- Từ 14h, các khách mời đã có mặt tại tòa soạn báo VietNamNet tham gia trực tuyến giải đáp thắc mắc liên quan tới tuyển sinh vào lớp 1.

Các khách mời tham gia gồm:
1. Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội.
2. Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường tiểu học DL Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
3. Nhà giáo Phạm Thị Xuân Sinh - Hiệu trưởng chương trình Việt Nam - Trường quốc tế Kinder World
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu trực tuyến.

Các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến

Có cần cho con đi học đọc, học viết trước không?

Phan Thị Quế Hương, nữ, 39 tuổi 

Con trai tôi năm nay vào lớp 1. Hiện cháu vẫn đang học mẫu giáo, nhưng các bạn cháu đã đi học viết và học chữ tại lớp học thêm do các cô giáo dạy lớp 1 dạy. Tôi rất băn khoăn, có nên cho trẻ đi học sớm như vậy không? Nếu không đi học thêm, khi vào trường, cháu có theo kịp chương trình không, khi các bạn đã biết viết và đọc thành thạo? Thêm nữa, các trường công thường chú trọng việc học kiến thức, sĩ số học sinh rất đông - học phí vừa phải, còn các trường dân lập lại chú trọng việc khơi gợi sự sáng tạo của trẻ - nhưng học phí quá cao so với thu nhập trung bình. Vậy tôi nên cho trẻ học ở đâu để tốt nhất cho cháu? Xin cảm ơn.


Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội.

 

Ông Phạm Xuân Tiến: Lời khuyên của tôi là bạn không nên cho con đi học trước. Việc chạy theo phong trào cho con đi học trước hiện nay có thể nói là "cá tính" của người Việt. Ví như, thời bao cấp thấy mọi người xếp hàng thì mình cũng xếp theo mặc dù không biết họ bán gì, đến lượt mới biết thứ họ bán mình không có nhu cầu nhưng vì đã mất công xếp hàng nên cứ mua thôi. Và nghĩ rằng tương lai thứ hàng đó sẽ hiếm.

Việc học trước chương trình khi trẻ chưa đủ tuổi có nhiều hệ luỵ sau đó mà phụ huynh không lường hết được.. Cụ thể là về tâm lí, các cháu đang ở độ tuổi mầm non thì trẻ cần phải được vui chơi để phát triển tự nhiên mà cháu đã phải gò mình và tuân theo các quy định thì cháu sẽ mất đi sự hồn nhiên của trẻ.

Về mặt sức khoẻ thì các khớp xương chưa ổn định mà các cháu phải cầm bút để viết theo quy định thì dẫn đến các khớp xương sẽ phát triển không bình thường.

Khi các cháu biết đọc, biết viết trước các bạn thì hầu hết các cháu thường chủ quan, không tập trung chú ý nghe cô giảng nên các cháu tiếp thu bài không kỹ và chắc chắn như các bạn khác.

Ngoài ra, khi dạy trước chương trình người dạy thường không dạy đúng quy trình dạy học vần và tập viết nên các  cháu không đảm bảo về mặt kiến thức và kỹ năng cần thiết của HS khi bắt đầu học vần và tập viết. Ngành GD quy định tất cả giáo viên trong quá trình dạy học phải đảm bảo trình tự của các bước lên lớp, tuyệt đối không được cắt xén chương trình nên phụ huynh yên tâm không cần thiết phải cho con đi học trước.

Nhận định của bạn về học phí giữa trường công - trường tư thì đúng. Còn việc nói trường công chú trọng việc học kiến thức còn trường tư khơi gợi sự sáng tạo thì chưa chuẩn vì tất cả các trường đều phải dạy và giáo dục HS theo mục tiêu Luật GD đề ra. 

Bạn hỏi học ở đâu tốt cho cháu thì tôi khuyên chọn trường gần nơi ở của gia đình mình nhất.

Trịnh Thị Hồng, nữ, 32 tuổi 

Thưa cô Hiền. Tiêu chí để vào lớp 1 bây giờ quá cao. Việc này đòi hỏi phụ huynh phải có nhiều lựa chọn cho bé trước khi vào lớp 1. Việc đi học mẫu giáo là một vấn đề. Vậy mà trong khi đó phải đăng ký cho con đi học vì sợ vào lớp con sẽ không theo kịp các bạn. Vậy tiêu chí vào lớp 1 bây giờ cần những gì?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Chị căn cứ vào đâu để nói tiêu chí vào lớp 1 bây giờ quá cao? Học sinh đủ 6 tuổi, sinh năm 2005 đều đủ điều kiện vào lớp 1 ở bất cứ một trường nào.

Nguyễn Thị Hòang Nhã , nữ, 34 tuổi 

Kính thưa cô Phạm Thị Xuân Sinh. Tôi có một bé trai chuẩn bị vào lớp 1, xin cô cho biết tôi cần chuẩn bị những gì trước khi bé vào lớp 1 để bé khỏi ngỡ ngàng trước sự khác biệt giữa môi trường mẫu giáo và môi trường phổ thông? Xin cô cho biết tôi có nên cho bé luyện chữ và làm quen trước chương trình học trong hè này để chuẩn bị cho bé vào lớp 1 không? Xin cho biết một số địa điểm luyện chữ viết đẹp ở Quận 2? Xin cảm ơn.  

Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Trước hết, rất cảm ơn các vị phụ huynh đã quan tâm đến các cháu, các con chuẩn bị vào lớp 1. Đối với các cháu chuẩn bị vào lớp 1, các vị phụ huynh hãy cho các cháu hưởng chọn chương trình mẫu giáo, để tuổi thơ của các cháu được vui chơi, trong sáng. Việc chuẩn bị cho các cháu vào lớp 1, điều quan trọng là chuẩn bị tâm thế cho trẻ và phụ huynh cũng chuẩn bị tâm thế cho con. Tránh tình trạng, gây căng thẳng cho cả phụ huynh và trẻ. Trẻ con bước vào lớp 1, trẻ được học theo chương trình lớp 1 của bộ, vậy việc học trước, cũng không giải quyết được để cho các cháu tốt hơn, mà ngược lại có thể gây cho các cháu tâm lý căng thẳng, sợ học ngay từ đầu - là một điều còn phản tác dụng hơn. Còn phụ huynh hỏi về địa điểm và trung tâm luyện chữ, học đọc, học viết trước. Xin lỗi các vị, tôi cũng không quan tâm. Vì tôi không khuyến khích trẻ học trước khi vào lớp 1. 

Nhị Hà, nữ, 38 tuổi 

Kính chào ban biên tập báo Vietnamnet. Con tôi năm nay bắt đầu vào học lớp 1, tôi thực sự đau đầu về việc lựa chọn có cho con đi học trước lớp 1 hay không. Hiện tại tôi chưa cho cháu học trước. Ở lớp mẫu giáo cháu đang học ở Trung Phụng, nhà trường có tổ chức học trước lớp 1 nhưng tôi không cho cháu theo. Bố cháu cũng là giáo viên tiểu học nhưng ở tỉnh khác và kiên quyết không đồng ý cho cháu học trước. Tôi thấy tất cả các mẹ có con học lớp 1 năm nay đều đã cho con đi học và đã đọc thông viết thạo, trên mạng cũng đang có ý kiến là: "Đừng để con bạn thua thiệt ngay ở vạch xuất phát trong cuộc đua”. Bản thân tôi thấy bây giờ các cháu tiểu học phải học quá nặng, không có thời gian chơi, tôi muốn con tôi có một tuổi thơ ý nghĩa, mỗi ngày đến trường là một ngày vui... như tiêu chí của Bộ giáo dục đưa ra nhưng ... tôi vẫn băn khoăn nhiều lắm. Mong tòa soạn cho tôi lời khuyên.

Nguyễn Thị Hiền: Chào chị! Tôi rất đồng quan điểm với chồng chị, không cho con đi học chương trình lớp 1 trước khi vào lớp 1. Tôi là một hiệu trưởng, giáo viên trường tôi không bao giờ xúc phạm học sinh khi các con học kém hơn các bạn khác vì như vậy là phản giáo dục. Tôi nghĩ con bạn học ở đâu, bạn cũng cần phải dành thời gian để quan tâm đến việc học của con trong khoảng thời gian rất quan trọng là khi bắt đầu đi học này.

Nguyễn Mỹ Anh, nữ, 30 tuổi 

Xin cho tôi hỏi con tôi năm nay cháu mới vào lớp 1 vậy cho hỏi trẻ học bao nhiêu tiếng trong 1 ngày là tốt nhất và trẻ nên học những môn nào, có nên cho cháu đi học thêm nhiều không. Trân trọng.

Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Bạn thân mến, bạn hỏi về thời lượng và thời gian học của trẻ lớp 1. Về học ở trường, thì chúng tôi thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD - ĐT. Học 1 buổi/ 1 ngày đối với những trường có chương trình học song ngữ hoặc 2 buổi/1 ngày đối với chương trình chỉ học chương trình Việt Nam. Từ lớp 1 đến lớp 3, học sinh được giải quyết phần bài tập ngay tại lớp là đã đạt yêu cầu, không có bài tập về nhà. Bởi thế, cho nên việc cho học sinh đi học thêm là không cần thiết. Theo kinh nghiệm của trường tôi, học sinh học song ngữ nên học chương trình Việt Nam chỉ 1 buổi/ ngày. Chúng tôi cũng không giao bài tập về nhà. Ở lớp 4 và lớp 5 chỉ giao 1 phần nhỏ bài tập về nhà, khi ở nhà chưa hoàn thành hết.

Văn Vương, nam, 36 tuổi 

Thưa cô Hiền. Trước khi vào lớp 1,  không cho cháu đi học chữ trước có ảnh hưởng đến kết quả học tập của cháu không? Thái độ của giáo viên khi tiếp nhận những cháu chưa được học trước như thế nào là đúng? Có hệ lụy gì không?

