- Phó thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam vừa phê duyệt điều chỉnh, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 ĐHQG TP.HCM. Quy mô đến năm 2030 ĐHQG TP.HCM sẽ đào tạo 65.000 sinh viên, hướng đến xây dựng hệ thống đại học top đầu châu Á.

Theo điều chỉnh vị trí, quy mô và ranh giới dự án ĐHQG-HCM sẽ được giữ nguyên.

Sẽ điều chỉnh mở rộng các Trường ĐH Quốc tế, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu tăng quy mô đào tạo. Nội dung điều chỉnh gồm điều chỉnh mở rộng các Trường ĐH Quốc tế, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Công nghệ Thông tin để đáp ứng yêu cầu tăng quy mô đào tạo.

Dịch chuyển vị trí các khoa Địa chất dầu khí, khoa Giáo dục, khoa Ngoại ngữ để dành quỹ đất mở rộng các trường nêu trên.

Bố trí khoa Y Bệnh viện thực hành (dự kiến thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe) vào khu vực phía Bắc của dự án, gắn với công viên khoa học của khu ĐH.

Điều chỉnh sắp xếp lại khu vực Viện nghiên cứu và Khu công viên khoa học, đáp ứng các yêu cầu quỹ đất để bố trí các viện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất.

Bố trí khu dịch vụ thông tin truyền thông vào quỹ đất dự trữ (vị trí tiếp giáp với quốc lộ 1A và Trường ĐH Nông Lâm) đáp ứng các hoạt động sản xuất, in ấn, chế bản, các dịch vụ thông tin và dịch vụ công cộng khác thuộc hoạt động của khu ĐH.

Mở rộng các trục giao thông để đáp ứng các hoạt động đi bộ, đi xe đạp, giao thông công cộng và các tiện ích hỗ trợ giao thông đặc thù của đô thị ĐH.

Về quy hoạch sử dụng đất bao gồm: Khu các trường thành viên có diện tích 180,20 ha (chiếm 28,0 % diện tích tự nhiên); Khu các trung tâm điều hành và dịch vụ công cộng: diện tích đất 54,21 ha (chiếm 8,4% diện tích toàn khu đại học); Khu viện nghiên cứu và khu công nghệ phần mềm: diện tích đất 53,97 ha (chiếm 8,4% diện tích tự nhiên); Trung tâm Thể dục thể thao: diện tích đất 29,50 ha (chiếm 4,6% diện tích tự nhiên); Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh sinh viên: diện tích đất 17,54 ha (chiếm 2,7% diện tích tự nhiên);…

Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị: Các công trình trong khu ĐH được xây dựng theo hướng thấp tầng, mật độ thấp. Ưu tiên phát triển các không gian mở, không gian công cộng, mặt nước, cây xanh và không gian đi bộ....

Bổ sung các không gian giao lưu, sân bãi luyện tập thể chất, công trình văn hóa, tiện ích công cộng tại các khu vực ký túc xá. Hình thành các tuyến phố đi bộ dành cho sinh viên. Gắn với các tuyến phố đi bộ này là các tổ hợp công trình đa năng.

Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 ĐHQG TP.HCM lần này nhằm đáp ứng yêu cầu về quy mô đào tạo và các chức năng mới theo kế hoạch chiến lược phát triển của ĐHQG HCM.

Đồng thời rà soát hoàn chỉnh dự án theo các yêu cầu phát triển mới về quy mô đào tạo, bối cảnh phát triển của khu vực và hoàn thiện khu ĐHQG-HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia.

Xây dựng ĐHQG TP.HCM trở thành là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chuyên ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục Việt Nam và hướng đến xây dựng một hệ thống ĐH trong top đầu châu Á. Quy mô đào tạo đến năm 2030 là 65.000 sinh viên.

  • Lê Huyền