũng nói được tiếng Anh - ăn nhau sẽ ở chỗ sáng tạo. Mà sáng tạo đến từ âm nhạc, từ nghệ thuật. Tôi tin là sẽ có ngày đó.

Tôi kiếm cái bằng đại học cho…. bố mẹ

Điều mà nhiều người thấy kỳ lạ nhất ở Thanh Bùi có lẽ là tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành… thương mại điện toán. Tại sao anh có tấm bằng “hay” vậy?

-Mẹ muốn tôi làm bác sĩ, ba muốn tôi làm luật sư, vì kết quả học tập ở phổ thông của tôi khá cao. Biết con trai mê nhạc, ba mẹ đã cảnh báo: “Nếu không học đại học, ba mẹ sẽ từ con”.

Không còn cách nào tôi đành đi học đại học, coi như kiếm cái bằng… tặng cho ba mẹ, chứ tôi đã sớm xác định là theo con đường âm nhạc từ lâu rồi.

Mất một công học, sao anh lại chọn ngành như không liên quan tới âm nhạc?

-Tôi chọn ngành đó vì học có 4 năm, có thể học dồn, rút lại thành 3 năm. Học nhanh cho xong còn đi làm nhạc.

Thứ hai là tôi được nhận suất học bổng toàn phần chuyên ngành cử nhân Thương mại điện toán tại đại học Swinburne, Melbourne. Học không mất tiền nên đi học thôi.

Học nhạc từ nhỏ nhưng học văn hoá cũng giỏi. Không tha thiết với ngành học nhưng lại tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân loại giỏi. Anh thấy mình được gì khi học đại học, ngoài tấm bằng?

-Tôi hiểu vì sao ba mẹ bắt tôi học đại học. Tôi học cho được ý thức, kiến thức để sống, nhất là trong kinh doanh, cái học được đầu tiên là… “tiền đâu”. Nhờ những kiến thức kinh tế, tôi có thể kiềm chế cái tôi nghệ sĩ của mình trong kinh doanh cũng như quản lý trường âm nhạc sau này.

Tôi vừa học văn hoá tốt trong khi say âm nhạc, bởi vì tôi hiểu được tầm quan trọng của đi học.

Tôi còn rèn được cách tập trung, không bị chi phối. Đó cũng là thói quen tôi đã được bố mẹ dạy cho từ nhỏ: Muốn làm tốt nhất một việc thì tốt nhất không nên làm quá nhiều việc cùng lúc, để có được sự tập trung cao nhất.

Vậy thì, anh nhận xét gì về các bạn trẻ hiện nay - những người đang nghe nhạc của anh?

-Giáo dục của Việt Nam rất khác, cha mẹ quá thương yêu chăm bẵm con cái.

Ở nước ngoài 18 tuổi thanh niên đã ra ngoài sống. Từ năm 19 tuổi tôi chưa nhận một đồng từ gia đình. Tất cả những gì tôi có được cho tới lúc này đều do tôi tự làm ra.

Tôi đã trải qua giai đoạn bán từng món đồ để có tiền đi Mỹ, kiếm từng vài đô la dạy học nhạc mỗi giờ để mua nhà. Tôi tin rằng khi hiểu được đồng tiền, tự tạo ra đồng tiền sẽ quý nó hơn. Nghe những câu chuyện bạn trẻ phá tiền mà tôi không thể hiểu nổi. Có bắt tôi làm thử, tôi cũng chịu.

Không biết “phá tiền”, vậy ngoài âm nhạc ra, anh giỏi nhất việc gì?

-Là làm việc nhà, thật đấy.

Tôi là một người giúp việc giỏi lắm nhé. Nấu ăn, dọn nhà, thay ga giường… tôi làm được hết. Tôi còn thích rửa chén. Sở dĩ tôi biết làm là do hoàn cảnh gia đình trước đây, ba đi làm 8, 9 tiếng, mẹ may vá cả ngày kiếm tiền nuôi gia đình, nên các con làm việc nhà là đương nhiên.

Và tôi cũng giỏi… may vá nữa. Trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 tuổi, “chuyên môn chính” của tôi là may túi quần. Mỗi túi được 1 xu, may một tối tôi đủ tiền mua một bịch kẹo.

Tôi đã từng làm rất nhiều thứ, nên mới 31 tuổi mà tôi thấy mình như đã già lắm.

Muốn vợ sinh tới tận 4 đứa con cho mình, anh định nuôi dạy con theo kiểu nào, “tây” hay “ta”, hay “tây” “ta” lẫn lộn?

- Nếu mà… sinh con hộ được, tôi nhất định làm đỡ cho vợ.

Tôi nghĩ rằng, cái gì cũng có giai đoạn của nó. Khi người phụ nữ của mình hy sinh cho mình tới mức ấy, thì đến lúc nào đó người đàn ông phải đổi vai trò “nuôi con” cho người phụ nữ, để họ bắt đầu lại sau thời gian dành cho con cái, gia đình

Ai cũng có những ước mơ của mình. Một gia đình hạnh phúc là cả hai vợ chồng cùng thực hiện được ước mơ. Và tôi không thích để người phụ nữ của mình phải nói, vì chồng con mà họ không làm được.

Nếu để việc này xảy ra, đến một lúc nào đó, người phải lãnh hậu quả sẽ là chính những đứa con của mình. Bởi lẽ, nếu bố mẹ chúng không có được một đời sống phóng khoáng thì con cái họ cũng khó mà sống phóng khoáng được, và theo tôi, đó là một trong những thiệt thòi lớn nhất của đời người.

Và tôi cũng có thể hứa chắc rằng: Vợ con tôi sẽ không bao giờ phải thấy tôi về nhà trong tình trạng say xỉn, nôn ói. Đó là hình ảnh mà tôi không bao giờ muốn xuất hiện trước vợ con mình, dù với bất cứ sự biện minh nào.

Xin cảm ơn anh.

  • Chi Mai thực hiện