Nguyễn Thị Hiền: Chào anh! Tôi khẳng định việc không cho cháu đi học chữ trước không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập của cháu. Cháu nội tôi hiện đang học lớp 1 tại trường Đoàn Thị Điểm. Tôi không hề dạy trước cho cháu mà chỉ cho cháu làm quen với các chữ cái và tôi hay đọc truyện cho cháu nghe. Chỉ đến cuối học kỳ I là cháu đã đọc thông viết thạo.

Hiện nay, phương pháp dạy đọc và dạy viết của giáo của giáo viên tiểu học đã được đổi mới rất nhiều. Do vậy, việc dạy đọc và dạy viết cho các con không khó lắm. Chỉ cần từ 3-4 tháng là học sinh có thể đọc được và viết được. Nhiều học sinh ở trường tôi chưa biết chữ trước học tốt hơn học sinh trước đó đã biết đọc, biết viết. Vìì những học sinh này rất chú tâm và hứng thú với bài giảng của cô giáo. Nhưng những học sinh đã biết thường rất chủ quan và không chú ý trong giờ học.

Nếu để tôi được chọn học sinh vào trường, tôi sẽ chọn những học sinh chưa biết đọc, biết viết vào trường Đoàn Thị Điểm. 

Trần Đức Thành, nam, 34 tuổi 

Kính chào Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền: Bà vui lòng cho biết tiêu chuẩn cơ bản của con trẻ để có thể được học tại trường Đoàn Thị Điểm. Việc thi và và coi thi vào trường được kiểm soát ra sao để đảm bảo công bằng, nâng cao chất lượng đầu vào ? Năm nay nhà trường dự kiến tuyển sinh bao nhiêu lớp 1 và số lượng hoc sinh cần tuyển? Việc dạy và học thêm có được nhà trường khuyến khích đối với học sinh cấp 1.

Nguyễn Thị Hiền: Tiêu chuẩn vào lớp 1 của trường Đoàn Thị Điểm (ĐTĐ) cũng giống như các trường công lập và dân lập khác. HS phải đủ 6 tuổi, sinh trước năm 2005, có sức khỏe, trí tuệ phát triển bình thường đều có khả năng học tốt tại trường ĐTĐ. Không nên coi việc dự tuyển vào trường ĐTĐ là một kỳ thi để làm ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Dự tuyển vào trường là việc kiểm tra trắc nghiệm trí tuệ bình thường, chỉ là cuộc nói chuyện giữa giáo viên và học sinh.

Vì thế, các con cần được làm quen với các bài tập trí tuệ, có trong các quyển sách về phát triển IQ có bán ở các hiệu sách. Do nhu cầu vào trường ĐTĐ của HS rất đông. Nhà trường không đáp ứng được hết nên phải dự tuyển để lựa chọn và có như vậy mới bảo đảm công bằng với học sinh.

Năm nay, ĐTĐ tuyển gần 400 HS. Chúng tôi không khuyến khích HS học trước khi vào lớp 1 trường tôi.

Bùi Tuyết Nhung, nữ, 32 tuổi 

Con em năm nay vào lớp 1. Hiện nay em đang cho cháu đi luyện chữ đẹp và học lớp toán tư duy UC max. Như vậy có nên hay không? 

Bà Nguyễn Thị Hiền: Chào chị! Theo tôi, chị nên dừng việc cho cháu đi luyện chữ đẹp ngay. Đây là việc làm không khoa học lắm. Vì bàn tay và ngón tay của các bé chưa đi học lớp 1 chưa đủ độ cứng cáp để luyện chữ đẹp. Còn về việc học toán tư duy UCmax, chúng tôi chưa nghiên cứu kỹ về vấn đề này cho nên chưa thể trả lời chị là có kết quả hay không. Trường tôi cũng có một số học sinh theo học từ lớp 1.

Nguyễn Thị Linh, nữ, 42 tuổi 

Xin chào cô Hiền. Năm nay được biết Bộ GD-ĐT có quy định mở cho các cháu được học trước tuổi, học vượt lớp. Tại trường của cô từ trước tới nay các trường hợp học "vượt" như thế này có phổ biến không? Trẻ đi học sớm hơn tuổi sẽ có lợi thế gì?

Nguyễn Thị Hiền: Chào chị! Chúng tôi được biết, Bộ GD có quy định mở cho học sinh học vượt lớp chứ không phải học sinh học trước tuổi. Học sinh vào lớp 1 phải đủ 6 tuổi.Trường tôi chưa có hiện tượng học trước tuổi và học vượt lớp. Theo tôi, học sinh học trước tuổi không hề có lợi. Đôi khi còn ảnh hưởng đến kết quả học tập vì lúc nào học sinh đó cũng bị mặc cảm là mình kém tuổi các bạn. Đôi khi bị các bạn cùng lớp gọi là "em". 

Tạ Xuân Mạnh, nam, 35 tuổi 

Xin chào các khách mời. Anh, chị tôi đang có cháu học tại lớp tiền tiểu học trường Đoàn Thị Điểm. Vậy xin được đặt câu hỏi với các anh chị như sau: Liệu với thời gian khoảng 3 tháng học lớp tiền tiểu học như vậy, sẽ có những điểm gì tốt cho cháu? Cháu học như vậy có đáp ứng các kỹ năng của nhà trường không? Ngoài học tiền tiểu học, có cần học kỹ năng như viết chữ, tập đọc.  Chân thành cảm ơn các anh chị.

