- Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý I-2014 do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố ngày 21/3, đã có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm có trình độ ĐH, CĐ bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV-2012.

{keywords}
Sinh viên trong ngày hội việc làm. Ảnh: Giáo dục Thời Đại

Cũng theo bản tin này, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ CĐ cao gấp 4 lần, nhóm trình độ ĐH trở lên cao gấp 3 lần tỉ lệ đối tượng thất nghiệp khác. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20 - 24 tuổi tốt nghiệp CĐ và ĐH trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%.

Trong buổi làm việc với Đoàn Thanh niên CS HCM ngày 22/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có yêu cầu “Đừng để thanh niên thất nghiệp”.

Vậy thì, nhiệm vụ này đối với những cử nhân mới ra trường - cụ thể là thuộc về ai?

Trách nhiệm “to” của giáo dục

Muốn có việc thì trước hết phải biết học gì ra sẽ có việc.

Ngay từ khi còn làm Bộ trưởng GD-ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đặt vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội để hạn chế tình trạng thất nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ.

Cách đây chừng 6, 7 năm, một chuỗi các hội thảo chuyên sâu đã được Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ ngành khác tổ chức, nhằm cung cấp tốt hơn nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn.

Hội thảo về nhân lực theo nhu cầu xã hội ngành tài chính diễn ra vào tháng 12/2007, công nghệ thông tin và truyền thông tháng 1/2008, ngành du lịch tháng 3/2008 và tháng 8/2010, ngành y dược tháng 5/2010, ngành đóng tàu tháng 1/2008…

Theo dự báo được đưa ra từ những hội thảo này thì ngành nghề nào (được đề cập tới trong hội thảo) cũng thiếu nhân lực, thậm chí là thiếu trầm trọng.

Tại hội thảo nhân lực ngành công nghệ thông tin, ông Bành Tiến Long khi đó là thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã thừa nhận: “Trong lúc nền kinh tế, tổ chức và doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng nhân lực CNTT thì hàng năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp không có khả năng tìm kiếm việc làm đúng nhu cầu của doanh nghiệp hoặc phải đào tạo lại, gây lãng phí lớn cho người học, gia đình và toàn xã hội. Nguyên nhân cơ bản là còn tồn tại những khoảng trống khác biệt giữa cung - cầu”.

Đáng tiếc là sau hơn nửa thập kỷ, câu nói này vẫn còn nguyên giá trị và không chỉ với riêng ngành CNTT, khi ông Nguyễn Bá Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích, “có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường CĐ, ĐH chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp”.

Như vậy có thể nói là nhiệm vụ chống thất nghiệp cho cử nhân trước hết và phải bắt đầu từ chính mỗi cơ sở đào tạo.

Trách nhiệm “nhỏ” thuộc về ai?

Kể từ những cuộc hội thảo khi đó, chỉ duy nhất có ngành du lịch thêm một lần nữa nhìn nhận lại nhu cầu nhân lực của xã hội để định hướng công tác đào tạo. Hơn nữa, cũng chưa có thống kê nào về việc các dự báo về nhân lực được đưa ra tại các hội thảo đó chính xác tới mức nào.

Và thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH không cho thấy rõ tỉ lệ thất nghiệp cao nhất ở những nhóm ngành nào.

Công tác dự báo không tốt, thiếu sự điều tiết từ những cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến nguyên nhân thất nghiệp thứ hai đối với nhân lực được đào tạo ở trình độ cao được Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê nêu rõ: “Sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp”.

Một nguyên nhân nữa được nêu ra là “Việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này”. Như vậy, “cơ chế” tìm việc theo kiểu “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” như GS Hoàng Tuỵ đã tổng kết, cũng góp phần làm gia tăng số lượng cử nhân thất nghiệp. Để thay đổi, chắc chắn không phải là việc của riêng ngành giáo dục.

Qua khảo sát trong quý IV-2013, việc làm trong ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 45,8% tổng cơ cấu việc làm (giảm 1 điểm %), ngược lại việc làm trong ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm 2012.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này khiến nhu cầu sử dụng lao động có trình độ cao sẽ tăng lên. Điều này cũng đặt ra vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra các chính sách vực dậy ngành kinh tế sản xuất, “hồi sinh” doanh nghiệp, để cử nhân được tham gia sản xuất giúp dân Việt dùng hàng sạch, hàng không độc hại thay vì hàng Tàu giá rẻ, không đảm bảo vệ sinh an toàn, hoặc hàng ngoại đắt đỏ…

Và, tất nhiên, nếu muốn mình không thuộc diện thất nghiệp, những cử nhân phải tự “cứu” mình trước, không nề hà dù làm việc trái chuyên môn hay có khó khăn.

Có còn ai nữa gánh trách nhiệm trong việc “đừng để thất nghiệp” này?

TIN BÀI LIÊN QUAN:

  • Chi Mai