- Qua 4 ngày học sinh đăng kí tự chọn 2 môn thi tốt nghiệp. Khảo sát tại một số trường THPT tại TP.HCM cho thấy môn Hóa, Vật lý, Ngoại ngữ nhận được nhiều sự lựa chọn. Ba môn còn lại bao gồm Lịch sử, Địa lý, Sinh học ít học sinh đăng kí thi.
Ông Nguyễn Văn Vân, hiệu trưởng Trường THPT Merie Curie (Q.3) cho biết, trong tổng số 1100 học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp có tới 80% đăng kí thi môn Ngoại ngữ. Hai môn Lịch sử và Hóa học ít lựa chọn. Trong đó, môn Lịch sử có 57 em, môn Hóa có 300 em đăng kí.
“Ngoại ngữ là thế mạnh của học sinh thành phố, các em luôn được đầu tư và học ngay từ đầu, việc học sinh lựa chọn môn ngoại ngữ cũng là điều dễ hiểu” - thầy Vân cho biết.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cho biết, tính đến hiện tại có 57% học sinh chọn môn Anh văn, hơn 52% học sinh chọn môn Hóa và có tới 62,7% học sinh chọn thi môn Vật lý. Trong khi đó, ở các môn xã hội chỉ có 25 học sinh chọn môn Lịch sử, chiếm khoảng 2,4% và 30 học sinh chọn môn Địa lý, chiếm 2 %.
Trong khi đó, lãnh đạo Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) cho biết, chỉ riêng hai môn tiếng Anh và Vật lý, nhà trường đã có tới hơn 60% số học sinh đăng ký, môn Hóa 40%, Sinh chiếm 30% còn môn Địa và Sử chỉ có 2% học sinh chọn thi.
Trong số 696 học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Tân Bình) thi tốt nghiệp có hơn 60% học sinh chọn thi môn Vật lý, tiếp đến Ngoại Ngữ chiếm trên 50%, Hóa gần 40% còn môn Sinh có 12%. Nhà trưởng chỉ có 72 em chọn môn Sử, 116 em thi môn Địa lý.
Trong khi đó, tại các TTGDTX không lựa chọn ngoại ngữ nhưng các môn Hóa, Lý, Sinh vẫn được lựa cho tương đối cao. Cụ thể, trong 428 thí sinh TTGDTX quận Tân Phú thi tốt nghiệp 12, có tới 53% học sinh chọn thi Hóa, 41% lựa chọn thi Lý, Sinh có 38%. Mặc dù có tới 193 em chọn môn Sử chiếm 45%, 84 em lựa chọn môn Địa lý (khoảng 19,6%) nhưng đây vẫn là số ít so với các môn khác.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó giám đốc TTGDTX quận Tân Bình cho biết, theo khảo sát bước đầu mặc dù các môn tự nhiên vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn từ 40% trở lên, nhưng môn Sử cũng được trên 30% học sinh lựa chọn, đây là con số tương đối khả quan cho môn học này.
Điều đáng nói, tại Trường THPT tư thục Hồng Đức trong tổng số hơn 500 học sinh chỉ có 3 học sinh chọn thi môn sử; 27 học sinh chọn thi môn địa; số còn lại chọn thi Lý, Hóa, Sinh và Ngoại ngữ. Trường có 20 học sinh học khối C nhưng 17 em đã không lựa chọn thi môn Lịch sử.
Trong khi đó, tại Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) trong gần 2.000 HS lớp 12 thi tốt nghiệp tỷ lệ lựa chọn một số môn tương đối cao như Vật Lý với hơn 40%, Hóa và tiếng Anh khoảng 30%, môn Lịch Sử và Địa Lý chiếm tỷ lệ thấp.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp dựa vào năng khiếu, năng lực từng em trên cơ sở kết quả học tập trong những năm học gần đây để các em có thể chọn được môn thi phù hợp nhất.
Tuy nhiên, những năm gần đây lệ học sinh thi đại học ở TP.HCM cũng thiên về các khối tự nhiên và Ngoại ngữ…một phần do các em được thụ hưởng Đề án Ngoại ngữ quốc gia của Chính phủ từ 10 năm nay. Đồng thời được cha mẹ đầu tư từ nhỏ, môi trường học tương đối tốt nên việc lựa chọn môn Ngoại ngữ là nằm trong khả năng của các em.
Còn cô Cúc cho rằng, việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp phụ thuộc vào khả năng, học sinh cảm thấy giành được điểm cao ở môn nào sẽ lựa chọn môn đó. Việc các môn xã hội ít lựa chọn không phải học sinh ghét các môn học này mà do các em thấy không đủ khả năng giành điểm cao. Đối với Trường THPT Gia Định, do phân hóa lớp theo khối thi đại học khi học sinh đăng kí vào lớp 10 trong đó có các khối A, B, D, A1 nên việc học sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp tương ứng với môn thi ĐH là điều dễ hiểu.
Lê Huyền