Nguyễn Thị Hiền: Cảm ơn anh đã quan tâm đến Câu lạc bộ Tuổi thơ của trường Đoàn Thị Điểm. Đây mới là cách gọi chính xác về bản chất của chương trình này. Đây không phải là lớp tiền tiểu học như anh nghĩ vì chúng tôi không hề dạy các con đọc và viết. Việc mở CLB Tuổi thơ của trường là tạo cơ hội để các con làm quen với các hoạt động của trường tiểu học, tạo tâm thế cho các con trước khi đi học. Đây là một hoạt động rất tốt vì khi đi học thực sự ở bất cứ một trường tiểu học nào, các cháu không bị lạ lẫm để thực sự mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Tôi xin khẳng định một lần nữa là trước khi vào trường Đoàn Thị Điểm, các cháu không phải học viết chữ và tập đọc.

Quy định nào của ngành nên thay đổi?

Lê Huy, nam, 33 tuổi 

Gửi ông Phạm Xuân Tiến: Xin ông vui lòng cho biết rõ các quy định về việc tuyển sinh vào lớp 1 theo quy định của Bộ GDĐT (liên quan đến vấn đề cùng tuyến/trái tuyến). Xin cảm ơn.

Ông Phạm Xuân Tiến: Theo Quy định của Bộ GD - ĐT tuổi tính theo năm, trẻ 6 tuổi được tuyển sinh lớp 1. Ví dụ, học lớp 1 năm học 2011-2012 là trẻ sinh từ 1/1/2005 đến 31/12/2005 thì đủ điều kiện. Ở Hà Nội việc tuyển sinh TP giao cho các quận, huyện chịu nhiệm  phân tuyến tuyển sinh cho các trường công lập. HS trên địa bàn phân tuyến (có hộ khẩu thường trú) được gọi  đúng tuyến. HS ngoài địa bàn phân tuyến thì gọi là trái tuyến.

Nguyễn Thị Phúc, nữ, 34 tuổi 

Tôi có hai cháu, một cháu đang học lớp 3 và một cháu đang học lớp 1 ở một trường quốc tế, nhưng vì kinh tế gặp khó khăn nên tôi muốn chuyển 2 cháu sang học trường công lập,cháu học lớp 3 hiện nay thì đã học lớp 1 và 2 tại một trường dân lập, nhưng sang lớp 3 thì cháu học quốc tế 100%. Vậy nếu con tôi được học trường công thì khi cháu tốt nghiêp tiểu học có vướng mắc gì không vì cháu không có học bạ tiểu học lớp 3.


Bà Phạm Thị Xuân Sinh - Hiệu trưởng Trưởng quốc tế Kinder World
Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Con bạn học 1 năm lớp 3, chương trình hoàn toàn quốc tế. Vậy con bạn không học chương trình lớp 3 của Việt Nam. Trong trường hợp con  bạn muốn trở lại học tại trường công lập của Việt Nam thì con bạn phải học lại từ đầu lớp 3 chương trình Việt Nam. Trường công lập của Việt Nam không được phép cho cháu nhảy 1 lớp để vào lớp 4.

 

Nguyễn Công Dân, nam, 35 tuổi 

Xin hỏi ông Phạm Xuân Tiến, hiện nay việc học của trẻ em được phân theo hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên do địa điểm làm việc của phụ huynh thường không đúng với địa chỉ nơi cư trú. Do đó việc đưa đón các cháu rất khó thực hiện, các cháu tiểu học thường nghỉ học sớm (4 giờ chiều), khi đó rất khó cho phụ huynh trong việc đón con. Tại sao không giải quyết việc cho các cháu nhập học theo địa điểm nơi làm việc của phụ huynh cho tiện việc đưa, đón các cháu. Xin ông cho lời khuyên về việc này.

Ông Phạm Xuân Tiến: Mong muốn của bạn là rất khó vì việc điều tra và nắm bắt số liệu để phân tuyến tuyển sinh cho các trường thông thường phải làm trước đó 1 năm và xây dựng chiến lược phát triển giáo dục của các nhà trường phải chuẩn bị trước từ 5-10 năm. Xong ý kiến của bạn cũng rất hay - là vấn đề chúng tôi sẽ phải nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. 

Do The Tuan, nam, 40 tuổi 

Xin hỏi ông Phạm Xuân Tiến: Học sinh khi đủ 6 tuổi sẽ đăng ký vào lớp 1. Vậy xin ông cho biết, khi vào lớp 1, học sinh có phải thi tuyển không? Hiện nay phụ huynh có con đi học tiểu học, kể cả công lập và tư thục đều rất lo lắng về thời gian học của các cháu. Thường thường tan học vào 4h15 đến 4h30 mà vẫn phải đưa đón cho an toàn. Việc tan học sớm như vậy sẽ ảnh hưởng tới thời gian làm việc của phụ huynh. Vậy xin hỏi ông, Nhà trường có kế hoạch gì để các cháu tận dụng giờ làm việc của cha mẹ để công tác đưa đón thuận lợi? Kế hoạch và biện pháp đồng bộ trong tất cả các trường giáo dục hay chưa?

