- Họ là những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, nghèo về vật chất nhưng thật giàu tình cảm. Sự thật thà, tử tế của họ đã dạy cho thầy trò Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) những bài học không lời.

Cuốn sổ đặc biệt

Những buổi trưa ở lại trường, hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh thường dành thời gian ăn trưa để chuyện trò, nắm bắt tâm tư tình cảm cùng các học sinh bán trú và các cán bộ công nhân viên trong trường.

Từ một lần lên với nơi nghỉ của tổ lao công nhà trường ở tầng 5 nhà N1, bà tình cờ phát hiện ra những cuốn sổ đặc biệt này.

{keywords}
Cuốn sổ đặc biệt của các cô lao công Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội).

Trong sổ là những dòng chữ cẩn thận ghi chép về những món đồ mà các cô lao công đã nhặt được ở các lớp học khi quét dọn sau giờ học và chữ kí của các bạn học sinh và cán bộ giáo viên khi nhận lại đồ.

Những thông tin như đồ thất lạc, đặc điểm, nơi tìm thấy, người tìm thấy... đều được lưu lại rất chi tiết. Gây xúc động là những dòng chữ chan chứa niềm hạnh phúc của các bạn học sinh khi được trả lại món đồ yêu quý của mình…

Cô Hồng tổ trưởng tổ lao công cho biết việc nhặt được của rơi trả lại người mất các cô đã thực hiện suốt bao nhiêu năm nay, giờ mới nghĩ nên làm cuốn sổ để ghi lại những kỉ niệm này. Sổ mới làm hơn 1 năm nhưng đã có hơn 400 lượt của rơi được trả về cho thầy trò bị mất được thống kê.

Đồ học sinh hay bỏ quên là điện thoại, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ,… Nhiều trong số ấy là những món đồ có giá trị lớn hơn nhiều so với thu nhập hàng tháng của các cô.

Cô Vân (một thành viên của tổ) nhớ lại một lần nhặt được một chiếc điện thoại, khi cô trả cho bạn học sinh bị mất, bạn cứ ôm cô cảm ơn ríu rít. “Ôm chặt như thế này này. Mà là con trai nhé! Cảm động, quá cảm động!”- cô vừa diễn tả lại động tác vừa nói.

Hỏi động lực nào để các cô làm một công việc tận tâm như vậy, cô Hồng cười giản dị: “Vì những đồ dùng của các con rất quan trọng. Và cũng là tấm lòng chân thành của các cô, là sự ý thức về tính trung thực, thật thà, không được gian dối. Khi trả đồ cho các con, các cô cảm thấy rất vui và thanh thản lương tâm”.

CLIP: HÌNH ẢNH XÚC ĐỘNG CỦA TỔ LAO CÔNG

Quà học sinh dành tặng các cô chỉ đơn giản là gói bim bim, những cái ôm thật chặt nhưng hơn hết là sự quý trọng, thương yêu. “Giờ hễ trò nào mất đồ thì việc đầu tiên các em nghĩ tới là tìm các cô lao công” – hiệu trưởng Thu Anh tâm sự.

Bữa cơm ăn từ đồ thừa

Tổ lao công ở Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành hiện có gần 10 thành viên. Các cô đều đã làm việc ở trường lâu năm, như cô Hồng cũng đã gắn bó ở đây gần 9 năm.

{keywords}
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh bên tổ lao công.

Ngoài cô Hồng là Tổ trưởng làm việc theo giờ hành chính, còn lại các cô đều làm theo ca. Ca sáng bắt đầu từ 6h đến 14h, ca trưa từ 13h đến 20h30. Nếu làm ca sáng thường phải đi từ sớm, còn nếu làm ca chiều thì lại về rất muộn.

Cô Duyên nhà xa ở tận Phúc Thọ, thời gian đi về thường kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, nên tối nào cũng gần 22h mới về tới nhà. Ngoài giờ làm ở trường, nhiều cô vẫn đi cấy, vẫn tra ngô, vẫn trồng đó.

Hợp đồng mỗi tháng thu nhập trên dưới 3 triệu đồng nên ai cũng tằn tiện chi tiêu. Bưa trưa ở trường, các cô gom thức ăn còn lại của học sinh vào mấy cặp lồng rồi mang lên tầng 5 nhà N1 ăn để tiết kiệm 30.000 đồng/suất cơm.

Cuộc sống vất vả nhưng như lời hiệu trưởng Thu Anh: “Sự thật thà, tử tế của họ đã dạy cho thầy trò Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) những bài học không lời thật xúc động. Họ xứng đáng được tri ân”.

  • Văn Chung (Nguồn clip: CLB phóng viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành)