- Đến với giáo dục vùng dân tộc thiểu số Ninh Thuận và Đăk Nông những ngày cuối tháng ba mới thấy một khoảng cách... xa vời vợi. Trẻ tuổi đến trường thì coi việc kiếm sống là trên hết, còn những người làm giáo dục luôn nơm nớp học sinh bỏ trường, bỏ lớp...
Trẻ xin nghỉ hàng tuần đi hái cafe là chuyện thường
Khác với vùng đồng bằng, việc đi học được coi là nhiệm vụ thì ở vùng khó thầy cô, cộng đồng phải đến từng nhà vận động, cho quà để kéo trẻ ra lớp.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bắc Ái (Ninh Thuận) Trần Thị Vân: Bắc Ái là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí thấp.
"Mùa nắng tháng 3 này người dân đối mặt với việc nhà không có gì ăn nên buộc họ phải lên rừng kiếm sống. Cho nên, trẻ mầm non, tiểu học thường theo cha mẹ lên rừng, còn trẻ cấp 2 phải xoay sở kiếm sống nên tuần nghỉ vài buổi là bình thường" - cô Vân nói cái khó.
"Trẻ đi học cách nhật nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhưng nếu không cho nghỉ thì trẻ vẫn phải kiếm sống. Và cấm thì trẻ sẽ nghỉ luôn..." cô Vân trăn trở.
Rồi cô kể, đã có hiệu trưởng "bí" quá cầu cứu tôi xin ý kiến: "học sinh xin nghỉ đi hái cafe một tuần thì tính sao?" Nhưng nghĩ lại cho trò nghỉ thì trò về sẽ quay lại trường, còn cấm thì trò vẫn nghỉ. Thậm chí nghỉ luôn không tới trường nữa. Cho nên tôi khuyên: Nên cho trò và nhớ năn nỉ "em đi nhớ về học nghe..."
Còn phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám (huyện Krông Nô, Đăk Nông) Trần Thị Thơm, tự nhận mình có duyên với các em học sinh vùng khó - chị thuyết phục được gia đình để hàng ngày đi và về hơn 30km để đến gieo chữ cho học sinh dân tộc M'Nông và một số dân tộc khác như Tày, Nùng, Sán Dìu....
Đặc thù trường đóng ở vùng dân tộc thiểu số nên hành trang hàng ngày tới trường không chỉ là kiến thức mà còn mang theo cả túi bánh, kẹo, bút, vở làm quà cho học sinh yêu cô, bám trường. Tuy nhiên, cô Thơm đúc kết: Những người làm giáo dục vùng cao rất lo lắng mỗi dịp Tết qua. Thời điểm tháng 2 vào mùa thu hoạch điều nên các em nghỉ nhiều. Trẻ nhỏ theo bố mẹ lên rẫy, vào rừng kiếm sống...Dù biết trước nhưng đành chấp nhận nhìn sĩ số lớp hao hụt, sau đó bồi dưỡng kiến thức cho các em sau...
Tiếng nói học sinh
Khó khăn là vậy nhưng điều cô Thơm luôn trăn trở: điều kiện sống của bà con nơi đây chủ yếu trông vào mùa vụ làm thuê, cuốc mướn nên việc phổ cập mầm non 5 tuổi ở Knông Nô còn xa vời vợi. Rồi cô chỉ tay ra cơ ngơi thênh thang với sân trường bê tông do phụ huynh đóng góp nói "theo kế hoạch thì đến năm 2015 trường phải xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhưng e không được vì trường còn thiếu nhiều phòng học chức năng, chưa có thư viện..."
Và giải pháp để hút học sinh đến trường được cô Vân áp dụng là tổ chức các hoạt động ngoại khóa để trẻ được phát triển kỹ năng, được thể hiện bản thân và được nói lên suy nghĩ của mình...với mong muốn để tiến gần với các em hơn.
Theo cô Vân, thông qua các truyện kể qua ảnh (dưới đây) thấy hiểu các em hơn và sẽ cố gắng làm mọi điều tốt nhất cho các em...
Bức ảnh của học sinh Trường Tiểu học Phước Tân A (huyện Bắc Ái, Ninh Thuận) mô tả hoạt động kiếm sống của các bạn ở xã Phước Tân, Bắc Ái. Các bạn đã nghỉ học vì nhà không có điều kiện, không có cha mẹ... Qua bức ảnh em muốn chia sẻ để các bạn được quan tâm nhiều hơn... |
Bức ảnh của em Sầm A Huy (bên trái) (học sinh Trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) chụp cô Nguyễn Thị Bảy đang phơi phân bò. Cô đi chăn bò cách nhà 5 km, khi đi chăn bò thì cô lượm luôn phân bò. Một ngày cô lượn được 3 bao, một bao bán được 15.000 đồng...Thông qua bức ảnh, em muốn mọi người quan tâm hơn đến người nghèo. |
Chuyện H.Mai (học sinh Trường THCS Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đăk Nông) kể về hai chị em họ, một người 15 tuổi mới học lớp 7, còn một người 19 tuổi mới học lớp 9. Do hoàn cảnh khó khăn nên khi các bạn cùng tuổi vào học lớp 5 thì họ mới vào học lớp 1... |
Bức ảnh của Pi Năng Thị Mừng (học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận) chụp bà Pi Năng Thị Piếc (50 tuổi) vẫn hàng ngày làm quần quật chăm sóc gia đình. Mà người già làm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Qua bức ảnh này em muốn mọi người quan tâm nhiều hơn đến người người già và người nghèo. |
Pi Năng Thị Đào (học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận) chụp bà em 62 tuổi hàng ngày đi lượm phân bò để kiếm sống vì nhà quá nghèo. Em muốn nói với các bạn cần chăm chỉ hơn để quan tâm đến người già... |
Các em tự tin cầm máy ảnh do Oxfam cùng với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cung cấp để "tác nghiêp" Ảnh: Vương Anh |
Học sinh Trường tiểu học Bỉnh Nghĩa "tác nghiệp" tại triển lãm ảnh tổ chức tại trường ngày 15/3. |
Học sinh Trường Tiểu học Phước Tân A và THCS Nguyễn Văn Linh (Bắc Ái, Ninh Thuận) giao lưu về kỹ năng chụp ảnh |
Hoạt động Tiếng nói qua ảnh (Photovoice) do Oxfam cùng với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện cùng với trẻ em dân tộc thiểu số tại ba tỉnh Ninh Thuận, Đăk Nông và Lào Cai từ tháng 10/2013. Hoạt động này nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Các bức ảnh đẹp, câu chuyện hay sẽ được chọn dự triển lãm toàn quốc tổ chức tại Hà Nội vào dịp 1/6 năm nay. |
- Nguyễn Hiền