Ông Phạm Xuân Tiến: Tại sao bạn chỉ quan tâm đến công việc của mình mà bắt con phải ở trường từ 7h30 đến tối, bạn có biết là đến 4h chiều là con bạn mong bạn đến đón lắm rồi? 

 Trinh Thi Hong, nữ, 32 tuổi 

Tại sao Bộ GD không cho dạy chữ ở trẻ học mẫu giáo nhưng lại đưa chương trình học tiếng Anh vào mẫu giáo. Thời gian nào để trẻ học, trong khi đó lại sử dụng thời gian đến lớp của bé để dạy thêm. Con tôi đang học tại lớp mẫu giáo của trường được gọi là đạt chuẩn quốc gia. Học phí cao mà không được học mấy. Vậy có đủ chuẩn vào lớp 1 không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Con bạn đã học mẫu giáo và đủ 6 tuổi thì hoàn toàn đủ chuẩn vào lớp 1 không cần phải biết đọc, biết viết.  

Khong hoc them, nam, 31 tuổi 

Con tôi đang học lớp 1, học cả ngày ở trường rồi, vậy tối về nhà cô giáo lại nhắn đến nhà cô dạy thêm. Tôi không muốn cho đi nhưng e cô "quan tâm quá" nên vẫn phải cho đi. Có một thời gian tôi cho cháu nghỉ, thì kết quả điểm của cháu kém hẳn nên lại cho đi. Cho hỏi bây giờ tôi phải làm thế nào? có quy định nào cấm dạy thêm tại nhà không?

Ông Phạm Xuân Tiến: Việc dạy thêm của giáo viên như vậy là trái với quy định. Bạn nên tìm hiểu và trao đổi với giáo viên xem cháu yếu về vấn đề gì để có thể giúp cháu khắc phục những hạn chế.

Tôi nên chọn trường nào cho con?

Lua, nữ, 33 tuổi 

Xin quý Thầy, Cô tư vấn giùm: Có nên cho bé lớp 1 học trường xa nhà( cách trường khoảng 12km) không ạ? (Đi xe tuyến của Nhà trường). Có nên cho bé học Tiếng Anh khi bé chưa biết tiếng Việt không ạ?

Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Khoảng cách từ nhà đến trường là điều rất quan trọng để phụ huynh đưa đón, ngành giáo dục các địa phương đã quy hoạch, các trường nằm trong các địa phương là hợp lý. Tại sao lại phải chọn trường quá xa đối với con, đó là một điều trở ngại khi giao thông ở Việt Nam cũng chưa đảm bảo. Mỗi phường có một trường thì phụ huynh nên lựa chọn cho hợp lý. Vì ngành Giáo dục đã quy hoạch mạng lưới các trường tiểu học ở trong địa phương để học sinh không phải đi học xa. Theo tôi, bạn nên chọn trường trong địa phương bạn, để trẻ không gặp phải trở ngại vì quãng đường đi học quá xa. 

Tiếng Anh đối với trẻ càng tiếp xúc từ nhỏ thì điều kiện phát âm của trẻ và trí nhớ càng tốt. Theo kinh nghiệm của trường tôi, học sinh học song ngữ từ lớp 1, trẻ phát âm và nhớ từ rất tốt, khả năng giao tiếp của trẻ trở thành bền vững. Bạn yên tâm trẻ không ảnh hưởng đến việc học tiếng việt cùng lớp 1.

Nguyen Thu Hoai, nữ, 26 tuổi 

Gửi cô Sinh. Xin cô cho biết trên địa bàn Hà Nội, trường của cô và các trường quốc tế khác có những đặc điểm gì khác biệt?

Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Trường quốc tế Singapore ở Việt Nam tại Hà Nội, có 2 hệ.

Thứ nhất,  hệ học quốc tế hoàn toàn dành cho học sinh bố mẹ là người nước ngoài và một trong 2 bố mẹ là người nước ngoài, hoặc trẻ sinh ra và ở lâu nước ngoài. Hệ này học hoàn toàn chương trình quốc tế Singapore.

Thứ hai, hệ song ngữ, một nửa thời gian trong ngày học chương trình quốc tế(chương trình giáo dục Singapore) một nửa thời gian học chương trình của bộ giáo dục Việt Nam.

Ở đây, điều khác biệt đó là  quy định tối đa một lớp học có 25 học sinh. Cô giáo chủ nhiệm dạy chương trình Việt Nam, đồng thời là giáo viên trợ giảng của chương trình quốc tế. Tất cả các hoạt động trong trường thì giáo viên Việt Nam và giáo viên quốc tế cùng phối hợp thực hiện. Đặc điểm của mỗi học sinh trong trường rất tự tin và có kỹ năng sống từ bé. Để có được kết quả này thì 2 chương trình đã phối hợp với nhau để cân bằng giữa học và chơi. Chú trọng những giờ thực hành.

