Ý kiến của GS.TS Nguyễn Đức Dân về việc đưa những từ ngữ chat thông dụng vào từ điển tiếng Việt trên báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) đã dấy lên cuộc tranh luận khá nảy lửa của cộng đồng mạng.
TIN LIÊN QUAN
Hình minh họa. Nguồn: quantrimang |
Học ý tưởng của Từ điển tiếng Anh
Những từ viết tắt, tiếng lóng được dùng phổ biến trong các dịch vụ chat hay tin nhắn như LOL, OMG, IMHO... đã chính thức có mặt trong từ điển tiếng Anh Oxford (OED). Đại diện của OED cho hay các từ nói trên là đại diện của ngôn ngữ trong thời đại giao tiếp điện tử.
Lấy ý tưởng từ đó, GS.TS Nguyễn Đức Dân đã có một bài phân tích về những biến thể của tiếng Việt trong ngôn ngữ chat và đặc điểm của chúng, đồng thời rút ra kết luận: "Có những từ ngữ chat nghiêm chỉnh không chỉ tồn tại trong thế giới online mà đang thâm nhập cả vào đời sống hàng ngày, được nhiều người chấp nhận.
Xã hội cũng đã dần “thích nghi” với chúng. Ý thức được điều này, có không ít những từ viết tắt, tiếng lóng được dùng phổ biến trong các dịch vụ chat hay tin nhắn đã chính thức có mặt trong Từ điển OED (Oxford English Dictionary).
Tiếng Việt không là ngoại lệ. Chỉ cần hai luận án tiến sĩ về đề tài này – ngôn ngữ chat và tiếng lóng – chúng ta có thể xác định được những từ ngữ chat thông dụng cần được coi là những đơn vị của tiếng Việt hiện nay và tương lai, để chính thức đưa vào từ điển tiếng Việt, " TS Dân viết trên SGTT.
Ngôn ngữ chat phổ biến của teen: Biến các nguyên âm, phụ âm sang âm, từ khác a -> e, 4. VD: làm sao -> lèm seo, l4m s4oô, ơ -> u. VD: hôm nay -> hum nay, trời ơi -> trùi ui. b -> p. VD: bó tay -> pó tay, Vân béo -> Vân péo. qu -> w. VD: quê quá -> wê wá. c, ch -> k. VD: thích -> thik. iê, ê -> i. VD: biết -> bít, chết -> chít. n -> l, l -> n. VD: nhìu nắm. i -> j, 1. VD: xinh xinh -> xjnh xjnh // x1nh x1nh. ph -> f. VD: Ưng Hoàng Phúc -> Ưng Hoàng Fúk. gi -> j, z. VD: giải thích -> jải thik, chán như con gián -> chán như kon zán. d, v -> z. VD: vì vậy -> zì zậy, vô duyên -> zô zin. 1=want. VD: i1u = I want U. 2 = hi, to, two. VD: 9 day 2 u, 2morow = tomorow, 2day = today. 3= e. VD: love forever = lov3 for3v3r. 4 = for, four. VD: 4rum, 4 you, B4 = before, 4ever = forever. 7 = thất = thất. VD: 7 luv = thất tình. 8 = tán gẫu, bốc fét, chém gió. 9 = nice, nine, night. |
Vui nhộn hay làm biến dị tiếng Việt?
Ý kiến của GS.TS Nguyễn Đức Dân đã khiến cộng đồng mạng tán thành và phản đối ngang ngửa nhau, bên nào cũng tỏ ra quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình.
Có ý kiến cho rằng, chấp nhận sự tồn tại tất yếu của một ngôn ngữ nào đó không có nghĩa là phải đưa vào từ điển. Ý kiến khác cho rằng hiện tượng biến thể của tiếng Việt ở ngôn ngữ chat là một thực tế khách quan, có muốn khác đi cũng không được. Một quan điểm trung hòa hơn cho rằng, nếu như có thể xác định được những từ thông dụng nhất, được hiểu bởi một số lượng người đủ lớn, được sử dụng trong một quãng thời gian đủ dài thì cũng có thể có một vài từ đưa vào từ điển được.
Tất nhiên, điều đó sẽ dẫn tới một cuộc tranh cãi tiếp theo là từ nào trong ngôn ngữ chat được coi là thông dụng nhất và thời gian bao lâu là hợp lý?
Cộng đồng mạng đã có nhiều bài phê phán về độ "kinh dị" của ngôn ngữ chat tuổi teen. Với một liều lượng ít "biến thể", ngôn ngữ chat trở nên dễ thương như “Say rượu rồi lại Livơphun (Liverpool) ra đấy hả?”, hum nay, trùi ui, “Nhớ chừa cơm cho em nhoa”...
Tuy nhiên, nếu đến mức như thế này, chỉ có ... teen mới hiểu được: Thau thau bik rau, noj nhju ghia (Thôi thôi biết rồi, nói nhiều ghê). "Thật kinh khủng", tác giả bài viết “Tôi là nạn nhân của ngôn ngữ chat!” trên SGTT than thở.
Trên nhiều diễn đàn, giới tuổi teen coi chuyện "kinh dị" ở ngôn ngữ chat của họ là bình thường, vì đó là "phát minh" của họ, nhằm nhiều mục đích: lạ, vui, tránh người lớn hiểu được (đặc biệt là bố mẹ)...
Tuy nhiên, mặt trái của hiện tượng này là teen đã đem những từ ngữ chat kinh dị vào các bài viết ở trường lớp, bài kiểm tra vì khi đã nghiền ngôn ngữ chat của chính mình, điều đó lại trở thành thói quen khó sửa!
Một bạn trẻ cho biết: "Hoa Kỳ là nơi khai sinh của Internet mà học sinh còn không dám viết văn bằng "chat lingo", theo thói quen mà lỡ xài một hai từ thì bị trừ điểm tại chỗ, nhiều quá thì bị bắt viết lại từ đầu."
- Tú Uyên (tổng hợp
Chàng trai người Canada "Dâu Tây" cũng từng có một bài viết nổi tiếng hài hước về ngôn ngữ chat của giới trẻ Việt Nam. Trích bài viết như sau: Sáng nay mình ngủ dậy và quyết định học kiểu chát Internet của thanh niên Việt Nam. Thứ nhất, mình quyết định thay chữ “ô” bằng chữ “u” – nhưng chỉ trong mụt số trường hợp đặc biệt thui! Như vậy lối viết của mình sẽ nhẹ hơn, dễ chịu hơn, thân thiện hơn... chắc các bạn hiểu ý của mình rùi! bẬc cÚi CùG Là tHêM mÀu SắC DzÔ! cHữ hÔg mÀu nHư Xe kHô dẦu (hihi!!!) vÀ Ai cG~ BíT xE kHô dẦu hÔg cÓ jÁ tRị j đÂu!! Huhu!!! nHìN mỤt đOạN n` mÀu SắC NtN tHì hOa HíT cẢ MắT!!! ĐẹP dzà mAn LuN! XoG! Bh MìN đà BíT cHáT ChÍt NhƯ 1 Ng Vịt cHíNh GúC rÙi! DzUi wÁ, tHíK LéM! NhƯg MìN VẫN hƠi Lo, hÔg BíT tƯơNg lAi kỦa nGuN nGữ TiẾg VịT tHâN iU kỦa MìN sẼ Là nTn? ThUi kỆ! bh Là TK21 rÙi, Lo j mÀ vỚ VỉN tHế! |
Mời bạn đọc chia sẻ quan điểm về vấn đề này theo email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các ban.