- Từng có Huy chương vàng trong hai kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á và Olympic Vật lý quốc tế năm 2013, Bùi Quang Tú là 1 trong 20 nhân vật được đề cử "gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2013". Trò chuyện với độc giả VietNamNet, Tú nói: "Em đi theo niềm đam mê của mình. Xin việc hay lương cao không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đời em".

 
{keywords}

Bùi Quang Tú: "Đối với em, giải được một bài toán vật lý hay sau nhiều ngày suy nghĩ có lẽ vui sướng hơn tất thảy mọi thứ trên đời này"

Đề cử là khích lệ...

Phương Mai (Nữ - 20 tuổi): Chào Tú, mình được biết bây giờ bạn đã là một sinh viên rồi. Bạn đang học trường gì, chuyên ngành gì vậy? Là một trong những người nhỏ tuổi nhất được đề cử gương mặt trẻ tiêu biểu năm nay, bạn cảm thấy thế nào?

Bùi Quang Tú: Mình học khoa Vật lý - Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

Được vinh dự đề cử cùng với các bạn trẻ tài năng trong cả nước, đặc biệt có những người mình gọi là thầy, mình cảm thấy nhỏ bé vô cùng. Điều này khích lệ mình tiếp tục cố gắng phấn đấu hơn nữa trong tương lai, để xứng đáng với vinh dự này.

Tuấn (Nam - 18 tuổi): Em rất hâm mộ thành tích học tập của anh. Năm nay em chuẩn bị thi ĐH (kém hơn anh vì không được tuyển thẳng) nên em rất lo. Anh có thể cho em chút kinh nghiệm để vào trường thi làm bài tốt được không ạ?

Thật ra thì mình được tuyển thẳng nên cũng không có nhiều kinh nghiệm trong kì thì ĐH. Tuy nhiên theo những gì mình thấy từ các bạn trong lớp thì kì thi ĐH thật sự là không khó. Tất cả phụ thuộc vào sự chăm chỉ tập luyện kĩ năng thi. Vì thế mình nghĩ bạn chỉ cần cố gắng luyện nhiều bài để quen với dạng của bài thi, khi đó nhất định bạn sẽ đạt kết quả cao.

Chúc bạn may mắn :)

Hoài Nam (Nữ - 23 tuổi): Xin hỏi bạn Bùi Quang Tú, bạn nhận xét gì về chương trình học cử nhân tài năng hiện nay, đãi ngộ, điều kiện? Bạn có dự tính tìm học bổng đi du học để mở mang tầm mắt không? cảm ơn Tú.

Chương trình học cử nhân tài năng hiện nay của Trường ĐH Khoa học tự nhiên là một trong những chương trình học tiên tiến nhất cả nước. Các thầy cô luôn động viên kích thích sinh viên tập cách suy nghĩ sáng tạo, tự tìm tòi tự học. Đương nhiên với đặc thù là chương trình học cho các ngành học nghiên cứu cơ bản, với điều kiện đất nước hiện tại, vẫn còn một số tồn tại khó khăn.

Mong rằng trong tương lai các bạn trẻ, trong đó có mình, sẽ cố gắng hơn nữa để giúp đất nước phát triển, điều đó cũng sẽ kéo theo sự tiên tiến hơn của hệ thống giáo dục. Nếu có cơ hội, và nếu được những trường có chất lượng của nước ngoài tạo điều kiện, có lẽ mình sẽ đi du học để có thêm kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học hiện đại, từ đó có điều kiện tốt hơn để phát triển khoa học của nước nhà.

Đam mê sẽ có thành công

Hương (Nữ - 34 tuổi): Tú có thể chia sẻ bí quyết học tập của mình được không? Em nghĩ những thành tích của em mang về cho đất nước sẽ có tác động gì tới xã hội?

Bí quyết học tập của em chính là sự yêu thích. Nhiều khi với một số môn học em không thật sự đam mê như một số môn khoa học xã hội, em "giả vờ" như mình thích nó như thích Vật lý. Cảm giác yêu thích đó giúp em học tự nhiên hơn, dễ dàng hơn.

Về thành tích của em hiện tại, em nghĩ sự khuyến khích của nhà nước với những thành tích đó sẽ giúp khích lệ các bạn học sinh trau dồi kiến thức học tập tốt hơn, vươn tới trình độ quốc tế. Điều này sẽ góp phần giúp đất nước phát triển hơn.

Làm khoa học phải hy sinh lợi ích vật chất

Đinh Tuấn Anh (Nam - 19 tuổi): Chào bạn! Tớ thấy hầu hết những chàng trai, cô gái vàng sau khi đoạt được các huy chương khu vực và thế giới đều chọn cách ra nước ngoài học tập. Tại sao bạn không lựa chọn con đường này?

 Thật ra có lẽ có một số thông tin mình phải sửa lại một chút. Không hẳn là hầu hết các "chàng trai, cô gái vàng" đều chọn cách ra nước ngoài học tập, và không hẳn là mình không chọn con đường này.

Mình nghĩ với điều kiện hiện nay, đặc biệt là với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ra nước ngoài (các nước phát triển) học tập rồi quay lại phát triển đất nước có lẽ là con đường tối ưu nhất. Tuy nhiên cũng như kì thi ĐH của nước mình, quy trình tuyển sinh của các trường Đại học tiên tiến nước ngoài có "tỉ lệ chọi" khá là cao.

Vì thế việc đi du học cũng không hẳn là dễ dàng. Khi nào cơ hội đến, mình sẽ chớp lấy. Nhưng khi cơ hội chưa đến, có lẽ mình sẽ cố gắng hết sức với những gì mình có :)

{keywords}
Bùi Quang Tú tham gia buổi giao lưu trực tuyến với độc giả vào sáng 13/3

Thu Phương (Nữ - 30 tuổi): Môi trường giáo dục hiện nay của Việt Nam vẫn đang bị đánh giá là thiếu khuyến khích sức sáng tạo của học sinh, sinh viên. Bạn nhìn nhận sao về vấn đề này. Là một người bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bạn có gặp khó khăn gì nổi bật cần nỗ lực vượt qua?

Chào chị Phương! Em nghĩ ở đâu thì cũng có những việc tốt và những việc không tốt. Ngoài những giảng viên vẫn sử dụng cách dạy áp đặt giáo điều, vẫn có nhiều giảng viên khuyến khích học sinh tự học tự nghiên cứu tự sáng tạo. Theo em, đó chính là những điểm sáng trong hệ thống giáo dục còn cần nhiều thay đổi của nước ta.

Em chưa dám tự nhận mình đã bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhưng em nghĩ làm nghiên cứu khoa học có lẽ sẽ phải hy sinh một số lợi ích vật chất và gặp một số khó khăn nhất định như áp lực thời gian, công việc. Nhưng em nghĩ nếu đã yêu thích thì khó khăn gì mình cũng có thể vượt qua.

An (Nữ - 21 tuổi): Bạn Tú có thường xuyên sử dụng mạng xã hội không? Bạn có thể cho mình địa chỉ Facebook để làm quen không?

Em có Facebook nhưng em thường chỉ lên để trao đổi công việc với các bạn. Em dành thời gian để xem tv, đọc sách, vui chơi, học tập chứ không lên facebook nhiều nên là có lẽ cho chị facebook của em cũng không tác dụng mấy, nhưng dù sao thì facebook của em đơn giản là Bùi Quang Tú :)

Xin việc lương cao chưa phải đích cuối

Thanh Chương (Nam - 18 tuổi): Năm nay em dự định thi vào ĐH Khoa học tự nhiên. Anh Tú có thể tư vấn cho em ngành nào của trường sau này dễ xin việc nhất được không? Anh thấy chương trình học của trường có ưu nhược điểm gì?

Chào em! Ngành nào dễ xin việc nhất thì anh chịu, vì tình hình kinh tế thì khó dự đoán lắm. 4 năm nữa thì không thể nói trước được. Anh nghĩ em nên tìm điều em thích làm và thi ngành phù hợp với đam mê của em, thế thì sẽ tốt hơn.

Nói riêng về Trường ĐHKHTN thì ạnh thấy đây là một ngôi trường tốt ở Việt Nam để học các ngành khoa học tự nhiên. Ưu nhược điểm thì khó mà phân tích được, có lẽ bạn cứ học thử sẽ biết. Như mình nói, bạn nên tìm điều mình yêu thích, đam mê và tập trung vào nó.

Phong Vũ (Nam - 21 tuổi): Chào Tú. Nói đến dân trường Ams là hình dung ra sự sôi động, năng động và có khi còn "nổ" mạnh nữa. Nhưng trông bạn lại khác tuýp của Ams. Điều này có khiến bạn khó hòa nhập ở môi trường đó không?

Chào bạn Vũ! Ở Ams mình cũng có những người bạn thuộc tuýp "giống mình", và cũng có những người bạn năng nổ, sôi động, giúp mình vui vẻ hơn trong cuộc sống. Ams là một môi trường đa dạng (chứ không hẳn chỉ là sôi động như bạn nghĩ), nhưng ai cũng có thể hòa nhập khi mà ở bên cạnh là những người bạn luôn hết mình vì nhau.

Thu Phạm (Nữ - 26 tuổi): Tú ơi. Vật lý có vẻ đẹp nào thu hút em như một nghệ thuật?

Chào chị Thu! Vật lý hay Toán học hay Hội họa, đều giống nhau ở chỗ đều kích thích bộ não con người hoạt động, làm cho các xung thần kinh chạy khắp bộ não, làm cho người ta thấy phấn khích, buồn, khổ sở, đắm chìm, vui sướng... Chắc có lẽ mội người có một sự nhảy cảm riêng với từng thứ, và bản thân em thì rất nhạy cảm với các phương trình vật lý.

Đối với em, giải được một bài toán vật lý hay sau nhiều ngày suy nghĩ có lẽ vui sướng hơn tất thảy mọi thứ trên đời này.

Nguyễn Thanh Hà (Nữ - 26 tuổi): Tại sao Tú lại chọn học ĐH Khoa học tự nhiên. Mình được biết những trường nặng về nghiên cứu như ĐH Khoa học tự nhiên ra trường rất khó xin việc hoặc lương không cao. Em có từng nghĩ đến vấn đề đó sau khi ra trường không?

Em đi theo niềm đam mê của mình và em sẽ không bao giờ hối hận với việc đó. Xin việc hay lương cao không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đời em.

  • Thực hiện: Ban Giáo dục
  • Ảnh: Lê Anh Dũng