Nguyen Thu Hoai, nữ, 26 tuổi 

Tại sao chất lượng các trường không đồng đều nhau? Dẫn đến trình độ dạy học khác nhau?

Ông Phạm Xuân Tiến: Chất lượng các trường tiểu học nhìn chung đồng đều. Tuy nhiên, chất lương ở một số trường có khác nhau vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố quan trọng phụ thuộc nhiều vào mặt bằng dân trí ở khu vực.

Nguyễn Văn Minh, nam, 41 tuổi 


Bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường tiểu học DL Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

 

Nguyễn Thị Hiền: Chào anh Minh! Rất cảm ơn anh đã trao đổi ý kiến của mình về việc tự học của con ở nhà. Tôi sẽ tìm hiểu lại vấn đề này. Nếu đúng như anh phản ánh, chúng tôi sẽ phải rút kinh nghiệm ngay. Là một hiệu trưởng, tôi chưa bao giờ tạo áp lực về thành tích cho giáo viên, không cho phép giáo viên được cho quá nhiều bài tập về nhà cho học sinh, để tạo thói quen tự học cho các con. Giáo viên chỉ cần yêu cầu học sinh lớp 1, 2 làm việc 30 phút ở nhà vào các buổi tối. HS lớp 4-5 làm việc ở nhà không quá một giờ. Giáo viên chỉ nên cho phiếu bài tập vào cuối tuần.

Nhân đây tôi cũng muốn nói để anh hiểu thêm: một ngày ở trường của các con không quá căng thẳng và vất vả vì xen kẽ vào những tiết học đòi hỏi phải tập trung trí tuệ cao như Toán và Tiếng Việt là những tiết học thư giãn như Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh ..v..v. Tôi sẽ trao đổi trực tiếp với anh qua điện thoại.

Bui Thi Van Quynh, nữ, 27 tuổi 

Chào các thầy cô. Năm nay tôi có con gái đầu lòng vào lớp 1. Cũng như bao vị phụ huynh khác, tâm trạng rất lo âu, không biết cho con vào trường nào tốt, con gái mình học thế nào. Tôi có cho con đi học thêm cũng gần năm nay rồi, nhưng tôi vẫn lo. Nếu đúng tuyến, con tôi vào trường gần nhà. Nhưng ở trường học đó rất đông, có tới 60 em trong một lớp. Còn xin trường khác phải mất thời gian và tiền bạc. Tôi và ông xã đều không có thời gian. Nếu tôi cho cháu vào học trường đó thì liệu cháu có học được tốt không với lớp có 60 học sinh?

Nguyễn Thị Hiền: Chào chị! Tôi rất hiểu tâm trạng của chị trong việc lựa chọn trường cho con. Theo tôi, chị nên cho cháu học gần nhà để bảo đảm sức khỏe cho cháu và không mất thời gian đi lại nhiều. Để khắc phục tình trạng lớp đông, chị nên quan tâm đến việc học của con ở nhà, thường xuyên trao đổi và hướng dẫn con học để con có thể nắm được những bài học ở trên lớp. Sự kết hợp giữa cha mẹ học sinh và cô giáo là vô cùng quan trọng. Đặc biệt khi con mới vào lớp 1. Trong thực tế thì có nhiều học sinh học trong lớp 60 học sinh vãn học tốt. Quan trọng là học sinh phải tập trung chú ý ở trong giờ học.

Le Thi Quynh Trang, nữ, 30 tuổi 

Thưa thầy Phạm Xuân Tiến. Em xin được phép hỏi thầy một số câu hỏi liên quan đến việc tuyể sinh lớp 1. Năm học này, tháng 9 tới, con em bắt đầu vào lớp 1. Thực tế vợ chồng em ban đầu cũng xác định tìm trường tốt để con vào học dù mất nhiều tiền. Nhưng sau đó, được bạn bè và nhiều người bảo với vợ chồng em rằng, vấn đề của HS tiểu học không phải là ở trường nào, mà là học đâu cũng được, miễn là chọn được lớp và cô dạy tốt. Theo ý thầy có đúng không? Thầy cho vợ chồng em một lời khuyên nhé. Em xin cảm ơn.

Ông Phạm Xuân Tiến: Chọn trường gần nhà cho con là phương án tối ưu nhất. Bạn cũng không nên quá nặng nề vào việc chọn cô, chọn lớp vì các cô trong một khối đều thực phải thực hiện đầy đủ chương trình theo quy định. Bạn nên quan tâm đến con hàng ngày hỏi xem con học gì, con thích điều gì khi cô giảng, có điều gì con chưa hiểu...bạn sẽ giúp con tiến bộ nhanh.

Tran Thi Phuong Hoa, nữ, 33 tuổi 

Thưa cô Sinh, tôi đang phân vân không biết nên cho con học tại trường công lập, dân lập hay quốc tế. Trường công lập thì chương trình học quá tải. Trường dân lập và quốc tế thì chất lượng không biết có đảm bảo?

Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Theo tôi, tất cả các trường công lập, hay dân lập đều đảm bảo chất lượng. Vì trường nào cũng thực hiện nghiêm túc quy định. Và hàng năm đều được kiểm định chất lượng của ngành Giáo dục. Bạn yên tâm.

Còn lựa chọn cho con học trường quốc tế đương nhiên là rất tốt, con bạn không những học được tiếng Anh tốt  và chương trình Việt Nam cơ bản, mà còn rèn luyện cho học sinh đức tính tự tin, tự lập kỹ năng sống. Nhưng các bạn hãy cân nhắc điều kiện tài chính của mình trong suốt quá trình học tập của con, trong các bậc học.

Lương Đức Thành, nam, 35 tuổi 

Hiện nay con tôi chuẩn bị vào lớp 1, kính mong các thầy cô giải đáp giúp tôi một số băn khoăn sau: 1. Hiện đã có chuẩn đánh giá xếp hạng các trường cấp 1 trên địa bàn Hà nội chưa? Nếu có tôi xin để tham khảo, nếu chưa xin các thầy cô đưa ra vài nhận xét về vấn đề này. 2. Lên lớp 1,các cháu hầu hết đều học trước, chắc là áp lực của các thầy cô quá lớn. Vậy liệu năm nay có xóa triệt để được áp lực đó không, có xóa học thêm không???!!! 3. Học trái tuyến có bất cập gì, tại sao nhiều khi quy định khắt khe quá, do hộ khẩu và nơi ở nhiều khi khác nhau.! Trân trọng cảm ơn.

Ông Phạm Xuân Tiến: Hiện nay Hà Nội đã thực hiện việc kiểm định chất lượng GD của các nhà trường theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Ý thứ hai bạn hỏi có thể tham khảo câu trả lời trước. Khi phân tuyến tuyển sinh cho các nhà trường thì các quận, huyện căn cứ vào số lượng HS trên địa bàn nên nếu tuyển sinh trái tuyến sẽ phát sinh số lượng của các trường so với quy định. 

Tran Thi Phuong Hoa, nữ, 33 tuổi 

Thưa các khách mời. Gia đình tôi đang băn khoăn lựa chọn một trường quốc tế cho cháu học. Trường Việt Úc và trường Kinder World có sự khác nhau ra sao? Tôi muốn hỏi cô Sinh một chút là các cháu học ở trường quốc tế liệu khi gia nhập đời sống của cộng đồng chung có bị thiên lệch gì về văn hóa hay không?

Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Hai trường Việt Úc và trường Kinder World tôi nghĩ cũng rất tốt.

Con bạn đang học ở trường  quốc tế, khi gia nhập đời sống cộng đồng các cháu có bản lĩnh, sự tự tin, sự hiểu biết tự nhiên- xã hội xung quanh, làm cho cháu vững tin trong cuộc sống. Ví dụ: Khi gặp trường hợp phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày các cháu biết tự giải quyết. Bố mẹ đến đón muộn tự vào văn phòng nhà trường gọi điện cho gia đình đến đón...

Phạm Thị Thoa, nữ, 31 tuổi 

Năm nay, em muốn nộp đơn cho con thi tuyển vào học tại trường Đoàn Thị Điểm nhưng em không biết năm nay mức học phí và các khoản đóng góp của trường mình là bao nhiêu? Em rất mong có được thông tin chính xác và cụ thể từ cô. Cảm ơn cô nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hiền: Chào chị! Chúng tôi đã thong báo nội dung tuyển sinh và kinh phí đóng góp cho năm học mới tại văn phòng nhà trường. Tuy nhiên, tôi xin trả lời chị: học phí ở lớp chất lượng cao: 3 triệu/tháng/học sinh, tiền bán trú là 1,2 triệu /tháng gồm ăn sáng, ăn trưa và bữa phụ giữa buồi chiều. Tiền ô tô là hai mức: 600 nghìn và 700 nghìn, tùy thuộc vào khoảng cách từ nhà đến trường. Ngoài ra, tiền hỗ trợ cho xây dựng cơ sở vật chất của trường là 1 triệu. Tiền để tổ chức các họat động trong và ngoài nhà trường là 500 nghìn/1 năm học. Tiền đồng phục sẽ được chúng tôi thông báo cho phụ huynh sau.

Lò Thị Lèng, nam, 49 tuổi 

Tình trạng chạy trường hiện nay ra sao?

Phạm Thị Xuân Sinh: Theo tôi, việc chạy trường cho con là không cần thiết, bạn hãy yên tâm về chất lượng giáo dục của mỗi trường. Bởi vì, mặt bằng trình độ của giáo viên các trường đều tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm hoặc Đại học sư phạm tiểu học. Môi trường giáo dục của tất cả các trường đều được cải thiện từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và cách bồi dưỡng chuyên môn của ngành giáo dục đều quan tâm đến chất lượng của học sinh.

