- Sau bài viết "Chỉ có thầy cô dở, không có sinh viên kém", TS Vũ Tuấn Anh (Viện Quản lý Việt Nam) gửi tới VietNamNet trao đổi quan điểm của mình. Theo ông, quan niệm "chỉ có thầy cô dở, không có sinh viên kém" là đúng, nhưng trong hoàn cảnh sinh viên của chúng ta còn thờ ơ với số phận của chính họ, ý tưởng này sẽ tạo ra một tâm lý ỷ lại cho thế hệ sinh viên Việt Nam.

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Chung

Các bạn sinh viên trên 18 tuổi có đủ năng lực và trình độ để tự xây dựng tương lai cho chính mình. Tại sao thầy cô phải có trách nhiệm với các em khi quan hệ Thầy - Cô là bên bán và các em là bên Mua.

Thông thường, bên Mua sẽ phải là người kiểm định và đòi hỏi chất lượng. Chính các em sinh viên phải chủ động với tương lai của chính mình và kiên quyết đấu tranh với thầy cô giáo dạy dở, dạy kém trách nhiệm.

Trên thực tế giảng dạy, chính các em sinh viên rất có ác cảm với giảng viên nghiêm túc khi tỷ lệ thi thấp tương xứng với công sức và nỗ lực các em bỏ ra trong toàn bộ học kỳ.

Chính các em đã tự hài lòng và thỏa mãn với các thầy cô giáo dạy dở. Các bạn sinh viên phải tự làm chủ chính mình và vận mệnh. Cho dù ai là nguyên nhân, cái gì là nguyên nhân cuối cùng chính các bạn sinh viên sẽ là người nhận lĩnh hậu quả cuối cùng. Thầy có dở, trường có không tốt, người sinh viên vẫn phải có trách nhiệm vượt lên những thách thức đó.

Lý do kế tiếp đó chính là chúng ta chẳng thể nào đào tạo tốt khi đầu vào quá thấp.

Điểm sàn của năm 2013 đại học cụ thể là Khối A -13 điểm, Khối A1: 13 điểm , Khối B: 14 điểm, Khối C: 14 điểm, Khối D1: 13,5 điểm.

Thật đáng ngạc nhiên khi điểm trung bình của các môn tương ứng điểm sàn cho một môn lại là 4 tới 4.5 điểm.

Trong suốt quá trình học, điểm 5 luôn luôn là ngưỡng chặn dưới tại sao đại học lại thấp như vậy.

Với đầu vào hạ thấp thì chắc chắn chẳng thể nào yêu cầu học sinh học đại học tốt được theo quy tắc lượng và chất căn bản. Câu chuyện tiếp theo khi bậc đại học thừa kế đầu ra của cấp 3. Với một chương trình giáo dục đọc chép liên tục 12 năm chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng sinh viên đại học.

Lý do kế tiếp đó là những áp lực và thay đổi xã hội. Các bạn trẻ thấy có quá nhiều sự thành công không cần bằng cấp hay cố gắng. Áp lực xã hội đó đã khiến các em chểnh mảng trong học và rèn luyện phát triển năng lực và kỹ năng.

Thời xưa cũng như thời nay, muốn có kết quả cần phải đầu tư lâu dài và kiên trì. Điều này càng đúng trong thế giới phẳng khi mọi người đều có thể biết như nhau. Bản thân các giảng viên đại học không thể làm thay gia đình và cả xã hội nhằm thay đổi nhận thức của các em sinh viên.

Để nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, chúng ta cần làm đồng bộ rất nhiều.

Xét cho cùng giáo dục cũng là một “ ngành kinh doanh “ đặc biệt.

Đã gọi là kinh doạnh thì áp lực thay đổi thấu triệt nhất chính là từ phía khách hàng – sinh viên và phụ huynh.

Chúng ta cần thực hiện những chương trình truyền thông nhằm năng cao hiểu biết của xã hội về như thế nào là một trường đại học tốt, như thế nào là giá trị một chương trình đại học tốt, như thế nào là một giảng viên tốt v/v song song với việc bắt buộc công khai hóa chỉ tiêu chất lượng của toàn bộ hệ thống đại học và cao đẳng trên cả nước.

Làm được như vậy , chắc chắn khách hàng – học sinh và phụ huynh sẽ nhanh chóng nhận ra được trường dở, thầy dỏm để tạo áp lực thay đổi, thậm chí đóng cửa các đại học kém chất lượng.

Chúng ta cũng có thể thấy rõ xu hướng này trong những năm gần đây khi rất nhiều trường đại học tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Quy định rõ ràng, công khai hóa, minh bạch hóa chất lượng hệ thống đại học là con đường nhanh nhất thúc đẩy lựa chọn và đào thải tự nhiên trên thị trường nhằm tạo ra một hệ thống giáo dục có chất lượng tốt.

  • Vũ Tuấn Anh Viện Quản Lý Việt Nam