Phạm Kim Quý, nữ, 28 tuổi 

Chào ông Phạm Xuân Tiến,xin phép cho tôi hỏi sang năm là cháu lớn nhà tôi vào lớp một nhưng cháu lại chưa có hộ khẩu tại hà nội do điều kiện bố mẹ cùng công tác trên Hà Nội nên phải cho cháu theo học trên này, Vậy liệu cháu có được học ở đây không và nếu học thì cháu được học ở những trường nào và thủ tục ra sao ạ. Xin chân thành cảm ơn ông

Ông Phạm Xuân Tiến: Tại sao cả hai vợ chồng cùng làm tại Hà Nội mà chưa đăng ký hộ khẩu? Bạn có thể đặt vấn đề xin học tại trường nơi bạn cư trú.

Ánh Hoàng, nam, 34 tuổi 

Tôi muốn hỏi, gia đình với 2 vợ chồng, thu nhập của mỗi người là 12 triệu đồng mỗi tháng, đã có nhà riêng và một con. Vậy khả năng theo học trường của cô hoặc trường quốc tế trong hệ thống giáo dục quốc tế ở Hà Nội có quá khả năng không?

Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Theo tôi nghĩ, 2 vợ chồng bạn có khoản thu nhập như vậy thì bạn phải dành số lương của một người cho con nếu con bạn muốn vào một trong các trường quốc tế.

Nguyễn Anh Hà, nam, 19 tuổi 

Trường công và trường tư có dạy cùng chương trình của bộ GD & ĐT không? Tại sao áp lực học hành ở trường công rất lớn trong khi HS trường tư rất thoải mái, HS được vui học hơn, trong HS trường công bù đầu việc học, kề cả giáo viên?

Nguyễn Thị Hiền: Chào bạn! Chương trình học của trường công và trường tư hoàn toàn giống nhau, đều là chương trình của Bộ GD- ĐT Việt Nam. Sở dĩ các trường tư học thoải mái hơn vì không bị áp lực của bệnh thành tích và phương pháp dạy học luôn luôn được đổi mới, tạo sự hứng thú cho học sinh để phát triển trí tuệ. Ở bậc học tiểu học, có nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp bổ sung cho chương trình học chính khóa nên các con có cảm giác là thoải mái. 

Tran Anh Minh , nam, 35 tuổi 

Tôi hiện đang ở khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà nội. Tôi muốn hỏi quanh khu vực Xa La có trường tiểu học nào tốt.

Bà Phạm Thị Xuân Sinh: Nên chọn trường gần nhà cho các con để không gặp khó khăn về đưa đón.Bởi vì, mặt bằng các trường bây giờ yên tâm vì rất đồng đều.

Nghiêm Thị Thiều Hoa, nữ, 35 tuổi 

Có người nói cấp 1 học ở đâu cũng được, chưa cần phải chọn trường cho con, nhưng vì lên cấp 2 cũng tuyển theo tuyến nên việc chọn trường ở cấp 1 để tạo điều kiện vào cấp 2 dễ hơn.Vậy phụ huynh như chúng tôi suy nghĩ vậy đã sát vấn đề chưa?

Nguyễn Thị Hiền: Chào chị! Ở cấp I, học ở đâu cũng được. Chị nên chọn trường gần nhà sẽ thuận lợi hơn. Địa bàn nào cũng có đủ trường cấp I và cấp II, bạn nên cho con học đúng tuyến sẽ không gặp khó khăn gì. Mặt bằng chất lượng các trường hiện nay đều như nhau vì đều được đầu tư về mọi mặt.

Mai Thi Hong, nam, 35 tuổi 

Tại sao không thể nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất của những trường thường thường bằng với các trường điểm để tránh tình trạng phụ huynh phải chen chân vào trường điểm. Lớp 1 là thế hệ tương lai của một đất nước bao giờ các em mới có được sự quan tâm và đầu tư đúng chuẩn cho một thế hệ tương lai ngang tầm với các nước trong khối ASIA( tôi không dám mơ sánh với thế giới) Nếu quý vị là chúng tôi, quý vị có chạy trường cho con em của mình không? Quý vị có bất lực nhìn tương lai xa xăm của con em mình hay không? Xin cảm ơn

Ông Phạm Xuân Tiến: Thực ra không có trường điểm mà trường điểm là do phụ huynh tự đặt. Việc xin học trái tuyến có nhiều lí do, song phụ huynh nên chọn trường gần với gia đình mình nhất để cháu không phải chịu áp lực khi tham gia giao thông và không mất nhiều thời gian đi tới trường.

Bạn yên tâm cho con vào lớp 1 của trường đúng tuyến cháu sẽ được học đầy đủ các kiến thức và kỹ năng theo quy định và tương lai cháu sẽ trở thành công dân ưu tú. Bạn có thể lấy chính bạn làm ví dụ. Tôi muốn hỏi bạn, ngày trước bạn có đi học trái tuyến không? Chương trình của Việt Nam bạn đã học có ảnh hưởng đến công việc của bạn hiện nay không? Tôi chắc là không, nên bạn cứ yên tâm nghe theo lời khuyên của tôi. 

  •  Ban Giáo dục